Tóc anh bỗng dưng có nhiều sợi bạc giống như anh đã sắp già. Anh chẳng phải là Ngũ Tử Tư thức một đêm bạc tóc. Em bảo: “Em đi với anh người ta tưởng là em đi với người lớn tuổi”. Ừ, đi với người lớn tuổi để an toàn em nhỉ? Để người ta dị nghị là cô bé này hết người yêu rồi sao mà lại yêu một người đầu bạc. Em ôm anh: “Kệ người ta”. Còn cô hớt tóc ở tiệm hớt tóc quen, hớt mái tóc anh gọn gàng xong lại thỏ thẻ: “Anh ơi, có nhuộm tóc không? Tiệm của em có lọai thuốc nhuộm nhập từ Mỹ, nhuộm vào y như là tóc thiệt, không ai biết tóc nhuộm đâu”. Anh cười với cô hớt tóc, lắc đầu một cách nhẹ nhàng: “Mốt bây giờ là để tóc muối tiêu. Để tóc như thế mới nghệ sĩ. Người ta bây giờ vẫn thường nói thứ nhất muối tiêu, thứ nhì… cũng muối tiêu”.
Minh họa: HIỂN TRÍ |
Nhà em nằm sát bên bờ sông. Đó không phải là dòng sông đẹp giống như mấy ông nhà văn hay tả cảnh là: dòng nước xanh trong với vạt cỏ xanh hờ hững nằm dọc theo hai bên bờ. Dòng sông sau nhà em đang oằn mình bởi không biết cơ man nào là rác từ mọi nơi đổ về và vào mùa mưa, lũ trên thượng nguồn xuống mới kéo được mớ rác ấy trôi ra biển, còn mùa khô thì dòng sông lười biếng trôi hờ hững, dồn rác cứ trôi, khiến cho không khí bốc mùi khó chịu. Phía sau nhà em có một khoảngg trống nhỏ, lót ván, để dăm chậu cây cảnh. Em bảo: “Đó là nơi để ngắm dòng sông”. Thỉnh thoảng tới nhà em, anh và em bắc hai chiếc ghế nhựa ngồi ngay chỗ để ngắm dòng sống ấy mà trò chuyện. Có em bên cạnh, anh quên ngay cái mùi rất riêng của dòng sông cứ phả vào trong không gian. Ai lại ngồi ngắm một dòng sông ô nhiễm, ngoại trừ em và anh, em nhỉ? Khi đó em nói: “Em thương dòng sông này ghê. Nếu em có quyền, em sẽ phạt nặng những người đã làm cho dòng sông này phải khóc”. Nhưng em không có quyền gì hết, ngoài cái quyền yêu anh.
Đó là lúc em rảnh, lúc em đang thất nghiệp. Tốt nghiệp xong em cầm mảnh bằng đi vòng vòng từ đơn vị lớn đến đơn vị nhỏ, nộp đơn. Những chồng hồ sơ ở những nơi đó luôn luôn dày cả gang tay, cho nên hồ sơ xin việc của em bị lọt thỏm trong đám đông đó, dẫu em tốt nghiệp thuộc vào loại xuất sắc, có bằng C Anh văn, bằng vi tính văn phòng, có thêm bằng học nấu ăn, bằng cắm hoa… Nói chung là trong thời gian chờ đợi kiếm một chỗ làm để mỗi tháng còn nôn nao đợi lãnh lương, em đi học. Vì em đi học mỗi khóa chỉ vài tháng như thế, trong đó có cả môn học làm bánh kem cho nên em trở thành một người đa tài.
Những lúc chưa có việc làm như thế, em hay ngồi ở quán cà phê có tên là Cây Dừa vì bao quanh quán có rất nhiều cây dừa, mà cây nào cây nấy cao vài chục mét. Em bảo: “Anh không ra là em… ly dị anh”. Anh sợ nhất là chuyện em đòi… ly dị dù hai đứa mình chưa hề thành vợ chồng, mà chỉ mới hẹn hò. Anh ra quán Cây Dừa vì yêu em, và để nhìn em cười nói. Vì nếu không được nhìn thấy em cười nói, lòng anh sẽ héo khô như những lá dừa đang úa dần ở quán Cây Dừa.
Cuộc sống có muôn vàn thay đổi, như mới mùa thu đang ngập tràn những đám mây trôi lãng đãng, vậy mà buổi sáng hôm sau thức dậy trở mình trời đã trở lạnh, phải mặc áo len. Mùa lạnh, em bảo: “Em không cần anh mua áo ấm cho em đâu. Em chỉ cần anh ôm em mà thôi”. Nhưng những ngày hẹn hò ấy qua nhanh. Hôm em rủ anh ra quán lẩu ở ngã tư đường quen thuộc, em bảo: “Hôm nay mình uống bia. Em uống một chai anh nhá. Mà em uống là em say, em say là em hôn anh đó”. Em bảo cho anh biết là em đã có việc làm, đó là công việc ở tận hòn đảo bên kia, nơi hàng ngày em phải đi qua bằng cáp treo từ sáng sớm, cho đến khi trời tối mịt em mới về, lòng anh trở nên buồn. Em ôm anh, mặc kệ mọi người đang nhìn vào hai đứa mình: “Nhưng chủ nhật em được nghỉ mà. Chủ nhật mình hẹn hò có sao đâu. Vả lại, em có việc làm thì anh khỏi phải nộp card điện thoại cho em, anh khỏi phải đổ xăng xe cho em, anh còn được em mời đi ăn...”. Anh có cảm giác như bữa ăn hôm đó là một bữa ăn chia lìa.
Quen có em mỗi ngày, tự dưng khi em đi làm anh thấy nhớ. Nhắn tin cho em, em bảo điện thoại em để trong phòng thay đồ nên em không trả lời được. Anh đợi em về thì trời đã tối mịt, khi đó anh đã về nhà. Còn chủ nhật thì em bảo: “Cho em ngủ thêm tí xíu, trời ơi, có đi làm rồi mới thấy giấc ngủ ngày chủ nhật tuyệt vời”. Thời gian hò hẹn của hai đứa mình càng ngày càng ít dần.
Nhà em vẫn nằm cạnh dòng sông ấy. Để tránh tình trạng ô nhiễm dòng sông, nhà nước bắt đầu chương trình mở đường chạy dọc theo con sông, nạo vét con sông cho thông thoáng trở lại. Nhà em bị mất một khoảng đất phía sau, mất luôn căn gác lơ lửng nhìn ra bờ sông, chỗ anh và em thường ngồi. Lâu lắm rồi anh cũng chẳng có dịp ngồi ở đó tâm sự với em. Em được cử đi học ở Hà Nội, nơi đó thật xa xăm đối với anh. Em đi biệt cả một năm ròng, thỉnh thoảng anh chỉ gặp em trên mạng, anh chỉ nhắn dăm ba câu là em bảo: “Em bận lắm, khi khác anh nhé”. Tóc anh lại thêm những sợi bạc. Em bảo: “Anh yên tâm đi, anh không mất em đâu. Vì anh là người đàn ông em yêu nhất mà”. Nhưng em đã ném trả những khoảng trống không trong lòng anh ngày càng nhiều. Anh bắt đầu lao vào những cuộc vui riêng của mình, để rồi em cứ mờ nhạt lần trong anh như thể em là một vệt bút vẽ trên tấm giấy phơi ngoài sương gió, nắng cứ làm màu bút ấy phai nhạt lần.
Rồi em lại đi nước ngoài. Công việc của em ngày càng khả quan, em lần lượt được giao nhiệm vụ ở những vị trí cao hơn, em tiếp xúc với nhiều người hơn. Chuyện đi nước ngoài của em là bình thường. Em tiến trên con đường riêng của mình, quá khứ với những ngày cầm hồ sơ xin việc, chỉ gặp những cái lắc đầu đã ở lại phía sau lưng em từ lâu. Anh nhận được tin em đi khi em đã lên máy bay cả tuần lễ, anh lại được biết là em đi lấy tấm bằng thạc sĩ bên đó, chắc phải ba năm em mới về. Anh bị tổn thương vì anh không phải là người được em báo tin, mà là một người đàn ông khác. Đó là anh chàng Hân, làm cùng phòng với em. Anh nghe thiên hạ to nhỏ quanh anh là em và Hân hình như đã có tình cảm với nhau. Anh chẳng bao giờ hỏi em chuyện đó, em cũng chẳng bao giờ nói với anh chuyện đó. Nhưng anh biết chắc rằng giờ đây anh và em đã không còn như xưa. Thời gian xinh tươi của hai đứa mình đã lặng lẽ trôi qua.
*
* *
Anh đi nhuộm mái tóc bạc bất đắc dĩ của mình. Cô thợ hớt tóc bảo anh nhìn vào tấm gương soi: “Nhuộm tóc xong anh trẻ lại mười tuổi. Chắc bạn gái anh bảo anh nhuộm tóc có phải không?”. Anh không giải thích với cô thợ.
Anh sẽ lấy vợ. Anh yêu Ngọc, nhưng tình yêu của anh đối với Ngọc không bằng tình yêu đối với em Linh ạ. Em đã dành lấy cả trái tim nồng nàn của anh, em chiếm hết trong trí nhớ của anh những gì gọi là hình bóng yêu thương. Nhưng em buông tay anh ra như buông một chiếc lá nhặt được ven đường. Cơn gió bất ngờ cuốn chiếc lá bay, bay đi xa.
Em có nhớ bài thơ của Nguyễn Phong Việt anh từng đọc cho em nghe, bài thơ có những lời như thế này: “Nếu không muốn đi hết con đường.../ Thì nên dừng lại, rồi bước đi một con đường khác bằng niềm tin/ Đừng bắt ta phải sống cho hạnh phúc của người khác/ Làm ơn đi mà!”...
Anh cũng muốn cùng em đi chung một con đường Linh ạ, chắc chắn là thế. Anh biết anh có lỗi với Ngọc khi hai người sắp là chồng vợ, trong anh vẫn đầy ắp tiếng cười của em. Làm ơn đi mà!... Em vẫn thường nói với anh như thế.
Chiều nay, anh và Ngọc ra quán Cây Dừa bàn chuyện trăm năm. Ngọc cười như em từng cười. Ngọc nói về chiếc thiệp cưới, Ngọc nói về cách thiết kế trong nhà hàng, Ngọc bàn chuyện đi Sa Pa hay đi Đà Lạt... Ngọc nói với anh rất nhỏ: “Phải chi chị Linh về kịp dự đám cưới mình cho vui anh nhỉ?”. Anh nghe như có gì đó xốn xang trong mắt mình, anh nghe như có cái gì đó đang trôi ra biển. Biển trước mặt anh xanh thẳm, rất xanh. Và lạ chưa, anh rất nhớ em.
KHUÊ VIỆT TRƯỜNG