Cuối tuần qua, khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) đã hoạt động trở lại sau 3 tháng “đóng cửa”. Một cuộc đối thoại với tinh thần cởi mở, thẳng thắn vừa diễn ra, các bên liên quan đã thống nhất với nội dung bản cam kết có nhiều điều kiện ràng buộc, không phải để “làm khó” cho nhau mà nhằm thiết lập cơ chế quản lý, kiểm soát chặt chẽ chuyện ô nhiễm môi trường.
Sau cuộc đối thoại của lãnh đạo huyện Núi Thành, cuối tuần qua lần lượt 3 xe chuyên dụng chở rác vào khu xử lý Tam Xuân 2. Không còn cảnh tụ tập đông người để cản trở, phản đối như trước đây và điều mà người dân trông chờ trong thời gian tới là việc thực hiện bản cam kết phải đến nơi đến chốn.
Không còn cản trở
Con đường ĐH104, qua các xã Bích Trung, Bích Nam (xã Tam Xuân 2) ngổn ngang rác thải sinh hoạt. Nhà chứa rác trung chuyển của các thôn trong tình trạng ứ đọng, tràn ra lòng đường. Rác thải sinh hoạt của gia đình, tổ chức, trường học, cơ quan… không thể đưa vào khu xử lý được do người dân cản trở liên tục 3 tháng liền. Tuy nhiên, chiều 25.10, xe chuyên dụng của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã được người dân đồng thuận cho phép chở rác vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2. Trước khi bản cam kết về việc quản lý, vận hành khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2 (gồm đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND huyện, UBND xã Tam Xuân 2, đại diện ban nhân dân 3 thôn Bích Nam, Bích Ngô, Thạch Kiều và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam) chính thức ban hành, việc xử lý rác thải sẽ ưu tiên cho địa bàn xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2. Hộ ông Mai Văn Hoàng (trú tổ 1, thôn Bích Nam) nói: “Chúng tôi hoàn toàn thống nhất cho công ty vận chuyển rác vào bãi xử lý trở lại nhưng phải có giám sát của người dân, các bên đạt được thỏa thuận về thời gian đổ rác. Mong muốn của bà con là Nhà nước sớm đầu tư dự án nước sạch trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp”.
Tại buổi đối thoại sáng 25.10, các ý kiến của người dân địa phương tựu trung là yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và lãnh đạo Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam phải có văn bản cảm kết trong thời gian hoạt động của bãi rác là đảm bảo môi trường, không để nước thải, mùi hôi, khí thải… gây ảnh hưởng. Đồng thời, họ được giám sát quá trình xử lý rác thải khi bãi rác hoạt động trở lại, nếu có vấn đề gì xảy ra thì sẽ kịp thời phản ánh với cơ quan chức năng. Trưởng thôn Bích Nam – ông Nguyễn Cao Bằng kiến nghị, công ty và Nhà nước cần dành nguồn vốn cho sửa chữa, nâng cấp đường ĐH104 bởi đang xuống cấp; đại diện cán bộ thôn và người dân sẽ tham gia giám sát vệ sinh môi trường.
Theo quan sát, chiều 25.10, nhiều vị trí tập kết rác ùn ứ trên đường ĐH104 đã được công nhân của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thu gom, vận chuyển vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2. Tuyến đường liên xã, các khu dân cư trở nên sạch sẽ, thông thoáng hơn.
Giảm áp lực quá tải
Xử lý các đối tượng uy hiếp cán bộ thôn
Theo đơn báo cáo của ông Nguyễn Văn Tân - Bí thư Chi bộ thôn Bích Nam gửi Công an xã Tam Xuân 2, vào khoảng 20 giờ 15 phút ngày 6.10, một số đối tượng chạy xe qua lại trước cổng nhà rồi gọi tên ông. Có 5 người gồm ông Nguyễn Đại Cường (thôn Bích Ngô), Lê Xuân, Nguyễn Văn Lương, Đỗ Văn Tấn, Nguyễn Văn Tình (thôn Bích Nam) sau khi được ông Tân mời vào nhà đã đập bàn ghế, uy hiếp đe dọa ông.
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, ông Tân bị các đối tượng uy hiếp tinh thần vì đã trả lời đài truyền hình các nội dung liên quan đến kết quả xử lý sự cố môi trường tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2. Sau khi tiếp nhận thông tin, UBND xã đã chỉ đạo Công an xã làm báo cáo gửi Công an huyện Núi Thành. Hiện cơ quan công an đang thụ lý vụ việc, mời các đối tượng lên làm việc để có cơ sở xử lý nghiêm, chấn chỉnh hành vi uy hiếp tinh thần đối với cán bộ thôn.
Ngoài 5 đối tượng đến nhà uy hiếp ông Tân, sáng 15.10, một nhóm đối tượng quá khích gồm 14 người dựng lán trại huy động kéo đến địa điểm ngăn chặn xe chở rác của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam. Theo báo cáo của UBND huyện Núi Thành, sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường ngày 25.7, cả hệ thống chính trị từ huyện, xã đến thôn đã vào cuộc vận động, nhưng nhiều người dân vẫn chưa đồng tình ủng hộ việc đưa khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 vào hoạt động. Bởi, họ mong muốn tương lai không tồn tại khu chứa rác thải ở đây và có nguyện vọng gặp lãnh đạo tỉnh để đối thoại.(NGUYÊN ĐOAN)
Để giảm lượng xe vận chuyển rác, UBND tỉnh chỉ đạo mở tuyến đường mới đưa rác vào bãi xử lý, không đi ngang qua khu dân cư. Hiện nay, xe vận chuyển rác vào khu xử lý đi trên 2 tuyến. Tuyến thứ nhất mới mở từ quốc lộ 1 đi vào đường Việt – Hàn thuộc địa phận xã Tam Anh Bắc (Núi Thành), đi qua đường cao tốc, rẽ trái hướng vào khu xử lý. Đây là tuyến vận chuyển chính của xe thu gom rác thải ở các địa phương về khu xử lý, nhất là rác tồn đọng thời gian vừa qua. Tuyến thứ hai là đường vào khu xử lý có từ trước đến nay (đường ĐH104 thuộc địa phận xã Tam Xuân 1). Các phương tiện ra vào khu xử lý sẽ được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Theo Sở Tài nguyên – môi trường, với lượng rác ứ đọng khá lớn hiện nay, dự kiến sau khi khu xử lý Tam Xuân 2 hoạt động trở lại, việc vận chuyển rác thải sẽ ảnh hưởng đến khu vực dân cư trên tuyến đường ĐH104 thuộc địa phận xã Tam Xuân 1, nên việc đầu tư, sửa chữa tuyến đường tạm vào khu xử lý là hết sức cần thiết. Quan điểm của tỉnh là một số hộ dân gần tuyến đường vào bãi rác, có nguyện vọng di chuyển chỗ ở đến nơi khác, UBND tỉnh sẵn sàng tạo cơ chế ưu đãi nhất để di dời. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 – ông Trần Thanh Xuân, hiện nay địa phương đã phổ biến, công khai cho nhân dân biết kết quả khắc phục sự cố môi trường, kết quả quan trắc nguồn nước của cơ quan có thẩm quyền; thông báo kế hoạch tiếp tục xử lý rác tại hộc số 2 của Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam thông qua Đài phát thanh xã và niêm yết tại nhà văn hóa các thôn Bích Ngô, Bích Nam và Thạch Kiều. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đang tổ chức bảo vệ ổn định hộc rác số 1, xây dựng kế hoạch tiếp tục xử lý rác thải theo đúng quy định để thông báo cho các bên liên quan về thời gian vận chuyển, xử lý rác thải tại hộc số 2. Đồng thời, xây dựng quy chế vận hành xử lý rác thải, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng cán bộ, công nhân trong giám sát và trực tiếp vận hành.
Bí thư Huyện ủy Núi Thành - ông Nguyễn Tri Ấn thông tin, hiện nay nhiều địa phương khác của tỉnh đang quy hoạch, đầu tư bãi rác, thì áp lực về khu xử lý rác Tam Xuân 2 (phục vụ cho các địa phương Núi Thành, Tiên Phước, Tam Kỳ và Khu kinh tế mở Chu Lai) sau này sẽ giảm đáng kể. Trước mắt, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam tập trung nhân lực, phương tiện máy móc thu gom vận chuyển rác thải trên địa bàn 2 xã Tam Xuân 1, Tam Xuân 2 vào khu xử lý, không để tồn tại hình ảnh rác sinh hoạt nhếch nhác; tuyệt đối không để lẫn lộn rác thải y tế với rác thải sinh hoạt.
GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN CAM KẾT
Để giải quyết “cuộc khủng hoảng” rác thải, bảo vệ môi trường một cách bền vững, mối quan tâm của người dân cũng như các cấp chính quyền địa phương là trách nhiệm, cơ chế giám sát việc thực hiện bản cam kết.
Các chỉ số quan trắc nguồn nước đều nằm trong giới hạn cho phép
Theo kết quả quan trắc môi trường cuối tháng 8.2019 của Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường (thuộc Sở Tài nguyên - môi trường), về nguồn nước dưới đất, sau khi lấy 5 mẫu ở các vị trí khác nhau tại thôn Bích Nam và Bích Ngô; 1 mẫu nước thải sau xử lý tại hồ sinh học của khu xử lý chất thải rắn Tam Xuân 2; 1 mẫu nước mặt tại mương cách hồ xử lý nước thải 264m, cho thấy tất cả thông số đều nằm trong giới hạn cho phép. Kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước thải tại hồ sinh học, đầu ra của hệ thống xử lý nước thải khu xử lý chất thải rắn Tam Xuân 2 có tất cả thông số như độ pH, TSS, chất hữu cơ (BOD5, COD), các kim loại (As, Hg, Pb, Cd, Zn, Ni, Mn, Fe), Amoni, tổng N, tổng P, sunfua, coliforn nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải.
Về kết quả chất lượng nước mặt, độ pH qua mẫu nước mặt là 7,7, nằm trong giới hạn cho phép; lượng oxy hòa tan của nước (DO) là 6,2mg/l, đạt chuẩn quy định; hàm lượng chất rắn lơ lửng (TSS) đạt thấp (9mg/l). Chất hữu cơ, chất dinh dưỡng nằm trong giới hạn. Nồng độ các kim loại (As, Hg, Pb, Cd, Zn, Ni, Mn, Fe, Cu, Hg, Cr, Cr6+, Se) trong mẫu được quan trắc đều ở mức thấp, nằm trong giới hạn cho phép. Tuy nhiên, nồng độ kim loại Mn vượt nhẹ 1,2 lần so với mức độ cho phép; nồng độ Amoni vượt 3 lần; Nitrit vượt 2,6 lần.
Những nội dung của biên bản cam kết (gồm đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường, UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Xuân 2, đại diện Ban nhân dân 3 thôn Bích Nam, Bích Ngô, Thạch Kiều và Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam) nhằm thống nhất việc quản lý, vận hành khu chứa và xử lý rác thải tại xã Tam Xuân 2. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam Nguyễn Thanh Dũng cho biết, nội dung của bản cam kết được các bên liên quan góp ý, hoàn chỉnh đang chờ ký ban hành, sẽ niêm yết tại trụ sở UBND xã, nhà văn hóa các thôn Bích Nam, Bích Ngô, Thạch Kiều. Theo đó, nội dung trọng tâm là vận hành khu xử lý đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, không để xảy ra các sự cố về môi trường, nước thải, mùi hôi, làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh khu xử lý. Rác thải y tế tuyệt đối không được chôn lấp chung với rác thải sinh hoạt; hạn chế tối đa việc vận chuyển trong giờ cao điểm hằng ngày để không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân; thường xuyên quan trắc các thông số về môi trường theo quy định. Đặc biệt, quá trình vận hành khu xử lý chịu sự giám sát, quan trắc định kỳ hoặc đột xuất về các thông số môi trường tại khu xử lý của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và đại diện nhân dân do các thôn đề cử. Thời gian hoạt động của khu chứa và xử lý rác thải sinh hoạt Tam Xuân 2 sẽ chấm dứt khi khu xử lý rác thải công nghệ cao của tỉnh trên địa bàn huyện được xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động (dự kiến 5 năm). Sở Tài nguyên – môi trường chịu trách nhiệm lập dự án đóng cửa bãi rác theo quy định. Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam có trách nhiệm nhanh chóng đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch cho nhân dân theo ý kiến thống nhất của UBND tỉnh…
Lãnh đạo huyện Núi Thành thống nhất để đại diện người dân các thôn Bích Nam, Bích Ngô và Thạch Kiều giám sát quá trình thực hiện cam kết của chủ đầu tư là Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam và các ngành có liên quan về thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát rác thải. Ông Võ Như Toàn – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết, Công ty CP Môi trường đô thị là đơn vị được Nhà nước giao thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực môi trường, Sở Tài nguyên - môi trường cam kết kiểm soát chặt chẽ nguồn thải. Hàng tháng và quý, cơ quan chức năng sẽ kiểm tra, giám sát, mong muốn bà con nhân dân cử người đại diện cùng tham gia giám sát. Cũng theo ông Toàn, nỗi lo lắng về môi trường của người dân là rất chính đáng, nhưng pháp luật quy định về bảo vệ môi trường rất chặt chẽ trong thực hiện các quy trình, không có việc đóng cửa bãi rác rồi… cao chạy xa bay. Việc phục hồi môi trường cần lộ trình 5 năm, quan trắc cũng theo định kỳ quy định, nếu phát hiện ô nhiễm lập tức sẽ triển khai các biện pháp xử lý ngay.
LỰA CHỌN CÔNG NGHỆ THAY THẾ
Nhận diện sự lạc hậu, không đảm bảo môi trường của hình thức chôn lấp, chính quyền tỉnh chủ trương thu hút các nguồn lực đầu tư, ưu tiên sử dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm tại khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 hiện nay.
Khắc phục xong sự cố
Hơn 3 tháng xảy ra sự cố ô nhiễm, dưới sự giám sát chặt chẽ của các ngành chức năng và người dân địa phương, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam đã thực hiện xong việc phủ bạt HDPE lên hộc số 1 khu xử lý rác thải Tam Xuân 2; xử lý vôi khử trùng, phun chế phẩm sinh học xử lý mùi hôi; thi công san ủi lấp đất; thi công lắp đặt ống nhựa thu khí mê - tan để giảm thiểu mùi hôi phát tán trong không khí. Tại Biên bản kiểm tra hoàn thành công tác khắc phục sự cố môi trường tại khu chứa và xử lý rác thải Tam Xuân 2, ngày 1.10.2019, đại diện Sở Tài nguyên - môi trường, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh, UBND huyện Núi Thành, UBND xã Tam Xuân 2, Bí thư Chi bộ thôn Bích Nam và chủ đầu tư đã xác nhận nhiều hạng mục mà công ty đã hoàn thành khắc phục. Trong đó điểm đáng lưu ý, ghi nhận tại hiện trường là không còn mùi hôi. Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - ông Chung Thành Đông quả quyết: “Nhiều tháng qua, công ty đã huy động các phương tiện máy móc, nhân lực vào cuộc xử lý triệt để mùi hôi ở hộc số 1, và đến thời điểm này khẳng định đã khắc phục xong sự cố môi trường. Cụ thể, Sở Tài nguyên – môi trường, UBND huyện Núi Thành, Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh cùng chính quyền xã Tam Xuân 2, đại diện nhân dân kiểm tra, xác nhận đã hoàn thành công tác khắc phục sự cố”. Cũng theo Công ty CP Môi trường - đô thị Quảng Nam, việc thi công hộc số 2 thuộc khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 đã xong và nghiệm thu bảo đảm tiêu chuẩn môi trường và đủ cơ sở pháp lý để đưa vào hoạt động.
Ông Nguyễn Thanh Dũng - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam cho rằng, từ khi khu xử lý rác dừng hoạt động, công ty đề ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục sự cố. Đơn cử, đến nay hộc rác số 1 cơ bản đảm bảo các tiêu chuẩn, nhất là kiểm soát ổn định nước thải và mùi hôi. “Hiện tại hộc chứa số 1 vẫn còn đủ sức tiếp nhận 50% lượng rác, nhưng sau khi bị sự cố, Sở Tài nguyên - môi trường và chính quyền tỉnh chỉ đạo chuyển hết vào hộc số 2 đã đầu tư lót bạt an toàn hơn” – ông Dũng giải thích.
Thay thế bằng lò đốt
Ngày 24.10.2019, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu ký Công văn (số 6381) gửi lãnh đạo huyện Núi Thành, các sở ngành liên quan, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam về việc đảm bảo điều kiện hoạt động của khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 và triển khai đầu tư khu xử lý rác thải công nghệ cao thay thế lò đốt rác thải Tam Xuân 2. Thông tin đáng chú ý của văn bản này là UBND tỉnh giao UBND huyện Núi Thành khẩn trương lập dự án đầu tư tuyến đường mới vào khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 (không đi qua khu dân cư) và phục vụ vận chuyển cho khu xử lý công nghệ cao tại xã Tam Thạnh (Núi Thành). Theo dõi, giám sát Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam trong vận hành khu xử lý rác thải Tam Xuân 2 bảo đảm an toàn, không để xảy ra sự cố, đáp ứng các tiêu chí về bảo vệ môi trường. Về giải pháp xử lý rác thải lâu dài, chính quyền tỉnh đang lựa chọn công nghệ lò đốt thay thế hình thức chôn lấp phổ biến như hiện nay. Theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương liên quan theo dõi tình hình, tham mưu xử lý kịp thời, không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn; khẩn trương khảo sát địa điểm thích hợp để đề xuất xây dựng lò đốt rác trong thời gian đến. Đối với Huyện ủy, UBND huyện Núi Thành, tiếp tục chỉ đạo cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành theo chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phải trực tiếp đối thoại với nhân dân để giải thích về chủ trương của tỉnh về vấn đề này.
Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn cho rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của toàn xã hội, chứ không phải riêng cá nhân, đơn vị nào. “Trước đây vì điều kiện kinh tế khó khăn, chúng ta dùng hình thức chôn lấp rác thải, nhưng nay theo xu hướng phát triển, hình thức đó đã bộc lộ quá nhiều hạn chế, nên cần thay thế bằng công nghệ lò đốt tiên tiến mà các nước trên thế giới đã, đang vận dụng” - ông Ấn nói. Theo Chi cục Bảo vệ môi trường, thời gian qua, ngân sách nhà nước bỏ ra 14 tỷ đồng đầu tư ở hộc rác số 2 như lót bạt, đầu tư hệ thống thoát nước thải, tách riêng dòng nước ngầm ở phía tây chảy về nhà máy, phân loại rác thải tại nguồn…
Về quản lý môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, ngày 27.12.2016, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 09. Quan điểm của Tỉnh ủy, UBND trong xử lý rác thải là tiếp tục thu hút các nguồn lực, hình thức đầu tư sử dụng công nghệ lò đốt hiện đại, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hình thức chôn lấp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm như hiện nay. Về quy hoạch bãi rác, Quảng Nam đã phân vùng cụ thể như khu vực phía nam có bãi rác Tam Nghĩa, Tam Xuân 2 (Núi Thành), các huyện trung du có bãi rác Quế Cường (Quế Sơn) và khu vực phía bắc có bãi rác Đại Nghĩa, Đại Hiệp (Đại Lộc); đồng thời đang tính toán mỗi địa phương quy hoạch ít nhất một vị trí bãi chứa rác thải sinh hoạt.