Không phải là một tuyên ngôn của trường phái thơ hiện đại với lập trình trò chơi của thi ca, mà chỉ là một cuộc chơi thơ thuần túy của bốn người bạn, đồng tác giả của tập thơ Một niềm vui.
Buổi ra mắt tập thơ “Một niềm vui” tại Huế. Ảnh: N.T.A |
Một niềm vui, như một thể cách tự trào, như muốn tước bỏ mọi thiêng liêng trang trọng vốn thường ngấp nghé trong các diễn ngôn thi ca, cũng là một kiểu giới hạn bạn đọc, cái tên đó đã kích hoạt các tế bào thần kinh vốn muốn ngơi nghỉ của một người sau những ngày vơi tết.
1. Một niềm vui trước hết là niềm vui hạnh ngộ:
Niềm tri ngộ kiếp này không trả được
Có bao giờ hẹn trở lại với nhau chăng?
(Trương Đức Tới)
Không phải là hẹn hò của một tình ca, mà là nhắn nhủ của một “tụ miên ca”, khi tuổi đời trai trẻ của các chàng thi sĩ đã một thời sông hồ với Huế, một thôi dài với giảng đường đại học Tổng hợp văn khoa Huế, để trước ngày ném thân vào đời gió bụi chợt hùi hụi tiếc những ngày tháng trong veo mà cứ tự làm thành gió bụi hải hồ. Để tập thơ là hành trình trở về tìm lại một tôi-của-chúng-ta nên dễ nhận ra bốn gương mặt thơ, bốn giọng điệu mà gặp gỡ trên một lối về.
Lối về có dáng dấp cố đô đã mặc định thành bóng hình dòng Hương muôn thuở.
Với Trần Lý Khánh:
Nỗi buồn khẽ chạm vai tôi
Thì thôi sông ấy vừa trôi chuyến đò.
Với Bùi Long:
Dòng sông ngây ngô dòng sông không ở
Ngớ ngẩn một dòng trôi.
Với Hứa Văn Đông:
Nước Hương Giang thẹn thùng mời mọc
bờ nào cũng thấy hoàng hôn
Với Trương Đức Tới:
...bên kia sông
Nhịp cầu cong khóe mắt hiền rêu cỏ
Lối về với ngày sinh thành mộng ước phảng phất dáng dấp “ngày sinh của rắn” (Phạm Công Thiện) khi dấu chân trở lại vườn xưa mà thảng thốt chứng nghiệm điều như đã “hoa khế vườn xưa/ rụng hết rồi” (Trương Đức Tới), lối về nhận diện dấu chân buổi ra đi mà gọi hồn tha hương cùng về tụ lại nơi “gốc khế chiều/ rụng lá” (Hứa Văn Đông).
Có một ký ức màu khói phả mong manh trong tâm hồn tứ đại lãng du như một níu với, như một ký họa, như một hiện còn, như một chưa tan nên huyền hồ bóng dáng:
Mai sau trong cõi miên trường
Ta ru ta khúc khói sương ấm lòng
(Trần Lý Khánh)
Trắng chiều nay chưa đi
Đốt chiều nay khói tỏa
(Hứa Văn Đông)
Ai đã khắc tên em lên vùng thạch nhũ
Ta nguyện làm làn khói bay lên quyện vào hương tóc em
(Bùi Long)
Tôi bỏ cả thời gian làm khói
Chiêm bao một lần
(Trương Đức Tới)
Lối về ấy phơi phóng một tuổi tôi tròn một mơ ước tình yêu vỡ một giấc mộng tình yêu. Một “Vòng tay” không đủ khép không đủ rộng không đủ bền bỉ tháng năm để lời thề thốt “nguyện ru em một kiếp này” cũng vừa đủ ru mình:
Ta đã chờ em tàn cuộc say
Chờ em chờ đến bao giờ đây
Bầu trời đêm nay nhiều sao lạ
Thiếu em ta thừa một vòng tay
(Bùi Long)
Ngờ như vừa mới gặp lại một Hoàng Trúc Ly của một thuở tình ca diệu vợi!
Lối về đốn ngộ một cơn mê mà như quyết liệt một lần mê trạm cuối:
Tạ từ
lời nói yêu thương
từ đây
tỉnh giấc
miên trường
vô ngôn.
(Trần Lý Khánh)
Và thầm thĩ vi vút một nỗi buồn đánh rớt té ngã vào một đêm tình yêu trống rỗng điệu hồn:
Huế tháng mưa dầm
Ngõ nhà em tôi đành đánh rớt
Nỗi nhớ vi vu một mình không giấu được
Từ ngày tôi biết yêu em
(Hứa Văn Đông)
Điệu tình ấy như ẩn hết vào trong điệu tiễn đưa vừa nắm níu lại vừa mặc cả với lang bạt ta bà:
Đưa em về bên kia sông
Đưa em về bên kia sông
Bàn tay níu sợi khói mà theo một đoạn
Đưa em về bên kia sông
(Trương Đức Tới)
Và như một dấu ấn riêng của tập thơ, của đồng điệu thơ là trăn trở day dứt về kiếp người hữu hạn, cái sự trăn trở dường như quá sớm ở tuổi đôi mươi song lại quá muộn với những ai đà qua tuổi đôi mươi mà chưa kịp đến.
Mai cầm một nửa cơn mê
Ta rao bán giữa bộn bề hư không
(Bùi Long)
Nghìn sau có phải nghìn thu
Tôi từ thiên cổ tôi từ sơ sinh
Nghiêng vai bóng ngả một mình
Nửa bờ hư ảo vô tình rêu xanh
(Trương Đức Tới)
2. Song câu chuyện thi ca muôn đời vẫn là chuyện rất riêng. Tập thơ sau những hẹn hò tri ngộ lại là những dải phân cách ưu tư như những hắt bóng mình trên vách qua góc chiếu của đời những góc lệch pha. Mỗi nhà thơ đều giữ được cái tôi thi ca riêng biệt của mình bằng một giọng điệu trữ tình.
Là những điệu hồn. Là những thử nghiệm nghệ thuật. Giọng thơ thiền của Trần Lý Khánh phảng phất đạo ca, một Hứa Văn Đông có lúc trỗi giọng hành như đã chạm cửa ngang tàng mà thủy chung vẫn giữ nét đứng đắn điềm đạm, một Bùi Long dẫu đã đắc đạo với thi ca miền Nam những năm sáu mươi thì rốt lại vẫn đang tìm mình hay đang trải mình với nhiều cung bậc lạ (?), một Trương Đức Tới viên thành với chuẩn mực của thi ca lãng mạn đang phá bỏ miền thơ cũ để phô diễn một nét riêng trong chữ và cấu tứ. Ở phương diện này, có đôi chút tiếc nuối khi cứ gặp những gì đang sắp sửa...
Mà như thế phải chăng lại là những hứa hẹn, với mỗi cái tôi thi ca riêng biệt?
Và có lẽ tôi còn đọc được những gì đang sắp sửa?
NGUYỄN TẤN ÁI