Thị trường lao động năm 2013: Dự báo nhiều khó khăn

HOÀNG LINH 23/01/2013 08:23

Thị trường lao động (TTLĐ) năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Nhiều giải pháp

Theo ông Lê Sáu, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, năm 2013 toàn tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 4.650 LĐ, đưa tỷ lệ LĐ qua đào tạo đạt 56%, trong đó tập trung công tác đào tạo nghề cho LĐ nông thôn. Để thực hiện được chỉ tiêu này, nhiều giải pháp đã được ngành LĐ-TB&XH đặt ra.

Trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động càng cao thì cơ hội đi xuất khẩu lao động càng lớn. Ảnh: D.L
Trình độ tay nghề, ngoại ngữ của người lao động càng cao thì cơ hội đi xuất khẩu lao động càng lớn. Ảnh: D.L

Việc đào tạo nghề trong năm 2013 sẽ gắn với giải quyết việc làm nhằm hạn chế tối đa tình trạng người sau học nghề bị thất nghiệp hoặc làm việc không đúng tay nghề. Các tổ giới thiệu, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ trên cơ sở liên kết với các doanh nghiệp sẽ là vệ tinh hữu hiệu kết nối cung - cầu LĐ. Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tiếp tục là cầu nối thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm và giúp người LĐ tiếp cận với doanh nghiệp. Theo Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, trong năm 2013, trung tâm sẽ tổ chức 13 - 15 phiên giao dịch việc làm, qua đó giới thiệu và cung ứng khoảng 1.500 LĐ trong nước. Trung tâm cũng sẽ phấn đấu thực hiện tư vấn học nghề, việc làm và xuất khẩu LĐ từ 10.000 người trở lên thông qua các phiên giao dịch và sàn giao dịch liên tục được mở tại trung tâm.

Nguồn vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm tỉnh sẽ tập trung cho vay đối với các dự án có quy mô lớn, giải quyết được nhiều LĐ, nhằm mục tiêu giúp 2.000 người LĐ có việc làm. Những đợt điều tra biến động cung - cầu LĐ tiếp tục được thực hiện ở các địa phương sẽ giúp ngành LĐ-TB&XH nắm chính xác hơn về TTLĐ, có được dự báo và hướng đi chính xác, giúp giải quyết nhiều việc làm hơn cho người LĐ. Ngoài ra, một hội chợ việc làm với quy mô cấp tỉnh lần đầu tiên được tổ chức cũng đã được nhắc đến, làm sao tạo điều kiện tốt nhất để người LĐ tìm được việc làm phù hợp, hạn chế tối đa tình trạng thất nghiệp.

Thách thức lớn

Năm 2012, tình hình kinh tế khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, đóng cửa, hàng nghìn LĐ bị sa thải. Nguồn LĐ dôi dư trong năm 2012 chuyển sang 2013, trong khi doanh nghiệp vẫn còn đang khó khăn khiến TTLĐ mất cân bằng nghiêm trọng về cung - cầu. Thông tin tuyển dụng đầu năm 2013 từ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho thấy nhu cầu LĐ của các doanh nghiệp không cao. Chỉ có một số doanh nghiệp tư nhân nhỏ lẻ cần mở rộng thị trường hoặc mở rộng nhãn hàng sản xuất, kinh doanh mới cần thêm LĐ. Bên cạnh đó, các nhóm ngành, nghề cần tuyển dụng chỉ tập trung chủ yếu như nhân viên kinh doanh, bán hàng, dịch vụ - phục vụ, tư vấn - bảo hiểm. Những ngành nghề như da giày, may mặc hoặc xây dựng cần nhiều LĐ nhưng năm này xem ra yếu thế. Vì thế, LĐ phổ thông càng khó có cơ hội tìm kiếm việc làm trong năm 2013.

Để giúp người LĐ trang bị được những yếu tố cần thiết nhất, Bộ LĐ-TB&XH đã có dự án “Hỗ trợ đưa LĐ đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng”. Theo đó, mỗi LĐ nghèo nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề (3 triệu đồng/ khóa), ngoại ngữ (3 triệu đồng/ khóa); bồi dưỡng tiền ăn, học, đi lại và các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lý lịch tư pháp.

Chị Nguyễn Thị Phượng - Trưởng phòng Tư vấn, giới thiệu việc làm và thông tin thị trường LĐ (Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh), cho biết: “Công tác xuất khẩu LĐ trong năm 2013 vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn khi thị trường Hàn Quốc đang gặp khó, thị trường Nhật Bản cần tay nghề cao, các thị trường khác chưa được mở rộng. Trong năm nay, trung tâm sẽ cố gắng tìm kiếm những hợp đồng sang Malaysia, vì thị trường này đã tăng lương cơ bản, điều kiện tuyển dụng không gắt gao, chi phí đi lại thấp, rất phù hợp với LĐ Quảng Nam”.

Trong năm 2013, không chỉ riêng Quảng Nam mà trên toàn quốc, công tác xuất khẩu LĐ được định hướng phải “tăng đào tạo để tăng chất lượng”. Vì thế, tay nghề của người LĐ là vấn đề được đặt ra hàng đầu để được đi xuất khẩu LĐ. Chỉ có một thuận lợi cho người LĐ là những thị trường truyền thống của Việt Nam năm nay sẽ có nhu cầu cao về tuyển dụng LĐ Việt Nam. Theo thông tin từ Cục Quản lý LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), năm 2013 Đài Loan sẽ tiếp nhận hơn 200.000 LĐ Việt Nam, Nhật Bản có khả năng tăng nhu cầu lên 8.000- 9.000 LĐ, thị trường Libya đang mở cửa trở lại, Malaysia đã tăng lương và sẽ tăng tiếp nhận LĐ Việt Nam... Khi kinh tế càng khó khăn, yêu cầu của nhà tuyển dụng sẽ gắt gao hơn. Vì vậy, tay nghề của người LĐ cùng với ngoại ngữ, tác phong là những yếu tố mấu chốt giúp họ ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng.

HOÀNG LINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thị trường lao động năm 2013: Dự báo nhiều khó khăn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO