Một câu chuyện thời thượng là xây dựng đô thị thông minh.
Đến nay đã có hơn 20 thành phố lớn nhỏ ở Việt Nam định vị chiến lược xây dựng thành phố thông minh, điển hình như TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Dương… Với tỉnh Quảng Nam, gần đây việc xây dựng đô thị thông minh đã được đặt ra và vừa qua mới tổ chức hội thảo “Xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh và định hướng phát triển kinh tế số trong thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0”.
Tưởng vấn đề quá quen nhưng trong cả trăm định nghĩa dường như ta cách hiểu khác nhau về đô thị/thành phố thông minh. Hẳn vì hiểu khác nhau nên tầm nhìn cũng khác nhau và đôi khi đưa ra những so sánh rất khập khiểng, chẳng hạn hướng đích cho Hà Nội là Paris, cho Đà Nẵng là Singapore… Còn về cách làm, có nơi cho rằng đô thị thông minh là chỉ cần gắn những thiết bị thông minh như camera nên đua nhau lắp đặt (?!).
Vậy cần phải hiểu thế nào? Thực tế, nhiều chuyên gia nghiên cứu đô thị đã phân tích rằng, ít nhất có hai thuật ngữ là thành phố thông minh (intelligent city) và thành phố khôn ngoan (smart city). Thành phố thông minh được hiểu là thành phố nhấn mạnh chức năng nghiên cứu khoa học và đổi mới kiến thức/công nghệ, với khả năng sáng tạo được coi như là nguồn lực chủ yếu. Để đạt được mục đích này, hệ thống công nghệ thông tin (IT) phục vụ mọi lĩnh vực hoạt động của thành phố phải có bước chuyển vượt bậc về chất, với các dịch vụ internet toàn cầu được đặt ở vị trí trung tâm. Còn thành phố khôn ngoan là nơi sử dụng thành tựu về IT tiên tiến để biến các thành tố hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quản lý hành chính, dịch vụ và chất lượng sống trở nên thông minh, kết nối toàn diện và hiệu quả hơn. Đặc điểm quan trọng của thành phố khôn ngoan là việc khai thác/sử dụng tối đa thông tin điện tử về mọi hoạt động đô thị thông qua hệ thống cảm biến các loại. Điểm giống nhau của hai kiểu thành phố là khả năng tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực dựa trên nền tảng IT tiên tiến để phục vụ cư dân đô thị, nhưng khác nhau là thành phố thông minh dựa chủ yếu vào các dịch vụ internet, còn thành phố khôn ngoan là xử lý hiệu quả các thông tin cung cấp bởi hệ thống cảm biến.
Muốn trở thành đô thị thông minh/khôn ngoan, thì ít nhất phải đạt 6 yếu tố cơ bản có tính chất “thông minh” theo định nghĩa của Ủy ban châu Âu, đó là: kinh tế, đi lại, môi trường, cư dân, cuộc sống thông minh, và có chính quyền điện tử phục vụ. Nếu dựa theo đó, đặc biệt là tiêu chí cuộc sống thông minh (bao gồm các giải pháp giúp nâng cao chất lượng sống của người dân về tiêu dùng (an toàn vệ sinh thực phẩm...), về lối sống (gắn kết cộng đồng, đời sống văn hóa đa dạng...), về an ninh (giám sát vi phạm, phát hiện tình huống khẩn cấp, phòng chống cướp giật...) và về y tế, giáo dục), thì chưa dễ tìm thấy hình mẫu thành phố nào ở nước ta đạt như vậy. Tương tự, nếu hiểu thành phố thông minh là bao gồm 8 yếu tố: công dân thông minh; năng lượng thông minh; chăm sóc sức khỏe thông minh; tòa nhà thông minh; di động thông minh; giáo dục thông minh; cơ sở hạ tầng, công nghệ và điều hành thông minh của chính quyền, thì sẽ cần nỗ lực đồng bộ lâu dài mới đạt được.
Một xu hướng cần xem xét là việc xây dựng thành phố thông minh/khôn ngoan đặt vai trò của “hạ tầng mềm” (xã hội, nguồn lực con người, sự tham gia của người dân/doanh nghiệp) lên trên vai trò của IT. Đúng hơn đó là sự kết hợp giữa hạ tầng cứng (IT, trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT)…) và hạ tầng mềm, hướng đến việc cung cấp một cách bền vững cuộc sống chất lượng cao cho cư dân và dịch vụ/môi trường kinh doanh chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.
Xây dựng được đô thị thông minh/khôn ngoan như thế phải là hành trình dài hàng chục năm.