Mặc dù Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định dịch tả heo châu Phi không gây bệnh trên người, thế nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn quay lưng với món thực phẩm thiết yếu này, khiến thị trường thịt heo ế ẩm.
Có mặt tại chợ Thương mại (Tam Kỳ) vào giờ cao điểm nhưng các quầy thịt heo thưa thớt người mua, trong khi đó, các quầy thịt bò, thủy sản lại đông khách. Tại chợ Tam Kỳ, Chiên Đàn, các quầy bán thịt lẻ ven đường cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Bà Đỗ Thị Sung, tiểu thương chợ Thương mại cho biết: “Dù tôi đảm bảo cung ứng nguồn thịt heo sạch nhưng tâm lý người mua vẫn e ngại. Bình thường mỗi ngày tôi bán 4 con heo, nay chỉ bán được 1 con, mà bán rất chậm, giá thịt heo bữa nay đã giảm 15 - 20 nghìn đồng/kg. Thịt ba chỉ còn 80 nghìn đồng/kg, thịt đùi 75 nghìn đồng/kg. Các loại xương, giò cũng giảm giá do hàng quán không đặt mua”.
Bệnh tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút African swine fever virus (ASFV) gây ra, bệnh có đặc điểm lây lan nhanh trên tất cả loại heo với tỷ lệ heo chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua đàn heo thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của heo bệnh. Tuy nhiên, dịch bệnh này không gây bệnh trên người, do đó người dân cần bình tĩnh, không nên hoang mang tẩy chay tiêu dùng các sản phẩm thịt heo an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. (Nguồn: Cục Y tế dự phòng)
Chị Lê Thị Nhỏ (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho biết, bình thường thịt heo là món ăn quen thuộc, thường xuyên của gia đình chị, nhưng từ khi Tam Kỳ công bố dịch tả heo châu Phi, chị cũng không dám mua.
“Dù biết dịch tả heo không gây bệnh cho người nhưng ăn thịt heo trong thời điểm này có cảm giác không ngon miệng nên nhà tôi chuyển sang dùng các thực phẩm khác” - chị Nhỏ nói.
Tại Đại Lộc, dù chưa phát hiện dịch tả heo châu Phi nhưng tâm lý người dân vẫn e ngại nên thị trường thịt heo ở đây cũng ế ẩm như một số địa phương khác.
Chị Lê Thị Minh (xã Đại An), cho biết từ khi có thông tin heo bị dịch bệnh, nhà chị không dùng loại thực phẩm này.
Trong khi đó, sức mua thịt bò, gà, vịt và các loại hải sản lại tăng lên. Các quán ăn bán những món chế biến từ thịt heo như bún giò, cháo lòng… cũng bán cầm chừng hoặc chuyển sang bán các món chế biến từ các loại thực phẩm khác như bò, gà hoặc hải sản.
Giá thịt heo tại Siêu thị Co.opMart Tam Kỳ vẫn bình ổn so với trước khi có dịch. Bà Hoàng Lê Tâm - Tổ trưởng ngành hàng tươi sống thông tin, nguồn cung thịt heo cho đơn vị là Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam. Sức mua thịt heo trong những ngày này giảm chừng 10% so với trước, chủ yếu giảm ở số lượng khách hàng mua sỉ để chế biến món ăn cho nhà hàng, khách sạn, còn khách hàng mua lẻ giảm không đáng kể.
Những ngày này, khi dịch tả heo châu Phi đã lây lan ra nhiều địa phương ở Quảng Nam, sản phẩm thịt heo với cam kết “chăn nuôi hữu cơ vi sinh, thảo dược kết hợp nguồn đạm dinh dưỡng cao từ trùn quế, nuôi cách ly, đảm bảo quy trình giết mổ” tại các cửa hàng của An Phú Farm vẫn được người tiêu dùng chọn mua.
Chị Nguyễn Thanh Thảo (phường Tân Thạnh, Tam Kỳ) cho biết, thịt heo là món ăn thông dụng nên nhà chị vẫn đưa vào thực đơn, chỉ có điều chị chọn mua thịt ở những nơi mình biết chắc chắn là thịt sạch, không bị nhiễm bệnh, có nguồn gốc rõ ràng. Trong thực đơn hàng ngày, khó có thể thiếu món thịt heo trong thời gian dài, nhiều người rủ nhau chung mua heo sạch, rồi tự làm chia nhau.