Nếu chỉ nhìn vào phân khúc căn hộ, condotel và biệt thự nghỉ dưỡng thì thị trường bất động sản (BĐS) Đà Nẵng năm 2019 đang trầm lắng so với các năm trước. Tuy vậy, nhiều tín hiệu cho thấy những chuyển biến tích cực của thị trường BĐS đô thị quan trọng bậc nhất miền Trung này.
BĐS nghỉ dưỡng tăng mạnh
Bà Trương Thị Hồng Hạnh - Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, khách sạn là phân khúc “anh cả” dẫn dắt thị trường BĐS đang được hưởng lợi trực tiếp từ hoạt động du lịch. Khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,8 triệu lượt, tăng 26% so cùng kỳ năm 2018. Nguồn cầu nội địa cũng rất ổn định với 2,5 triệu lượt khách, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2018.
Tính đến 6 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng có 31 đường bay quốc tế với tần suất 419 chuyến/tuần và 11 đường bay nội địa (654 chuyến/tuần). Sự gia nhập thị trường của các hãng hàng không mới, các đường bay mới đã thúc đẩy nguồn cầu khách sạn. Khách quốc tế đến Đà Nẵng qua đường hàng không trong 6 tháng đầu năm 2019 đạt 1,5 triệu lượt khách, tăng xấp xỉ 46% so cùng kỳ năm 2018.
Theo đó, nguồn cung thị trường khách sạn Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2019 tăng 20% so cùng kỳ năm, đạt 15.400 phòng từ 121 khách sạn 3 - 5 sao. Đầu năm đến nay, thị trường có thêm 2.000 phòng khách sạn và hơn 8.000 phòng khách sạn sẽ đi vào hoạt động cuối năm 2019. Khách lưu trú Hàn Quốc chiếm gần 50% khách lưu trú quốc tế; khách Trung Quốc chiếm 19%; khách Thái Lan chiếm 7%. Thời gian lưu trú bình quân của khách quốc tế đạt 2,7 ngày.
Biệt thự, căn hộ hấp thụ tốt
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng (BTND) trên địa bàn TP.Đà Nẵng có tổng cộng 17 dự án. Trong đó, quận Ngũ Hành Sơn dẫn đầu nguồn cung với 14 dự án, chiếm 92% thị phần. Dự kiến, từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có 45 BTND gia nhập thị trường. Nguồn cung mới hạn chế và nguồn cầu ổn định dẫn đến tỷ lệ hấp thụ lũy kế đến hiện tại cao. Một dự án mới tung bán giai đoạn đầu gần đây đã rất thành công nhờ sự tổng hòa của các yếu tố như vị trí đẹp, sát biển, danh tiếng chủ đầu tư, nhà điều hành, pháp lý tốt. Với quỹ đất ven biển hạn chế và định hướng điều chỉnh quy hoạch chung TP.Đà Nẵng với hai hướng mũi nhọn: tây bắc - khu công nghệ cao; đông nam – khu vực Ngũ Hành Sơn và sông Cổ Cò, phân khúc nghỉ dưỡng trong tương lai với các sản phẩm biệt thự ven sông. Bà Dũng Dương - Giám đốc cấp cao của CBRE Việt Nam nhận định: “Đà Nẵng là một thành phố du lịch có nhiều lợi thế thiên nhiên và nhân tạo. Điều kiện thời tiết thuận lợi, với bãi biển đẹp trải dài, bên cạnh đó là địa hình đa dạng để phát triển cả du lịch biển, núi và sông. Định hướng phát triển, quy hoạch đang được quan tâm đầu tư về “chất”, hướng đến không gian đô thị xanh, bền vững”.
Đáng kể, trước đây phân khúc căn hộ không hấp dẫn mấy, nhưng giá và giá thuê căn hộ tại Đà Nẵng ngày càng tăng, nhất là khu vực ven biển. Trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ hấp thụ của phân khúc căn hộ đạt 94%; giá chào bán trung bình 2.500 USD/m2, tăng 39% so cùng kỳ năm 2018. Cũng trong thời gian này, một dự án tung thêm khoảng 110 căn hộ, nâng tổng nguồn cung lên 5.300 căn hộ từ 20 dự án. Đến cuối năm Đà Nẵng sẽ có khoảng 900 căn hộ gia nhập thị trường. Ngoài ra, nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại Đà Nẵng 6 tháng đầu năm đạt 212.000m2, tăng 20% so cùng kỳ năm 2018, với 3 dự án tại quận Hải Châu và Ngũ Hành Sơn. Tổng doanh thu bán lẻ 6 tháng đầu năm đạt 27.400 tỷ đồng, tăng 13% so cùng kỳ năm mà mạnh nhất là ngành F&B (dịch vụ thực phẩm, đồ uống) và giải trí. Từ nay đến hết năm 2020, sẽ có hơn 96.000m2 mặt bằng bán lẻ, chủ yếu ở Ngũ Hành Sơn.
Phát triển chuỗi đô thị Non Nước - Hội An
Thị trường BĐS Đà Nẵng đang khởi sắc với nhiều tín hiệu tích cực nhờ bệ đỡ về chính sách vĩ mô. Cụ thể, đầu năm 2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng ban Kinh tế Trung ương (cơ quan được giao chủ trì xây dựng Nghị quyết 43) cho biết: “Chúng ta đặt ra mục tiêu đến năm 2030 làm sao xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố thông minh, sinh thái, đáng sống không chỉ hàng đầu của cả nước mà còn là hàng đầu của khu vực Đông Nam Á. Và đến năm 2045 trở thành một trong những thành phố hàng đầu của châu Á”.
Nhìn vào mục tiêu, nhiệm vụ mà Trung ương đặt ra cho Đà Nẵng, có thể thấy BĐS ở TP.Đà Nẵng sẽ là “thỏi nam châm” thu hút mạnh nhà đầu tư. Thêm vào đó, vừa qua, chính quyền TP.Đà Nẵng đã thuê đơn vị tư vấn Singapore tiến hành làm lại quy hoạch chung. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như Singapore, Hoa Kỳ, Nhật Bản… đang đổ vốn vào Đà Nẵng. Theo ông Trần Phước Sơn - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP.Đà Nẵng, hiện Đà Nẵng có 16 dự án trọng điểm đã khởi công và sẽ có 8 dự án hoàn thành vào cuối năm 2019. Vốn đầu tư xây dựng cơ bản của Đà Nẵng trong năm 2019 gần 7.700 tỷ đồng, trong đó vốn ODA là 1.200 tỷ đồng, vốn trong nước 6.400 tỷ đồng, thì BĐS lại càng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn.
Mới đây, theo phương án thống nhất của lãnh đạo TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, dự án làng đại học sẽ được khởi động trở lại; đặc biệt, sông Cổ Cò sẽ được thông luồng toàn tuyến trước tháng 9 năm 2020. Một khi sông Cổ Cò hồi sinh thì cả chuỗi đô thị Non Nước - Điện Bàn - Hội An sẽ có cơ hội phát triển mạnh, trở thành trung tâm đô thị mới, hạt nhân phát triển kinh tế - xã hội cho TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.