Ít ỏi nông hộ cầm cự nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này đang tìm mọi cách để quản lý chặt chẽ môi trường nước trong ao nuôi, giúp tôm thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan do nắng nóng kéo dài.
Người nuôi tôm túc trực bên ao nuôi để xử lý, ổn định môi trường nuôi tôm. Ảnh: N.Q.V |
Ổn định cho ao nuôi
Nuôi tôm tại Quảng Nam đã khó càng thêm khó vào những ngày này. Toàn tỉnh có đến hàng nghìn héc ta diện tích nuôi tôm nhưng chỉ có lưa thưa vài vùng nuôi nhỏ lẻ tồn tại. Do hạ tầng vùng nuôi sơ sài, không có kênh cấp, kênh thoát nước riêng biệt, hầu hết nguồn nước nuôi tôm được nông hộ lấy trực tiếp từ sông vào ao nuôi. Các hệ thống sông bị ô nhiễm nặng nề mà thời tiết nắng nóng kéo dài nên thất bát đã diễn ra liên tục trong mấy tháng qua. Để khắc phục tình trạng trên, theo anh Trần Ngọc Bốn ở khối phố Phú Sơn (phường An Phú, TP.Tam Kỳ) yêu cầu cấp thiết đặt ra là phải đầu tư ao chứa lắng. Nước được xử lý tốt từ đây không những cấp cho các ao nuôi vào lúc cần thiết mà còn cắt đứt mầm bệnh tấn công tôm nuôi xâm nhập từ bên ngoài. “Ðể ứng phó với độ mặn tăng cao do nắng nóng kéo dài như hiện nay thì bắt buộc phải có ao chứa lắng. Khi độ mặn ở ao nuôi lên đến 30‰ thì điều tiết nước hợp lý nhất là tiếp nước từ ao lắng sang. Để hạ độ mặn trong ao nuôi tôm thì cần phải tăng cường hàm lượng vi sinh, khoáng và các loại vitamin C đầy đủ” - anh Bốn nói.
Ở TP.Tam Kỳ, ông Đỗ Văn Lãnh (khối phố Phú Sơn, phường An Phú) là nông dân tiêu biểu nhiều năm liền bởi thành tích nuôi tôm ít người sánh kịp. Ông Lãnh cho biết, nguy hiểm nhất khi nuôi tôm mùa nắng nóng kéo dài là nguy cơ tôm bị bệnh đường ruột. “Thời tiết cực đoan sẽ khiến cho tảo xuất hiện dày đặc trong ao nuôi tôm là nguyên nhân khiến tôm dễ bị bệnh đường ruột, gan tụy. Nhiệt độ cũng sẽ chênh lệch lớn giữa ngày và đêm khiến tôm nuôi dễ bị sốc, không thể kháng cự với các tác nhân bất thường tấn công. Người nuôi tôm cần duy trì chế độ quạt nước hợp lý, cung cấp đủ các chế phẩm sinh học cho ao nuôi. Nông hộ cũng cần quản lý chặt chẽ khẩu phần thức ăn cho tôm, nếu dư thừa cũng sẽ tác động xấu đến môi trường ao nuôi” - ông Lãnh nói.
Thời điểm này, bên cạnh nắng nóng, những cơn mưa trái mùa cũng bất lợi cho môi trường ao nuôi. Bởi lượng mưa cuốn trôi mùn bã, các chất bẩn trên bờ xuống ao nuôi tôm khiến nguồn nước bị phân tầng nhiệt độ, độ pH, độ kiềm. Các nông hộ cho rằng, ngoài bổ sung dinh dưỡng cho tôm, cần theo dõi, quản lý thật chặt chẽ ao nuôi. Ðề phòng tôm bị sốc, người nuôi tôm cần phải giữ mực nước trong ao nuôi ở mức 1,5m kết hợp chạy quạt, hạn chế sự phân tầng nước, tạo thuận lợi cho tôm phát triển.
Nuôi tôm 2 giai đoạn
Cần chủ động sản xuất: Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam đề nghị các Phòng NN&PTNT, Phòng Kinh tế ở 6 huyện, thành phố, thị xã có nuôi tôm, các địa phương ven biển và người nuôi tôm cần chủ động ứng phó với nắng nóng kéo dài ảnh hưởng tiêu cực đến nuôi tôm. Theo đó, tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ vùng nuôi tôm, cơ sở nuôi tôm; có kế hoạch sản xuất và quản lý ao nuôi tôm tốt; kịp thời theo dõi các bản tin quan trắc môi trường nước nuôi tôm của ngành thủy sản để ứng phó kịp thời. Người nuôi tôm cần sử dụng con giống chất lượng tốt, có kiểm dịch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nên ương giống trước khi nuôi tôm thương phẩm; luôn điều chỉnh các yếu tố môi trường nước trong ngưỡng thích hợp. Khi có mưa dông, nông hộ nên rải vôi xung quanh ao nuôi tôm để khống chế các tác hại đến môi trường nuôi tôm. |
Theo ông Đỗ Văn Lãnh, nuôi tôm trên địa bàn phường An Phú có thuận lợi lớn là nguồn nước sông Tam Kỳ rất ổn định trong thời gian qua. Tuy nhiên, gần đây, chất lượng nước đã có dấu hiệu suy giảm, bắt đầu xuất hiện mùi hôi, nước đục. Vì vậy, trong điều kiện nắng nóng, tăng độ mặn thì người nuôi tôm càng phải tăng cường tự giám sát ao nuôi, chủ động sản xuất. Ông Lãnh chia diện tích nuôi tôm thành nhiều ao nhỏ, bố trí hẳn 2 ao chứa lắng và nuôi tôm qua 2 giai đoạn. Cụ thể, với tổng diện tích 3ha, ông Lãnh chia đều thành 10 ao nuôi có diện tích bằng nhau là 3.000m2. Ngoài 2 ao chứa lắng, ở 8 ao còn lại ông Lãnh bố trí 2 ao ương nuôi tôm giống, sau một tháng nuôi sẽ chuyển sang nuôi thương phẩm. Ở ao ương nuôi tôm, ông Lãnh thả tôm giống ở post 12 với mật độ 400 con/m2. Sau đó, tôm ở mỗi ao ương nuôi, ông Lãnh chia đều cho 4 ao nuôi với mật độ bằng nhau là 100 con/m2. Sau 2 tháng nuôi, ông Lãnh thu hoạch. “Tôi nuôi tôm 3 vụ mỗi năm. Năng suất rất đạt vì tôm hầu như không hao hụt sau giai đoạn ương nuôi. Nuôi 2 giai đoạn thuận tiện ở chỗ rất dễ quản lý tất cả yếu tố có thể tác động đến quá trình sinh trưởng của tôm. Nhờ chủ động như vậy nên tôm nuôi của tôi phát triển tốt” - ông Lãnh nói.
Ở thôn Hòa An (xã Tam Hòa, Núi Thành), ông Trần Văn Thành đầu tư nuôi tôm trên cát theo hình thức công nghiệp bằng cách lót bạt cả 34 ao nuôi tôm. Cụ thể, ông Thành bố trí 2 cụm, cụm thứ nhất gồm 30 ao nuôi có diện tích đều nhau là mỗi ao có 3.000m2 và cụm thứ 2 là 4 ao nuôi nhỏ, mỗi ao có diện tích 250m2. Ở cụm thứ nhất, ông Thành chỉ nuôi tôm thương phẩm còn cụm thứ 2 chỉ ương nuôi tôm giống. Có đến 30 ao nuôi tôm thương phẩm nhưng ông Thành chỉ nuôi tôm thẻ chân trắng trong 15 ao, 15 ao còn lại, ông Thành dùng làm ao chứa lắng, xử lý nước được kéo từ biển về và dung hòa bằng nước ngọt đóng ngầm ngay tại vùng nuôi tôm. “Thời tiết ngày càng cực đoan, nắng nóng kéo dài lại xen kẽ mưa trái mùa khiến cho môi trường nước biến động liên tục, tăng độ mặn, thiếu nước. Bởi vậy, tôi phải bố trí đến 15 ao chứa lắng, xử lý nguồn nước lớn cung cấp đều cho 15 ao nuôi tôm. Phải đầu tư bài bản như vậy mới mong thành công” - ông Thành nói. Để hạn chế đến mức thấp nhất tác hại từ các yếu tố bên ngoài, ông Thành xử lý nước tại ao chứa lắng qua 2 giai đoạn, ban đầu là dùng thuốc tím, sau đó dùng chlorin xử lý nước.
NGUYỄN QUANG VIỆT