(QNO) - Bằng tình yêu với đá, anh Phạm Hồng Dũng (35 tuổi, phường Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đã thổi hồn vào những mảng đá vô tri thành tác phẩm nghệ thuật giá trị.
Rảnh rỗi là tìm đến đá
“Vịnh Hạ Long” - một tác phẩm đá tự nhiên rất đẹp đã được anh Dũng chế tác thêm phần đế, tạo hình non nước Hạ Long xinh đẹp. Tác phẩm anh tâm đắc này, khi đăng lên mạng xã hội ngay lập tức được một doanh nhân ở miền Nam đặt mua. Hay tác phẩm giá trị khác là “Bạch Long giáng thế” với hình đầu rồng màu trắng. Anh Dũng cho biết, tác phẩm này sẽ không bán, chỉ trưng bày tại xưởng để phục vụ khách đến tham quan.
“Màu sắc của đá cứ làm tôi như bị thôi miên. Những viên đá càng mài giũa càng hiện lên những đường vân óng ánh, thôi thúc tôi không thôi yêu thích đá. Sản phẩm làm ra, trước hết là mình phải thấy hài lòng thì mới mong người khác thích thú” - anh Dũng chia sẻ.
Nói chuyện với chúng tôi, anh Dũng say sưa kể về con đường đến với đá nghệ thuật. Anh nhớ lại, sau khi tốt nghiệp THPT, anh cũng chỉ là một công nhân bình thường. Với mức lương ba cọc ba đồng thì không thể nuôi được bản thân huống gì lo cho cả gia đình. Thế là anh chọn con đường đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc. Năm năm trên đất khách, thời gian rảnh rỗi, để xóa đi nỗi nhớ gia đình, quê hương, anh vô tình tìm đến với đá nghệ thuật.
“Không biết cơ duyên gì, nhưng suốt chừng đó thời gian cũng là chừng đó tháng ngày tôi tìm hiểu về đá nghệ thuật. Cứ rảnh rỗi là lại sưu tầm, tìm hiểu, nghiên cứu về những tính chất, đặc điểm của đá, kỹ thuật chế biến đá” - anh Dũng kể.
Sau khi trở về quê hương, năm 2017 anh quyết định rẽ sang con đường làm đá nghệ thuật. Những ngày đầu là khoảng thời gian gian nan nhất khi anh tự tìm kiếm nguồn đá, tự chế tác, mày mò từ những sản phẩm nhỏ, những món hàng trang sức bằng đá nghệ thuật rồi mang xuống Hội An ngồi ven đường để bán.
“Khó khăn thì muôn vàn, việc đó mình đã xác định. Bước đầu chỉ mong tìm hiểu thị hiếu của người tiêu dùng, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm với đá nghệ thuật. Nhưng phải đối diện với sự phản đối rất quyết liệt của gia đình khi không một ai ủng hộ, nhiều lần gia đình thuyết phục từ bỏ ý tưởng “điên rồ” này”, đây là thách thức lớn nhất với mình lúc đó” - anh Dũng nhớ lại.
Gian nan thử sức
Dường như cái duyên với đá khiến anh không thể nào rời bỏ được. Khi đó, anh hạ quyết tâm rằng “chỉ có một cách duy nhất để thuyết phục gia đình đó là phải thành công với con đường mình đã chọn”. Vậy là, kinh phí tích lũy được trong thời gian đi xuất khẩu lao động, anh đầu tư mua máy móc, đi khắp nơi để tìm kiếm nguồn đá đẹp, chất lượng. Rồi âm thầm mài giũa, đánh bóng, sáng tác, chế tạo… Những sản phẩm có kích thước lớn đầu tiên ra đời và được khách hàng khắp nơi ưa chuộng. Gần như sản phẩm nào hoàn thành cũng có người mua ngay, làm không kịp để đáp ứng thị trường.
Do cơ sở nhỏ, lại ở vị trí không được sầm uất nên ít người biết; hơn nữa, lượng khách hàng am hiểu và yêu thích đá chưa nhiều nên chủ yếu anh rao bán các sản phẩm qua mạng xã hội. Cũng từ mạng xã hội, anh đã quen biết với các nghệ nhân trên cả nước. Nhiều hội chợ, triển lãm đã trực tiếp mời anh mang sản phẩm đến trưng bày. Nhiều doanh nghiệp, chủ biệt thự trên cả nước mời anh đến chế tác đá phong thủy, đá trang trí… Từ đó, anh đã có một chỗ đứng tương đối vững chắc trên thị trường đá nghệ thuật.
Về những dự định, anh Dũng nói: “Trước hết, sẽ phải mở rộng cơ sở sản xuất, trang hoàng lại cửa hàng để nhiều người biết đến. Đồng thời sẽ mở một quán cà phê sân vườn để có nơi cho du khách, những người yêu thích đá đến giao lưu, thưởng thức những tác phẩm đá nghệ thuật do mình làm ra; thuê thêm thợ để kịp thời đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đã có nhiều người cam kết sẽ đồng hành, đầu tư, giúp đỡ cả tinh thần lẫn vật chất để mình phát triển trong tương lai”.