Thiết chế đại diện trong quan hệ lao động hiện nay ở Việt Nam chính là tổ chức công đoàn cơ sở (CĐCS). Trong thực tế, hoạt động của CĐCS được đánh giá là chưa mang lại hiệu quả như đúng chức năng của tổ chức này.
|
Nhiều ý kiến của đại biểu tham gia tọa đàm khẳng định tổ chức công đoàn cơ sở chưa thể đại diện cho người lao động tại doanh nghiệp. Ảnh: D.L |
Chưa mang tính đại diện
Một buổi tọa đàm do Viện Công nhân và công đoàn (Tổng LĐLĐ Việt Nam) tổ chức vào cuối tuần qua đã “xới” lên vấn đề đang được tranh luận nhiều hiện nay, đó là tổ chức công đoàn có đại diện được cho quyền lợi của người lao động (LĐ) hay không? Toàn tỉnh hiện có gần 6 nghìn doanh nghiệp, hơn 200 nghìn LĐ nên mối quan hệ LĐ hiện hữu trong đời sống. Trong mối quan hệ LĐ ấy sẽ tồn tại hai mặt song hành: đồng thuận và mâu thuẫn. Khi quan hệ LĐ giữa chủ sử dụng LĐ và người LĐ đồng thuận thì quan hệ sản xuất phát triển, nhưng khi nảy sinh mâu thuẫn sẽ kìm hãm sản xuất. Theo ông Lê Huy Tứ - Trưởng phòng Lao động việc làm (Sở LĐ-TB&XH), trong 3 năm gần đây, mỗi năm có từ 5 - 7 vụ đình công, ngừng việc, chủ yếu do mâu thuẫn trong quan hệ LĐ. Người LĐ bức xúc vì không được trả lương đúng kỳ hạn, nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội khiến LĐ không được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, thực hiện các chế độ không đảm bảo theo quy định của luật như thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chất lượng bữa ăn giữa ca thấp (bình quân 15 nghìn đồng/người/bữa ăn tính cho mọi chi phí), không đảm bảo sức khỏe cho người LĐ. Ông Tứ cho biết: “100% các vụ đình công, ngưng việc là tự phát từ phía người LĐ, không có sự vào cuộc của lãnh đạo tổ chức CĐCS. Vai trò của CĐCS còn mờ nhạt, không đại diện được cho người LĐ trong thương lượng ký kết thỏa ước LĐ tập thể, chủ yếu quyền quyết định ở ông chủ sử dụng LĐ. Tất cả cuộc đình công xảy ra, khi các cơ quan chức năng vào cuộc thì đều giải quyết được qua đối thoại trực tiếp giữa công nhân với ông chủ. Những việc này nếu CĐCS đại diện được, làm cầu nối giải quyết hài hòa mối quan hệ LĐ giữa đôi bên thì sẽ không dẫn đến đình công. Thế nên vai trò của CĐCS chưa đại diện được cho người LĐ tại doanh nghiệp”.
Bản thân là một cán bộ công đoàn, ông Dương Tấn Ó - Trưởng ban Chính sách pháp luật (LĐLĐ tỉnh) cũng nhìn nhận, CĐCS hiện nay chưa là tổ chức đại diện cho quyền lợi của người LĐ như đúng chức năng. Ông Ó nhận định: “Qua thực tế tham gia giải quyết các vụ ngừng việc tập thể, tổ chức CĐCS không đại diện được cho người LĐ, mà LĐ bức xúc thì ngưng việc chứ không có một tổ chức đòi hỏi quyền lợi cho người LĐ. Nếu như ai là cán bộ CĐCS đại diện thực sự cho người LĐ, đòi hỏi quyền lợi cho LĐ thì chắc chắn bị doanh nghiệp sa thải, nên cán bộ CĐCS không thể đại diện khi họ hưởng lương doanh nghiệp. Còn công đoàn cấp trên mỗi năm chỉ đến thăm, tặng được những phần quà tết gì đó, hoặc tháng công nhân có chút quà động viên. Chỉ có thăm hỏi chứ bảo vệ, đại diện thì chưa làm được”. Ông Nguyễn Đình Quyết - Chủ tịch CĐCS Công ty CP Nhựa miền Trung cũng cho rằng cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp cũng là người của doanh nghiệp, ăn lương do chủ doanh nghiệp trả, nên dù có yêu cầu hay đòi hỏi quyền lợi gì cho người LĐ cũng ở mức độ cho phép. Hoạt động của CĐCS chỉ hiệu quả khi chủ doanh nghiệp quan tâm, tạo điều kiện. Và điều đó hoàn toàn phụ thuộc và nguồn tài chính của doanh nghiệp để tổ chức các phong trào, tham gia các chế độ, chăm lo đời sống vật chất cho người LĐ. Nếu hoạt động của doanh nghiệp tốt, có thu nhập cao, mang lại lợi nhuận thì hoạt động của các đoàn thể đi kèm hiệu quả hơn.
Phải thay đổi toàn diện
Ông Nguyễn Phụ - Phó ban Quản lý Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc cho rằng hiện nay CĐCS chưa đề xuất được những giải pháp nâng cao năng suất lao động, tham mưu cho chủ doanh nghiệp chưa đảm bảo nên luôn xảy ra mâu thuẫn giữa người LĐ và chủ doanh nghiệp, nhất là về nâng cao năng suất LĐ. Ông Phụ nói: “Ông chủ muốn nâng cao năng suất LĐ nhưng không đầu tư công nghệ, máy móc, không có giải pháp thì làm sao nâng cao năng suất, người LĐ thì làm việc năng suất không cao nhưng cứ đòi lương phải cao cũng khó. Vì thế cần giải quyết được mâu thuẫn này, hài hòa giữa đôi bên thì quan hệ LĐ mới bền vững”. Còn ông Trần Văn Thành - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh cho rằng hiện nay cán bộ CĐCS ở doanh nghiệp hoạt động rất khó khăn. Theo quy định thì 1 tháng cán bộ CĐCS chỉ có 12 đến 15 giờ dành cho công việc của công đoàn. Trong lúc làm việc ở doanh nghiệp, nếu cán bộ CĐCS làm việc của công đoàn thì sẽ bị chủ “ý kiến” ngay... Luật Công đoàn không bảo vệ được cho cán bộ CĐCS thì làm sao đòi hỏi họ hoạt động hiệu quả, mà công việc thì quá nhiều theo quy định...
Ở mặt bằng chung, thu nhập bình quân của LĐ trong tỉnh (được Sở LĐ-TB&XH khảo sát vào quý I.2017) là 5 triệu đồng/người/tháng (bao gồm lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác); 100% doanh nghiệp trong tỉnh thực hiện đúng quy định về mức lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội rất thấp, chỉ trên mức lương tối thiểu vùng khoản 10%, dẫn đến mức lương về hưu sẽ thấp, hoặc hưởng chế độ một lần cũng thấp. Tình trạng nợ bảo hiểm xã hội trong tỉnh đang rất nóng, làm nảy sinh mâu thuẫn trong quan hệ LĐ. Thực trạng này được Ông Vũ Quang Thọ - Viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn nhìn nhận là thực trạng chung trong cả nước. Ông Thọ cho biết: “Khi Việt Nam hội nhập sẽ có thêm nhiều tổ chức đại diện cho người LĐ hoạt động song song với tổ chức công đoàn Việt Nam, người LĐ có quyền tham gia bất cứ một thiết chế nào đại diện hiệu quả cho quyền lợi của họ. Vì thế, đòi hỏi công đoàn phải thay đổi toàn diện. Nhiều tỉnh thành khác cũng như Quảng Nam, đều nhìn thấy những hạn chế của tổ chức CĐCS, chưa thực sự là thiết chế đại diện cho người LĐ trong mối quan hệ LĐ hiện nay. Chỉ khi thoát khỏi ràng buộc là cán bộ CĐCS không phải người của doanh nghiệp trả lương thì mới có thể là thiết chế đại diện cho mối quan hệ LĐ, bảo vệ được quyền lợi cho người LĐ. Và điều này sẽ được Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu bổ sung phù hợp trong nhiệm kỳ sắp tới”.
LÊ DIỄM