Thời gian qua, bằng các giải pháp linh loạt, ngành chức năng và nhiều địa phương đã triển khai các mô hình, cách làm hiệu quả, thích ứng với thực tế, tạo điều kiện để xây dựng, phát triển sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát thực tế mô hình tích tụ ruộng đất liên kết sản xuất lúa giống với Công ty Giống cây trồng miền Nam của Hợp tác xã Bình Đào (Thăng Bình). Ảnh: Q.VIỆT |
TÁI CƠ CẤU CÓ CHỌN LỌC
Tái cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp là vấn đề Quảng Nam đã và đang cấp thiết thực hiện để giúp nông dân ổn định sản xuất.
Phù hợp quy hoạch vùng
Theo Sở NN&PTNT, ngành đang tập trung triển khai tái cơ cấu để tạo chuyển biến cho tam nông, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Lê Muộn cho rằng, điều cần phải làm trước tiên là triển khai tốt các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch phù hợp hơn với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Tái cơ cấu ngành gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, làng nghề và các nhà máy, cơ sở chế biến nông sản. Vùng đồng bằng tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa có quy mô lớn, sản phẩm an toàn theo hướng VietGAP. Vùng núi triển khai trồng rừng gỗ lớn, chuyển đổi trồng rừng sản xuất theo hướng bền vững, phát triển cây dược liệu, sâm Ngọc Linh, chăn nuôi tập trung, nuôi trồng thủy sản các hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đối với vùng đồng bằng ven biển, quy hoạch lại vùng nuôi thủy sản, trồng rừng phòng hộ gắn với du lịch sinh thái, tập trung chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản kết hợp thực hiện điều chỉnh quy hoạch ngành thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Hợp tác xã Bình Đào liên kết tổ chức sản xuất lúa giống hiệu quả. Ảnh: QUANG VIỆT |
Ông Lê Muộn cho biết, đối với các huyện miền núi, đã tập trung rà soát lại quy hoạch bố trí dân cư gắn với phát triển sản xuất cho phù hợp với từng điểm dân cư. Điều đó có ý nghĩa quan trọng để thuận lợi hơn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai tốt các chương trình, dự án đầu tư. Miền núi cần thực hiện tốt giao đất, giao rừng, khoán quản lý bảo vệ rừng để phát triển kinh tế rừng. Các địa phương phải rà soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, hoàn thành việc giao rừng, cho thuê dịch vụ môi trường rừng và thuê đất trang trại, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ổn định, lâu dài cho tổ chức, cộng đồng làng, hộ gia đình, cá nhân gắn với rừng, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu.
Gắn vai trò hợp tác xã
Bên cạnh thực hiện các chính sách của trung ương, thời gian qua Quảng Nam cũng đã tăng cường huy động nguồn lực đầu tư phát triển bền vững kinh tế nông thôn. Giai đoạn 2008 - 2017 tổng vốn đầu tư công khu vực nông thôn hơn 37.122 tỷ đồng, chiếm hơn 86,3% tổng vốn đầu tư công toàn tỉnh (đạt mức tăng bình quân 16,78%/năm). So với năm 2008, vốn đầu tư khu vực nông thôn năm 2017 tăng gấp 4 lần (mức 5.718 tỷ đồng), riêng năm 2016 đạt mức kỷ lục khi chiếm đến 91% tổng vốn đầu tư công của tỉnh (khoảng 5.834 tỷ đồng). Cùng với các nguồn đầu tư, nhiều cơ chế chính sách của tỉnh đã trực tiếp tác động làm tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, tạo thuận lợi trong lưu thông hàng hóa. Trong đó, rõ nhất là giao thông nông thôn phát triển kết nối với giao thông đối ngoại, dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho vận tải cung ứng vật tư đầu vào, vận chuyển nông sản đến các trung tâm, cơ giới hóa tăng nhanh... |
Trên địa bàn tỉnh, liên kết sản xuất theo chuỗi đã dần khẳng định ưu thế. Hình thức liên kết tương đối đa dạng, trong đó chủ yếu nhất là liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp tác xã (HTX). Liên kết được thực hiện cả trong việc doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và chế biến, tiêu thụ đến người dân rồi thu mua sản phẩm. Lợi ích lớn của liên kết sản xuất trong nông nghiệp thông qua HTX là nông dân giảm được ngày công lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao trình độ canh tác theo quy trình kỹ thuật bài bản. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vai trò của HTX ngày càng được khẳng định, thúc đẩy liên kết sản xuất và gia tăng lợi nhuận cho nông dân. “Các doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua nông sản hàng hóa đến tận nơi sản xuất của nông dân mà phải thông qua HTX. Các doanh nghiệp không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với hàng vạn hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ để thu mua, chế biến một khối lượng nông sản lớn mà cũng thông qua HTX” - ông Lê Muộn nói.
Kinh tế hợp tác, HTX phát triển gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao thu nhập cho người dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng cần đôn đốc các địa phương khẩn trương lập đề án phát triển HTX gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia như xây dựng nông thôn mới, nước sạch và vệ sinh môi trường. Trong đó rà soát, đánh giá thực trạng HTX, giải quyết cơ bản các vướng mắc để đảm bảo tốt hơn các điều kiện hoạt động của HTX như đất đai, tổ chức bộ máy, nhân sự điều hành, định hướng phát triển. Các HTX hoạt động chưa hiệu quả phải xử lý dứt điểm bằng cách giải thể hoặc chuyển đổi sang hình thức hoạt động khác phù hợp. “Các địa phương cần tích cực vận động thành lập mới các HTX để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản xuất, đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn về tiêu chí 13 trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các xã đã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014 - 2016, phải tiếp tục củng cố, nâng chất tiêu chí 13 để đủ điều kiện xem xét công nhận đạt chuẩn lại đối với tiêu chí này. Việc phát triển các HTX cần chú trọng gắn với chương trình khởi nghiệp trong nông nghiệp, khuyến khích, động viên, hỗ trợ cho thanh niên, phụ nữ, nông dân khởi nghiệp từ HTX” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.
TIẾT KIỆM NƯỚC TƯỚI
Trước ảnh hưởng ngày càng lớn của hạn hán, xâm nhập mặn, ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thích ứng để sản xuất nông nghiệp ổn định.
Huyện Thăng Bình tập trung bảo vệ công trình hồ đập để đảm bảo nước tưới. Ảnh: Q.VIỆT |
Cánh đồng thông minh
Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn mấy năm gần đây đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tại huyện Thăng Bình, hệ thống thủy lợi của các hồ Phú Ninh (huyện Phú Ninh), Đông Tiển (Bình Trị), Phước Hà (Bình Phú) và Cao Ngạn (Bình Lãnh, Thăng Bình) gồm 11 đập dâng, 8 trạm bơm điện, phục vụ nước tưới cho 12.800ha đất sản xuất nông nghiệp. Có năm cao điểm nắng nóng, toàn huyện có đến 800ha đất không thể sản xuất hoặc cây trồng bị chết do thiếu nước. Bởi vậy, giải pháp tiết kiệm nước tưới, bảo vệ các công trình hồ, đập đã được địa phương chú trọng. Ông Nguyễn Xuân Vũ - Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho biết, xã thành lập các tổ, đội thủy nông, bố trí đủ người và phương tiện để tu sửa, nâng cấp các công trình tưới nước, nạo vét ao đìa, kênh mương nội đồng, điều tiết nước dẫn vào từng đồng ruộng, giúp các nông hộ sản xuất thuận lợi.
Ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam cho rằng, tiết kiệm nước tưới trong mùa khô hạn là rất cần thiết bởi có năm toàn tỉnh có đến hàng nghìn héc ta lúa, hoa màu bị thiệt hại vì khô hạn. Tận dụng nguồn tài trợ của Ngân hàng Thế giới, Sở NN&PTNT đã triển khai mô hình “cánh đồng thông minh” tại các huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Phú Ninh, tiết kiệm nước tưới trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả thiết thực, nâng cao thu nhập cho người dân. Tại huyện Quế Sơn, mô hình được triển khai trên diện tích 45ha thuộc 2 thôn Dưỡng Xuân và Xuân Phú, xã Quế Xuân 1. “Ngành chức năng đã hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp hiệu quả hơn trong điều kiện khô hạn, thiếu nước tưới bằng cách đầu tư hệ thống kênh, mương nội đồng, kiên cố hóa các đường dẫn nước, khắc phục nước thẩm lậu phí phạm trong thời gian qua. Người dân tận dụng điều kiện ổn định nước tưới đã sản xuất lúa và đậu phụng hiệu quả, tăng cao thu nhập” - ông Nguyễn Thế Quang - Chủ tịch UBND xã Quế Xuân 1 chia sẻ.
Chuyển đổi cây trồng
Ứng phó với khô hạn, nhiều địa phương thuộc vùng tây của tỉnh mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho phù hợp hơn với điều kiện thiếu nước tưới. Tại xã Bình Định Nam (Thăng Bình), các mô hình trồng bắp, đậu phụng tập trung thay thế cho canh tác lúa 1 vụ không chủ động nước tưới trên hàng chục héc ta tại các thôn Châu Xuân Tây, Thanh Sơn đã đem lại kết quả khả quan. “Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng chuộng cây trồng cạn, địa phương đã triển khai nhiều mô hình khuyến nông như thực nghiệm cây đậu phụng có phủ bạt bằng giống TB25 đem lại hiệu quả cao. Chúng tôi cũng đang tập trung mọi nguồn lực, đặc biệt là nội lực của nhân dân để tập trung, tích tụ sản xuất đậu phụng và bắp hàng hóa bằng cách tổ chức hợp tác xã nông nghiệp để liên kết với các doanh nghiệp cung cấp giống lúc đầu vụ và thu mua khi sản phẩm đến kỳ thu hoạch” - ông Trần Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, đa dạng hóa cây trồng trên đất sản xuất lúa kém hiệu quả là một trong những nội dung quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế của ngành trồng trọt, hướng đến phát triển bền vững. Những loại cây trồng cạn được khuyến khích chuyển đổi trên đất chuyên trồng lúa thiếu nước tưới là bắp, mè, đậu phụng, rau màu, đậu các loại. Kết quả của việc tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng đã góp phần tăng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất canh tác, từ 36,06 triệu đồng/ha năm 2008 đến năm 2018 ước đạt khoảng 80 triệu đồng/ha (tăng 43,94 triệu đồng/ha). Đến nay toàn tỉnh có gần 4.000ha đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Ngoài ra, đã hình thành một số vùng nông sản hàng hóa như bắp, đậu phụng, rau đậu thực phẩm, sắn nguyên liệu với hơn 6.000ha/năm. Các cánh đồng lớn trồng bắp, đậu xanh, đậu phụng, ớt, dưa hấu mỗi năm đem lại nguồn thu khá cho nông hộ. “Nhiều mô hình cây trồng cạn được sản xuất hiệu quả theo hướng liên kết 4 nhà, từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, hiệu quả, thu nhập cho nông dân” - ông Lê Muộn nói.
HỢP TÁC CÙNG CÓ LỢI
Trong quá trình thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, việc tích tụ ruộng đất gắn với hợp tác sản xuất đã đem lại thu nhập cao cho nông dân.
Ông Trần Công Thành tự tích tụ ruộng đất để nuôi tôm thương phẩm đem lại lợi nhuận cao. Ảnh: Q.VIỆT |
Góp... đất sản xuất
Xã Bình Đào (Thăng Bình) là địa phương đầu tiên của tỉnh triển khai thí điểm mô hình tập trung ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Năm 2016, nông dân đồng thuận góp đất sản xuất và cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào thuê với quy mô 20ha để sản xuất 10ha lúa giống và 10ha đậu phụng. Kết quả của việc tích tụ và tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất với Công ty Giống cây trồng miền Nam đã cho hiệu quả sản xuất cao hơn so với giá trị sản xuất ở các diện tích đất không tích tụ. Cụ thể, đối với lúa, tăng 15,78 triệu đồng/ha/vụ còn đậu phụng tăng 2,5 lần. Tích tụ, tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất tại xã Bình Đào đã tạo ra những thửa ruộng lớn, liền vùng, tạo điều kiện thuận lợi áp dụng các khâu cơ giới hóa sản xuất. Qua triển khai mô hình, nhận thức của người dân về mô hình sản xuất mới, có hiệu quả được tăng lên và họ đồng tâm, hiệp lực với HTX đẩy mạnh tích tụ, tập trung ruộng đất để liên kết sản xuất trong thời gian gần đây. “Ban đầu người dân góp đất hoặc cho thuê đất có tâm lý sợ mất đất nhưng dần dà họ thấy đất được chúng tôi quản lý tốt nên yên tâm gửi gắm. Nhiều nông hộ tham gia HTX có thu nhập ổn định nên càng gắn bó hơn” - ông Võ Tấn Sanh, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Bình Đào cho biết.
Mô hình hộ dân tự tích tụ đất để nuôi trồng thủy sản lớn cũng đã được thực hiện ở xã Tam Hòa (Núi Thành). Ông Trần Công Thành (TP.Tam Kỳ) đã chuyển nhượng và thuê gần 10ha đất của các hộ dân thôn Hòa An (xã Tam Hòa) với giá 4 - 5 triệu đồng/sào/năm để đầu tư nuôi tôm sạch công nghệ cao rồi liên kết với công ty CP để tiêu thụ tôm thương phẩm. Kết quả sản xuất cho lợi nhuận rất cao, thu hàng chục tỷ đồng sau mỗi năm sản xuất. Ông Thành cho biết không ngại thuê đất với giá cao mà lo lắng thời gian thuê đất không dài, dẫn đến khó đầu tư lớn để sản xuất lâu dài, ổn định. “Nuôi tôm thẻ chân trắng đòi hỏi phải tập trung nhiều diện tích để xử lý môi trường nước tốt thông qua nhiều bậc ao lắng, ao xử lý nước thải và ao nuôi tôm thương phẩm. Muốn thành công thì phải đầu tư lớn nên tôi thuê đất của nông hộ để nuôi tôm” - ông Thành nói.
Toàn tỉnh hiện có 4 dự án đầu tư, thuê đất rừng để triển khai trồng cây dược liệu là sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My với tổng diện tích gần 50ha. Ngoài ra, còn một số đơn vị, công ty đã nghiên cứu, xin chủ trương và lập dự án đầu tư, phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bằng việc liên kết, thuê đất để sản xuất hoặc liên kết, thuê đất để trồng rừng nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Quảng Nam đã quy hoạch 5.195ha đất để thực hiện các khu chăn nuôi tập trung. Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam đang xúc tiến, ký kết hợp đồng với các địa phương là Hiệp Đức, Thăng Bình, Quế Sơn, Nông Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh, Bắc Trà My để trồng gỗ nguyên liệu hàng hóa lớn.
Khuyến khích tích tụ
Là địa phương thí điểm triển khai tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, huyện Thăng Bình đã gặt hái được nhiều thành quả trong thời gian qua. Ông Phan Công Vỹ - Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, huyện đang tập trung sơ kết, tổng kết các mô hình thí điểm tích tụ đất đai tại địa phương để nhân rộng ra 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Các xã đang chú trọng nghiên cứu, xây dựng đề án tích tụ đất đai để sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện hiệu quả.
Theo Sở NN&PTNT, về hình thức tích tụ đất đai, thống nhất tổ chức thực hiện theo hướng HTX thuê đất của dân, sau đó liên kết với doanh nghiệp để sản xuất và các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê đất của dân mà không thông qua HTX để trực tiếp sản xuất. Quảng Nam khuyến khích hình thức hộ gia đình có đủ điều kiện, nguồn lực thuê đất của các hộ dân khác để tổ chức sản xuất liền vùng, liền thửa cũng như khuyến khích người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định để thực hiện tích tụ đất đai. Theo đó, nghiên cứu các mô hình tích tụ đất đai có hiệu quả, các cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ đất đai của các địa phương trong cả nước và vận dụng phù hợp với điều kiện cụ thể ở Quảng Nam. Cốt lõi là làm sao cho chủ thể đứng ra tích tụ đất đai sản xuất nông, lâm sản hàng hóa được thuận lợi và người cho thuê đất được lợi nhiều hơn so với việc canh tác đơn lẻ, manh mún như hiện tại.
Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các huyện, thị xã, thành phố và quy hoạch nông thôn mới của các xã, các địa phương cấp huyện cần chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch các vùng phù hợp để tích tụ đất đai nhằm phát triển thành các khu sản xuất hàng hóa nông, lâm nghiệp, thủy sản, nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, ở đồng bằng cần ưu tiên chọn một số vùng, địa phương ven đô, suy giảm thâm canh, quảng canh, nơi ruộng đất bị bỏ hoang, nơi đã thực hiện tốt công tác dồn điền, đổi thửa hoặc đã thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất hàng hóa ở lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản để thực hiện việc tích tụ đất đai. Ở khu vực miền núi, cần ưu tiên quy hoạch diện tích trồng rừng gỗ lớn, chế biến gỗ, trồng cây dược liệu để tích tụ đất đai. Cùng với đó là tích tụ, tập trung các diện tích đất đai ở mức độ lớn, nhỏ khác nhau để đảm bảo để trồng cây nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN QUANG VIỆT