Thiết lập đai rừng ven biển

TRẦN NGUYỄN 12/07/2018 13:18

Thời gian qua, ngoài mở rộng không gian trồng rừng phòng hộ, các địa phương ven biển còn nỗ lực phục hồi, tăng đa dạng sinh học rừng hiện có.

Rừng dừa nước trở thành vành đai xanh cho Hội An.
Rừng dừa nước trở thành vành đai xanh cho Hội An.

Sự xuất hiện của các dự án trọng điểm vùng đông đã làm teo tóp quỹ đất rừng phòng hộ ven biển. Theo Sở TN-MT, chỉ riêng xã Bình Minh (Thăng Bình), khi giao đất cho khu phức hợp nghỉ dưỡng Vinpearl, khu nghỉ dưỡng phức hợp quốc tế An Thịnh - PPC, khu dân cư xã Bình Minh, khu đô thị Việt Nhật, khu liên hợp dịch vụ thể thao cao cấp và vui chơi giải trí, dự án MB LAND, trong trường hợp lấy đất theo chỉ giới xây dựng, thì hơn 176ha sẽ đưa ra khỏi rừng phòng hộ. Trong trường hợp lấy theo ranh giới giao đất, thì diện tích đất rừng phòng hộ giao cho các dự án trên là hơn 203ha. Còn tại xã Bình Hải, hơn 174ha đất quy hoạch cho rừng phòng hộ trước đây đã, đang và sẽ giao cho các dự án gồm khu thương mại, khách sạn Quảng Nam, khu đô thị ven biển Bình Hải 1,  khu liên hợp dịch vụ thể thao cao cấp và vui chơi giải trí, khu nghỉ dưỡng Nam Quảng Nam, khu biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn thương mại dịch vụ Thăng Bình, khu vui chơi giải trí du lịch Bình Hải, khu biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn Phú An, khu đô thị ven biển Bình Hải 2. Theo báo cáo của Phân viện Điều tra, quy hoạch rừng Trung Trung Bộ (thuộc Viện Điều tra quy hoạch rừng), riêng huyện Thăng Bình diện tích rừng phòng hộ giảm ít nhất 370ha, trong khi diện tích rừng sản xuất chỉ bị thu hẹp 181ha.

Từ thực tế trên, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai thiết lập các vành đai rừng phòng hộ, với mục đích phát triển rừng ven biển bền vững nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học vùng ven biển. Trước đây, Nhật Bản đã tài trợ cho các địa phương ven biển trồng rừng chắn cát thông qua dự án Pacsa. Tuy nhiên, thực tế có một số chủng loại cây không thích nghi với thổ nhưỡng khí hậu vùng cát nên còi cọc, chậm phát triển. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Để quản lý, bảo vệ khu vực rừng phòng hộ ven biển gắn với phát triển các dự án nêu trên theo quyết định mở rộng Khu kinh tế mở Chu Lai thì cần phải sắp xếp, thiết lập các vành đai rừng phòng hộ. Làm sao vừa phát triển được các khu chức năng, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch, sắp xếp bố trí lại dân cư, để đảm bảo an toàn khi xảy ra thiên tai, đồng thời giữ được hệ thống rừng trước biến đổi khí hậu, chống chịu gió bão, vừa tạo ra cảnh quan, sinh thái ở khu vực ven biển. Chính quyền tỉnh thống nhất kêu gọi xã hội hóa việc trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ ven biển; đối với các dự án phát triển cũng yêu cầu chủ đầu tư xây dựng với mật độ thấp, tăng tỷ lệ cây xanh.

Tại TP.Hội An, chính quyền dành nguồn vốn ngân sách để mua lại rừng thuộc quyền sở hữu sử dụng từ người dân, thành phố tiếp tục quản lý chặt chẽ việc xây dựng và quy hoạch, tích cực mở rộng vùng diện tích rừng dừa nước ngập mặn. Thời điểm này, dự án phục hồi dừa nước xã Cẩm Thanh phục hồi rất nhanh, tạo ra vành đai xanh cho địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển du lịch. Trong khi đó, tại huyện Núi Thành, xác định bảo tồn các hệ sinh thái biển, sông với tuyến đê chắn tự nhiên trên biển là những ưu tiên hàng đầu trong định hướng phát triển về phía biển của địa phương. Để thực hiện mục tiêu này, huyện Núi Thành đã từng bước thực hiện có hiệu quả việc quy hoạch khu bảo tồn biển và rừng ngập mặn.

TRẦN NGUYỄN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiết lập đai rừng ven biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO