Thiết bị lọc nước giá rẻ

PHAN LÊ CHÂU NỮ 11/07/2013 08:44

Dự án “Sản phẩm lọc nước giá rẻ tự làm dành cho người dân vùng nông thôn” của 2 sinh viên quê Quảng Nam Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và Võ Trương Hoàng Linh (trường Đại học Duy Tân) đã vượt qua 31 đội dự thi đến từ các trường đại học danh tiếng của các nước trên thế giới để được vinh danh tại Học viện MIT và Đại học Harvard (Hoa Kỳ) trong cuộc thi CDIO  năm 2013 vừa diễn ra.

Ý tưởng từ những chuyến tình nguyện

Từ những chuyến tình nguyện hè, 2 sinh viên Nguyễn Thế Quỳnh Nhi (TP.Tam Kỳ) và Võ Trương Hoàng Linh (TP.Hội An) khoa Môi trường, trường Đại học Duy Tân (Quỳnh Nhi cũng là sinh viên năm cuối trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng) tận mắt chứng kiến nhiều người dân ở vùng quê nghèo xứ Quảng phải nấu nướng, sinh hoạt bằng nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm bẩn. Thế nhưng, chi phí để mua các thiết bị lọc nước hiện đại quá cao, người dân không đủ khả năng nên vẫn phải dùng nguồn nước thiếu an toàn. Ý nghĩ phải làm điều gì đó, dù nhỏ, để cải thiện nguồn nước ở những vùng trên luôn thôi thúc Nhi và Linh. Khi hai bạn nêu ra ý tưởng của mình, lập tức nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của các thầy cô giáo trong trường và đã nhanh chóng bắt tay mày mò thiết kế thiết bị lọc nước giá rẻ. “Chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao để dự án đạt được 2 mục tiêu: chất lượng tốt và giá thành hợp lý để mọi người, nhất là người nghèo có thể chấp nhận được” - Nhi nói. Với các nguyên vật liệu chính sẵn có, rẻ tiền, giá thành sản phẩm của Nhi - Linh (loại có công suất lọc 1,5 - 2 lít nước/giờ) chỉ dưới 150 ngàn đồng. Sản phẩm sẽ được kèm theo một bộ KIT nguyên vật liệu, dụng cụ và hướng dẫn để người dân tự thực hiện và sử dụng.

Nguyễn Thế Quỳnh Nhi thuyết trình về dự án với Ban giám khảo.      (Ảnh do nhân vật cung cấp)
Nguyễn Thế Quỳnh Nhi thuyết trình về dự án với Ban giám khảo. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Luôn “đơn giản hóa” mục đích sáng tạo và nghĩ sản phẩm của mình rất... bình thường, nên Nhi và Linh vô cùng ngạc nhiên khi được chọn đi dự thi CDIO quốc tế. Càng bất ngờ hơn khi sản phẩm bình thường ấy đoạt giải thưởng danh giá Cúp CDIO 2013 (Cup Winner) cho cả Nhóm dự án cấp cơ sở và dự án nâng cao.

Sản phẩm lọc nước của hai bạn được thiết kế rất nhỏ gọn và có hình dáng như một chậu hoa kiểng; được làm từ đất sét, đá ong, vỏ trấu,  dung dịch bạc nitrat (nhằm diệt vi khuẩn, chống rêu bám) và có thể lọc được 1,5 - 2 lít nước/giờ. Tuy đơn giản vậy, nhưng để có được sản phẩm vừa ý, hai bạn đã phải mày mò, xay giã, nhào nặn vỏ trấu và đất sét trong hơn 1 năm. “Bởi, nếu giã nhỏ quá nước sẽ lọc chậm, không đủ sử dụng trong sinh hoạt của một gia đình; nhưng nếu giã hỗn hợp lớn quá, nước sẽ lọc nhanh và như vậy sẽ không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, chúng tôi phải thử đi thử lại nhiều lần cho đến khi sản phẩm được như ý” - Nhi chia sẻ.

Vinh danh

Trước khi đến với cuộc thi CDIO 2013, sinh viên Nguyễn Thế Quỳnh Nhi và nhóm bạn còn giành được giải Nhất trong cuộc thi “Dự án Kinh tế cộng đồng 2012”: Vì một môi trường sống bình đẳng, thân thiện do trường Đại học Duy Tân tổ chức với đề tài “Dây chuyền hiện đại phân loại rác”. Đây là mô hình chuyển đổi việc làm cho phụ nữ trên bãi rác Khánh Sơn (Đà Nẵng).
CDIO là Conceive - Design - Implement - Operate (Hình thành ý tưởng -  Thiết kế ý tưởng/sản phẩm - Thực hiện/triển khai ý tưởng - Vận hành sản phẩm/dự án). Triển lãm dự án CDIO 2013 nằm trong khuôn khổ hội nghị thường niên của cộng đồng CDIO, năm nay thu hút 31 đội đến từ các trường đại học của nhiều quốc gia: Nga, Pháp, Canada, Mỹ, Anh, Thụy điển, Trung Quốc, Nhật, Singapore, Việt Nam, Indonesia, Campuchia…

Để giới thiệu, thuyết phục được hội đồng giám khảo và trả lời chất vấn để giành giải Nhất cấp basic (cơ bản) và Cúp Vàng thắng tuyệt đối 31 đội dự thi, được khắc tên mình, tên trường và tên dự án trong cúp (nhà trường được giữ 1 năm và năm sau chuyển cho đội thắng cuộc tiếp theo) hẳn là điều không dễ dàng với đôi bạn 9X Quỳnh Nhi - Hoàng Linh. Theo yêu cầu, người dự thi phải giới thiệu sản phẩm của mình theo phương pháp Do-it-yourself (tự làm). Nghĩa là hai sinh viên phải tự tay nhào nặn chứ không dùng bàn xoay theo phương pháp truyền thống. “Chúng tôi đã đến làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) để học hỏi thêm kinh nghiệm nhào nặn” - cả hai cho biết.

Sản phẩm lọc nước được thực hiện qua 4 bước gồm trộn nguyên vật liệu và nhào kỹ theo tỷ lệ định sẵn, nặn để tạo khuôn chính cho sản phẩm; phơi khô và nung; kiểm tra tốc độ lọc và cuối cùng là tráng bạc. Trước khi mang những vật liệu “quê mùa” như đá ong, đất sét, vỏ trấu “đi đánh xứ người”, sản phẩm này đã được dùng thí điểm tại một vài nơi ở TP.Hội An, Điện Bàn và được đánh giá là đạt tiêu chuẩn nước sạch. Chưa hết, sau khi thuyết phục được các vị giám khảo, thay mặt nhóm, Quỳnh Nhi lại phải tiếp tục giới thiệu dự án - dĩ nhiên là bằng tiếng Anh - đến cho tất cả các vị đại biểu thuộc cộng đồng CDIO. Phần thưởng Cúp Vàng dành cho hai bạn chính là nhờ những ý kiến đánh giá tốt từ cộng động này và ban tổ chức hội thi.

Trở về Quảng Nam sau cuộc thi, Quỳnh Nhi chia sẻ: “Các sản phẩm, dự án mà chúng tôi hướng đến trước đây cũng như sau này là làm thế nào để góp phần giúp người nghèo cải thiện điều kiện sống”. Hy vọng trong tương lai gần, những sản phẩm của Nhi và Linh sẽ sớm được áp dụng trong thực tiễn, đem lại niềm vui cho người dân sống vùng có nguồn nước bị ô nhiễm.

 PHAN LÊ CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiết bị lọc nước giá rẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO