Thời cơ và thách thức của văn hóa đọc

HUỲNH THỊ THU HẬU 16/04/2015 10:07

(QNO) - Thời đại bùng nổ thông tin và toàn cầu hóa đã đặt ra nhiều thách thức và thời cơ đối với văn hóa đọc.

Khác với trước đây, việc xuất bản, in ấn và kiểm duyệt trong thời đại kỹ thuật số rất thuận tiện. Người đọc ngập trong một rừng sách nhưng nếu không có định hướng sẽ rất khó để chọn mua tác phẩm chất lượng và phù hợp. Điều này, đòi hỏi người đọc hôm nay phải có bản lĩnh và một sự am hiểu nhất định.

Đông đảo bạn trẻ đến với ngày hội sách. Ảnh: Internet.
Đông đảo bạn trẻ đến với ngày hội sách. Ảnh: Internet.

Từ đông sang tây, từ cổ chí kim, bất cứ vị lãnh tụ, hay nhà văn hóa, nhà văn lớn nào cũng đều là những tấm gương sáng về tình yêu đối với việc đọc như Hồ Chí Minh, Lê Nin, Marxim Gorki, Tagore… Đọc sách nhất là đọc các tác phẩm văn chương cho chúng ta được sống nhiều cuộc đời khác nhau, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau mà đời thường chúng ta không có được. Hơn thế nữa, giúp chúng ta hiểu được chính mình và hiểu được người khác, con người vì thế ứng xử thanh lịch hơn, tinh tế hơn, nhân văn hơn. Đó là cuộc phiêu lưu kỳ thú. Là cuộc chơi trí tuệ, chứ không phải đơn thuần là giải trí. Vì nếu đọc mà không suy nghĩ thì xem như không đọc.  

Đối với người dạy học văn, việc đọc sách vô cùng quan trọng. Có trải nghiệm với từng câu, chữ, đoạn và các chi tiết trong văn bản một cách cụ thể thì chúng ta mới có khả năng để kiến giải, cảm nhận cũng như phân tích theo tiếng nói của mình mà không cần phải sao chép ý kiến của ai. Nhất quyết chúng ta không nói điều chúng ta chưa đọc, chưa trăn trở suy nghĩ. Tôi luôn khuyên học trò, muốn học giỏi văn, muốn viết văn hay, trước hết phải ham đọc sách. Bản thân tôi cũng như các thầy cô giáo khác sẽ rất buồn và cô đơn nếu như dạy về tác phẩm nào đó mà các em lại không đọc trước khi đến lớp.

Những kinh nghiệm cho thấy để khuyến khích, giúp cho các em ngày càng thích đọc là giảng viên cùng giao việc, đọc và tóm tắt, chia sẻ những chi tiết mà bạn thấy thích thú nhất, ấn tượng nhất cũng như đặt nhiều câu hỏi sáng tạo, ví dụ sau khi đọc tác phẩm em có thấy trong suy nghĩ, tình cảm của mình có gì mới hơn không, khác hơn không. Bên cạnh đó, đưa ra các chủ đề để thảo luận ví dụ hình tượng nhân vật nữ trong sáng tác của Hồ Anh Thái, những cách tân và đổi mới trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp… Thế nhưng, hiện nay, các bạn trẻ phần lớn lười đọc sách, hoặc giả có đọc thì lại đọc một cách dễ dãi, thích các tác phẩm dễ đọc thay vì tìm đọc các tác phẩm kinh điển, giàu giá trị nhân văn như sáng tác của Shakespeare, Lep Tonxtoi, Balzac, Tagore, Hemingway, Faulkner…

Vì vậy, bắt gặp hình ảnh các em thiếu nhi say mê đọc “cọp” sách tại các siêu thị sách dễ khiến người chứng kiến xúc động. Bởi niềm hy vọng về văn hóa đọc vẫn còn, và việc được đọc các ấn phẩm truyền thống vẫn tạo thú vị riêng biệt. Viết đến đây, tôi lại nhớ những ngày đi học ở Hà Nội,  trung tâm văn hóa lớn, được đi mua sách ở phố Đinh Lễ nhiều lần, và sau này khi đã đi làm nhưng mỗi khi đi công tác hay hội thảo đều dành thời gian để tìm mua sách mới đọc, giấc mơ trong nhà cũng có một thư viện nhỏ cho học trò và con đã thành sự thật.

Với chủ đề của ngày hội sách năm nay, khơi nguồn cái đẹp và cảm hứng sáng tạo, trong không khí giao lưu sôi nổi cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, một hiện tượng văn học đương đại tiêu biểu, có nhiều độc giả tìm đọc nhất và yêu thích nhất của tuổi học trò, chúng ta hoàn toàn xác tín rằng không có gì thay thế được văn hóa đọc.

HUỲNH THỊ THU HẬU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thời cơ và thách thức của văn hóa đọc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO