Thiếu lao động nghề cá

VIỆT QUANG 06/10/2016 08:31

Không ít chủ tàu trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh phải để tàu nằm bờ vì thiếu lao động.

Ngày 6.10, ngư dân Lương Tấn Xị (thôn Đông Mỹ, xã Tam Giang, Núi Thành) dự kiến sẽ lại ra khơi sau nhiều tháng trời xa biển. Trước đây, khi điều khiển con tàu QNa-91739 có công suất 822CV theo nghề câu mực khơi hiệu quả, ông Xị được nhiều bạn biển tình nguyện gắn bó sản xuất lâu dài. Đùng một cái, ở chuyến biển câu mực vừa qua, sản xuất trong điều kiện không thuận lợi, ông Xị phải điều tàu về bờ dở dang chỉ với vỏn vẹn vài tấn mực phơi khô. Trong số 40 bạn biển vốn cùng câu mực bấy lâu nay, chỉ còn vài người láng giềng không nỡ bỏ ông. Các lao động khác tìm kiếm tàu câu mực mới. “Vội vàng quá, họ bỏ tôi đi trong khi cam kết cùng sản xuất với tôi đến hết năm này. Nhiều người trong số họ đã nhận tiền đặt cọc, vậy mà vẫn đành lòng rời bỏ mà không trả lại một xu. Biển giã khó lường, có chuyến được chuyến lỗ, vậy mà họ ngoảnh mặt quay đi” - ông Xị chia sẻ.

Ngư dân Lương Tấn Xị bên con tàu QNa-91739. Ảnh: V.Q
Ngư dân Lương Tấn Xị bên con tàu QNa-91739. Ảnh: V.Q

Con tàu QNa-91739 của ông Xị được hạ thủy chưa lâu là tàu cá đầu tiên được đóng mới từ nguồn vốn vay ưu đãi của nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản đã nằm bờ bấy lâu nay vì thiếu lao động. Ông Xị trầm ngâm: “Dù gì đi nữa thì cũng phải bám biển trở lại thôi. Tôi không thể xa biển quá lâu. Vả lại đằng nào cũng phải đi làm vì còn nhiều món nợ nặng vai”. Vậy là ông Xị đi biển bằng nghề câu cá hố vốn không phải là sở trường của ông. Không quen vì khác nghề và còn vì khác ngư trường nữa. Một ngư dân lão làng như ông Xị, vốn bám biển Hoàng Sa, Trường Sa bấy lâu nay bây giờ đành đoạn đi câu cá hố ở ngư trường ven bờ khiến nhiều người mủi lòng.

Tình trạng tàu cá phải nằm bờ vì chủ tàu không đủ lao động để ra khơi không phải là hiếm trên địa bàn tỉnh. Ông Mai Thanh Hạnh (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang) - chủ tàu cá có công suất 410CV kể, năm 2015, gia đình hành nghề lưới vây hiệu quả nên có nhiều lao động cam kết làm “bạn” lâu dài. Vậy nhưng đến đầu năm 2016, sản xuất khó khăn, nhiều chuyến biển chỉ thu đủ bù chi nên một số bạn biển tìm nơi sản xuất mới. “Khi có vài chuyến biển thất thu, lỗ tổn là thiếu hẳn bạn biển. Chúng tôi gửi gắm niềm tin với các lao động nghề biển bằng cách ứng trước tiền, coi như đặt cọc cho họ. Có khi số tiền này bằng công sức lao động của họ trong nhiều tháng trời. Thế nhưng, khi có tình huống xấu là họ liền bỏ, theo chủ tàu khác” - ông Hạnh nói.

Theo ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, hầu hết chủ tàu trên địa bàn đều không có bất kỳ hợp đồng lao động nào với bạn biển. Họ chỉ cam kết với nhau vậy thôi, sản xuất hiệu quả thì gắn bó còn thua lỗ thì chia tay. Thường khi sự việc xảy ra, chủ tàu là người chịu thiệt, có khi bỏ cả vài chuyến biển vì không đủ lao động. “Mỗi năm, khi tổ chức hội nghị nghề cá, chúng tôi đều tuyên truyền các chủ tàu ký cam kết với nhau, có sự tham gia của lực lượng biên phòng, chính quyền địa phương, ngành thủy sản của huyện là không được giành giật lao động lẫn nhau. Ngoài ra, các chủ tàu cũng cần ràng buộc lao động bằng cách ký hợp đồng cụ thể, đánh bắt hải sản trong thời gian bao lâu, công bao nhiêu, trách nhiệm rõ ràng. Nhưng việc đó chưa được thực hiện vì các chủ tàu lẫn bạn biển đều quen với cách lao động cũ, sợ ràng buộc và muốn thay thế ngay lao động lẫn tàu cá khác nếu họ thấy không còn phù hợp” - ông Châu nói.

VIỆT QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu lao động nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO