Một loạt các quốc gia châu Á đang oằn mình gánh chịu bão lũ, hạn hán, núi lửa hoạt động… với những thiệt hại nặng nề về người và của...
Cơn bão Utor trước khi tiến vào biển Đông hôm qua (12.8), với tốc độ gió lên tới 175km/h và giật tới 210km/h đã càn quét đảo Luzon của Philippines khiến ít nhất 23 người mất tích. Theo Giám đốc cơ quan đối phó thảm họa quốc gia Philippines, các trường hợp mất tích đều là ngư dân ra khơi ở bờ đông của đảo lớn Luzon, nơi nằm trên hướng di chuyển của bão. Utor là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm đến nay ập vào Philippines và cũng là cơn bão thứ 12 trong tổng số khoảng 20 cơn bão mà nước này phải hứng chịu mỗi năm. Bão Utor đã phá hủy hệ thống truyền tải điện, gây mưa lớn khắp các thành phố và các vùng trồng lúa ở đất nước này, làm lở đất nghiêm trọng tại một số địa phương. Nhiều trường học phải đóng cửa, hơn 8.000 khách du lịch đang bị mắc kẹt trên các hòn đảo ở Philippines khi các chuyến phà buộc phải hủy chuyến.
Một người dân tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) luộc trứng dưới nhiệt độ cao ngoài trời. |
Trong khi đó, theo Hãng tin Kyodo của Nhật Bản, nắng nóng kinh hoàng diễn ra ở 47 tỉnh trên cả nước từ tháng Bảy đến nay đã làm ít nhất 12 người thiệt mạng, cùng với gần 2 nghìn người phải nhập viện, trong đó có nhiều ca đang trong tình trạng nguy kịch. Cơ quan khí tượng Nhật Bản cho biết, nhiều nơi nhiệt độ đã lên trên 41 độ C. Vì thế, các nhà chức trách Nhật Bản đã không ngừng khuyến cáo mọi người uống nhiều nước, sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, tránh hoạt động lâu ngoài trời… Trong khi đó, 2 nước láng giềng của Nhật Bản là Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đang phải hứng chịu đợt nắng nóng gay gắt kéo dài. Tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), ít nhất 10 người dân đã tử vong vì nắng nóng khi mức nhiệt trong tháng Bảy đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 140 năm qua. Hạn hán đã tác động đến cuộc sống của hàng triệu người dân như thiếu nước, điện… Theo các nhà chức trách, đợt nắng nóng này đã gây thiệt hại ước tính khoảng 98 triệu USD. Cũng theo Trung tâm Khí tượng thủy văn nước này, hạn hán sẽ còn kéo dài ít nhất trong 10 ngày tới. Chính phủ Hàn Quốc đã cảnh báo nguy cơ khủng hoảng điện năng vì nắng nóng kéo dài.
Các quan chức Indonesia cũng cho biết, đã có 6 người dân thiệt mạng trong đợt phun trào của núi lửa trên một hòn đảo nhỏ của Indonesia vào cuối tuần qua. Đỉnh Rokatenda, trên đảo Palue, cách phía đông Jakarta 2 nghìn ki lô mét, đã phun tro và đá lên cao tới 2km vào không khí. Ngọn núi lửa này đã sôi sục kể từ cuối năm ngoái, khiến hàng trăm người phải sơ tán. Trước đó, lũ lụt do ảnh hưởng bởi mưa lớn ở miền Đông Afghanistan và một phần khu vực ở Pakistan khiến ít nhất 80 người thiệt mạng. Còn nhớ, vào năm 2010, Pakistan đã phải đón nhận trận lụt tồi tệ nhất trong 80 năm qua khiến ít nhất 1.800 người chết và 20 triệu người khác bị ảnh hưởng. Hai năm sau đó, lũ lụt cũng đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.
Theo thống kê của Liên hiệp quốc, trong thời gian từ năm 2000-2012, thảm họa thiên nhiên trên toàn cầu đã gây thiệt hại 1,7 nghìn tỷ USD và tác động lên 2,9 tỷ người, trong đó có 1,1 triệu người thiệt mạng. Chỉ tính riêng năm ngoái, toàn thế giới có hàng trăm tai ương gồm các trận bão mạnh, hạn hán, lốc xoáy, động đất, lũ lụt, mưa đá, bão rất mạnh, cháy rừng và bão lớn… Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp, thiệt hại do thiên tai trên toàn thế giới vượt quá 100 tỷ USD một năm.
QUỐC HƯNG (tổng hợp)