Thiếu liên kết

TRẦN HỮU 14/09/2013 09:05

Doanh nghiệp (DN) trồng cao su trên địa bàn tỉnh đang xúc tiến mở rộng diện tích dù giá mủ xuống thấp. Trong khi đó, nhiều nơi phát triển cây cao su ồ ạt, quy hoạch cảm tính mà không tính đến thị trường.

Thị trường sụt giảm mạnh

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, thị trường xuất khẩu cao su của Việt Nam chủ yếu sang Trung Quốc (44%) và Malaysia (20,5%), nhưng 8 tháng đầu năm đã sụt giảm mạnh về khối lượng (8%) và giá trị (22%). Dự báo đến năm 2014, dự trữ cao su toàn cầu sẽ đạt mức 2,17 triệu tấn. Lượng dự trữ mủ ở các trung tâm cao su lớn tại Trung Quốc ở mức cao, trong khi nước này đang áp dụng các biện pháp hành chính nhằm quản lý, kiểm soát các DN nhập khẩu cao su nội địa đã gây khó cho các DN xuất khẩu cao su Việt Nam. Đối tác xuất khẩu mủ cao su lớn nhất Việt Nam là Trung Quốc đang đưa ra những rào cản kỹ thuật qua mậu dịch khiến đường tiêu thụ sản phẩm bị tắc nghẽn, thị trường trong nước bấp bênh. Tình trạng này tất yếu đã tác động đến thị trường cao su ở Quảng Nam - vốn còn mới mẻ.

Công nhân khai thác mủ ở Phước Sơn.Ảnh: H.PHÚC
Công nhân khai thác mủ ở Phước Sơn.Ảnh: H.PHÚC

Diễn biến bất lợi trên đã kéo theo phản ứng dây chuyền như thế nào đến ngành cao su của tỉnh? Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Duy Phúc – Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam cho biết, giá xuất khẩu cao su thời điểm này hồi năm ngoái lên đến 70 triệu đồng/tấn mủ, nhưng bây giờ giảm còn 49 triệu đồng/tấn mủ. Công ty có một nhà máy chế biến mủ, đủ để xử lý sản phẩm ban đầu. Thời điểm này, đơn vị đang triển khai lấy mủ, dù rớt giá nhưng có sản phẩm là tiêu thụ ngay chứ không để xảy ra tình trạng dự trữ, ứ đọng hàng, chờ cơ hội phục hồi giá rồi mới bán. “Thị trường tiêu thụ cao su chính của chúng tôi là nội địa. Chẳng hạn như bán cho Cao su Đà Nẵng, Sao Vàng, cho cơ sở sản xuất lốp xe ô tô Nhật Bản. Ngoài ra, công ty chế biến xuất khẩu sang Singapore, Ấn Độ. Giá mủ xuống thấp, việc kinh doanh, sản xuất của công ty giảm lợi nhuận” – ông Phúc nói. Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, nhiều nông dân trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) ở Hiệp Đức, Phước Sơn than vắn thở dài rằng, các nhà máy sản xuất, thu mua mủ đóng trên địa bàn tỉnh “chê” sản phẩm mủ của người dân, buộc họ phải vào tận Kon Tum, hoặc ra Quảng Trị, Thừa Thiên Huế bán với giá rẻ.

Tiếp tục mở rộng

Thị trường cao su trong nước bị tắc tại biên mậu, khiến ngành cao su gặp khó khăn trong xuất khẩu mủ, nhưng ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vẫn lạc quan cho rằng, sẽ mở rộng diện tích nhiều hơn nữa ở những vùng đất mới giàu tiềm năng, đặc biệt tỉnh Quảng Nam. Ông Thuận cho biết, tại biên bản ký kết thỏa thuận và quy chế phối hợp giữa chính quyền tỉnh và VRG vào giữa năm, hai bên đã thống nhất hợp tác phát triển ngành sản xuất cao su. Theo đó, VRG sẽ mở rộng diện tích cây cao su trên quỹ đất rừng nghèo ở các huyện miền núi, thông qua nhiều hình thức như nhận quỹ đất từ tỉnh giao, tiếp nhận các lâm trường để tổ chức lại sản xuất. Hiện toàn tỉnh có 3 DN trồng cao su với gần 11.000ha, trong đó Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam, Công ty TNHH một thành viên Cao su Nam Giang đã trồng đến 7.200ha. Vừa qua, UBND tỉnh thống nhất cho phép chuyển đổi đất lâm nghiệp sang trồng cây cao su với diện tích 2.931ha tại xã Trà Đốc, Trà Nú và Trà Tân (Bắc Trà My). Ngoài ra, Công ty TNHH một thành viên Cao su Quảng Nam đang tiếp tục rà soát, tìm đất phủ xanh cao su tại các huyện Quế Sơn, Tiên Phước, Phú Ninh, Nông Sơn nhằm nâng diện tích trồng cao su của tập đoàn lên hơn 10.000ha. “Năng suất bình quân và chất lượng mủ cao su ở Quảng Nam cao hơn các vùng khác, kể cả các tỉnh Đông Nam Bộ. Đây là lý do để chúng tôi quyết định đầu tư mạnh tại đây” – ông Thuận khẳng định.

Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất giảm thuế xuất khẩu mặt hàng cao su từ 3% và 5% xuống 1%. Việc hạ mức thuế nhằm giúp DN kinh doanh mặt hàng cao su trong nước tăng khả năng cạnh tranh và giảm lượng tồn kho.

Điều đáng nói, thời gian qua, khi có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cây CSTĐ, nhiều nông dân ở các địa phương miền núi đã ồ ạt chặt bỏ cây keo và bỏ ruộng xấu trồng cao su. Bởi, theo tính toán, cây keo sau 6 năm trồng thì thu hoạch chỉ một lần khoảng 40 triệu đồng. Trong khi đó, cây cao su sau chừng ấy năm, lứa mủ đầu tiên cũng thu tối thiểu 40 triệu đồng, lại sinh lợi ít nhất 20 năm. Ông Đào Bội Thuyên – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức xác nhận, dù không phải phổ biến, nhưng tình trạng nông dân bỏ ruộng trồng cao su thực tế có xảy ra trên địa bàn. Giá trị kinh tế mà “vàng trắng” đem lại quả có sức hấp dẫn với người dân. Các DN trồng cao su phân tích, ngay cả giá mủ xuống thấp mức 49 triệu đồng/tấn mủ, người trồng vẫn có lãi. Thêm nữa, cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển CSTĐ đã tiếp sức cho họ mạnh dạn đầu tư. Nông dân ngoài tin tưởng cao su cho thu nhập cao, sau khi hết mủ còn bán lấy gỗ. Gỗ cao su hiện được thị trường khá ưa chuộng, nhất là khi nguồn cung gỗ tự nhiên ngày hạn hẹp do chủ trương “đóng cửa” rừng. Trung bình mỗi héc ta cao su sau khi hết lấy mủ có thể thu hơn 200 triệu đồng từ tiền bán gỗ.

Nghịch lý ở đây là người trồng CSTĐ đang rơi vào cảnh khó khăn do thiếu vốn đầu tư, kỹ thuật trồng, tiêu thụ sản phẩm, và đặc biệt vai trò “bà đỡ” của các DN trồng cao su đại điền còn khá lu mờ. Ba nhà (nhà nông, nhà quản lý và DN) chưa tìm “tiếng nói chung” để liên kết phát triển mạnh ngành sản xuất, chế biến mủ cao su. Tình trạng trồng cao su rồi phá do dịch bệnh, đổ gãy, mủ thấp, tư thương ép giá… đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự khắc nghiệt của “vàng trắng”.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thiếu liên kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO