|
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: VINH ANH |
Trường
Tại cuộc họp, đa số ý kiến đều thống nhất, đánh giá cao chủ trương lớn của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ban hành Đề án 2222. Tuy nhiên, các đại biểu đều cho rằng, việc tổ chức Hội đồng thi tuyển là quan trọng nhất khi thực hiện đề án; bởi đây là yếu tố quyết định, bảo đảm tìm đúng người, vừa có đức vừa có tài. Theo ông Lê Duy Phát - Quyền Hiệu trưởng trường Đại học Quảng Nam: “Để thu hút đầu vào có chất lượng, Hội đồng thi tuyển phải đảm bảo đáp ứng đủ yêu cầu. Đó là cái “gốc” để các ứng viên tham gia đăng ký tin tưởng, qua đó mới mong thu hút được nhiều người tham gia và tìm được người tài”. Cùng quan điểm, ông Trịnh Đại Trào - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Quảng Nam cho biết: “Việc thi tuyển chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý có kết quả thì thành viên Hội đồng thi tuyển phải được chọn lựa kỹ càng. Bởi vì nó quyết định kết quả cuối cùng”. Ông Trào kiến nghị, việc thẩm định hồ sơ phải do Sở Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Tỉnh ủy thẩm định. Đây là khâu quan trọng để xem ai đủ điều kiện dự thi và ai không đủ. Người được thi tuyển phải được chọn lựa cả về chuyên môn lẫn phẩm chất đạo đức.
Khó - nhưng sẽ làm Tại cuộc họp, ông Nguyễn Hữu Sáng - Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, mặc dù mỗi đơn vị có những khó khăn riêng nhưng cần khẳng định quyết tâm chính trị, góp phần thực hiện giải pháp đột phá về công tác cán bộ theo Nghị quyết 04 về công tác cán bộ của Tỉnh ủy. Ông Sáng cũng đề nghị các đơn vị cần chuẩn bị tốt kế hoạch thi tuyển gồm các nội dung liên quan đến mục tiêu, điều kiện, tiêu chuẩn… Tỉnh ủy và UBND sẽ thành lập Hội đồng thi tuyển chung, thông báo về nhân sự và sẽ tiếp thu các ý kiến cân nhắc cho phù hợp. Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy là đầu mối tiếp nhận, thẩm định hồ sơ, thay vì theo đề án ban đầu là ở các đơn vị. Theo dự kiến, mọi công tác chuẩn bị hoàn thành vào cuối tháng 12 hoặc đầu tháng 1.2014, sau đó tổ chức thi tuyển và bổ nhiệm. “Vấn đề còn rất nhiều cái khó. Tuy nhiên không phải khó là không làm. Khó cho nên mới làm trước ở một số đơn vị sự nghiệp, do vậy rất mong các đơn vị ủng hộ, chung sức, chung lòng để chuẩn bị thật tốt cho việc thi tuyển thành công” - ông Sáng nói. |
Trong khi đó, cũng liên quan đến vấn đề chất lượng, yêu cầu đối với ứng viên tham gia dự tuyển vào đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh phải có trình độ C ngoại ngữ. Ông Lê Duy Phát chia sẻ: “Tôi cho rằng yêu cầu phải có bằng B, C thì đúng rồi, nhưng đối với một đơn vị trường học như chúng tôi, liệu yêu cầu đó có thật sự đảm bảo. Bằng ngoại ngữ hiện nay ai cũng biết thực chất thì rất ít. Nếu lấy đó làm tiêu chí, nhất là đối với lãnh đạo, rất khó đảm bảo. Chúng tôi vốn rất xấu hổ mỗi khi làm việc với các đơn vị nước ngoài mà lãnh đạo không biết ngoại ngữ”. Ông Phát kiến nghị, Sở Nội vụ nên xem xét lại yêu cầu này nhằm quan tâm đến chất lượng đầu vào của cán bộ lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng. Còn theo ông Phạm Văn Thắng - Trưởng phòng Tổ chức hành chính trường Đại học Quảng Nam, muốn cán bộ có trình độ chuyên môn về ngoại ngữ đảm bảo thì nhất quyết trong Hội đồng thi tuyển phải có một “chuyên gia” giỏi về ngoại ngữ mới có thể thẩm định, “sát hạch” đúng người, đúng chất lượng yêu cầu.
Trong khi đó, lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam lại mong muốn thủ trưởng đơn vị có quyền hạn trong việc bổ nhiệm chức danh phó giám đốc. Là 1 đơn vị được chọn làm điểm cho việc thi tuyển chức danh phó giám đốc, ông Phạm Ngọc Ẩn - Giám đốc Bệnh viện cho biết, hiện bệnh viện chỉ có 1 phó giám đốc nên rất ủng hộ tổ chức thi tuyển chức danh này. Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp khó khăn vì “khan hiếm” ứng viên “nội bộ” tham gia thi tuyển. Ông Ẩn cũng quan ngại, phó giám đốc là người “giúp việc” cho giám đốc, nếu một ứng viên nào ở ngoài bệnh viện trúng tuyển mà lại không làm tròn trách nhiệm là người “giúp việc” thì lúc đó liệu nhiệm vụ có thể hoàn thành?. Ông Ẩn cho biết, khi nhận được công văn của Sở Nội vụ, Bệnh viện Đa khoa đã tổ chức họp và chọn những người đủ năng lực nhất để tham gia ứng thi. Tuy nhiên, đến nay vấn đề này còn gặp rắc rối vì nhiều người bày tỏ không muốn tham gia cuộc thi. Ông Ẩn chia sẻ: “Nếu Giám đốc bệnh viện, Đảng ủy Bệnh viện làm quyết liệt, chỉ đạo thì nhân viên vẫn nghe nhưng làm như vậy không tạo ra sự tự nguyện và đồng lòng”.
VINH ANH