Thông tin trong dòng chảy bất định

NGUYỄN ĐIỆN NAM 15/11/2020 06:39

Gần cả năm đã trôi qua, dòng sống dường như bất định với sự bất an do đại dịch Covid-19, rồi thiên tai liên miên ập đến cùng bão bầy, lũ bầy. Trong bối cảnh ấy, dòng thông tin chảy trên mạng xã hội, đến truyền thông và báo chí, thường phát đi từ những nhân chứng tại hiện trường khu vực cách ly vì dịch bệnh hay địa hình cách trở vì núi lở, lũ quét, lũ ống, sông trào…

Không tòa soạn báo nào được phép thoải mái đưa phóng viên vào vùng đỏ dịch Covid-19, nếu không đảm bảo các điều kiện y tế an toàn. Nhiều phóng viên phải nhờ các bác sĩ điều trị, điều dưỡng viên, cùng lực lượng khác ở tại chỗ gửi qua mạng vài hình ảnh trong khu cách ly nghiêm ngặt.

Không nhà báo nào có mặt kịp thời khi lũ cơn lũ quét qua Phước Thành (Phước Sơn), chỉ có người tại chỗ kịp quay lại đoạn video dữ dội đó.

Cũng không có phóng viên nào tiếp cận nhanh hiện trường vụ sạt lở Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My) bằng chính lực lượng tại chỗ nắm bắt sớm tình hình và chia sẻ thông tin đầu tiên.

Mới nhất là đoạn video về vụ sạt lở ở Trà Tân (Bắc Trà My) gần chân đập thủy điện Sông Tranh 2, anh Phạm Khang, một Youtuber qua đây tình cờ ghi được đoạn phim lở núi ào ào và hô kêu người chạy đến vỡ tim. Hú hồn, nhiều người chạy thoát được nhưng có người bị gãy chân, người mất tích.

Không chỉ là vài điểm như vậy, tình trạng đất chảy, núi lở, núi trôi với mức độ, cường độ khủng khiếp chưa từng thấy, diễn hầu khắp dải miền Trung. Những ngày này ai lên vùng cao đều phập phồng lo sợ bất thần có trái núi nào đó đổ xuống, không có gì cản nổi. Hiểm họa núi đè sẽ kéo theo dòng chảy càng bất định hơn của cuộc sống đồng bào.

Trở lại với câu chuyện thông tin. Rõ ràng, cũng như phương án phòng chống thiên tai, cứu nạn cứu hộ phải dựa vào “4 tại chỗ”, thì việc đưa tin tức về tình hình dịch bệnh và bão lũ cũng phải như vậy. Bởi không tòa soạn báo nào có thể hình dung hết thảy diễn biến bất định của các biến cố đời sống.

Ngay như Báo Quảng Nam, phóng viên cơ hữu chỉ có vài chục người, nên việc tổ chức thông tin phải trông cậy vào khoảng 500 anh chị em cộng tác viên hàng năm ở khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Và không chỉ có những cộng tác viên, sẽ không tính hết các “thông tín viên” chỉ bằng một cuộc điện thoại, một dòng hội thoại (chat qua mạng), đã có thể báo nguồn tin riêng cho tòa soạn.

Trong đại dịch Covid-19, có những người dân trong khu cách ly đã cung cấp hình ảnh về khu phố, ngôi làng của mình. Nhiều bác sĩ điều trị bệnh nhân Covid dùng  email, tin nhắn qua messenger, zalo… để đã đưa tin cho báo chí bên ngoài. Đặc biệt, trong đợt bão lũ dồn dập vừa qua, những người dân ở vùng sạt lở, lực lượng dân quân, vũ trang, sau đó là những đoàn thiện nguyện cứu trợ… sớm đến những vùng bị chia cắt, đã có người tranh thủ gửi vắn tắt vài dòng tin và hình ảnh cho Báo Quảng Nam và nhiều báo bạn.

Tất cả thông tin đó đều khó thể tổ chức với định hướng trước, hay cũng không thể tính trước được sự biến nào diễn ra để có nội dung hay hình ảnh. Hầu hết “tác phẩm báo chí” là tình cờ và có phần bất đắc dĩ, lại chảy tiếp vào đời sống, cuộn xoáy nỗi bất an thường trực nhưng khi được đăng tải trên báo là góp phần để các cơ quan hữu trách nhận biết đầy đủ thêm vấn đề gì đang xảy ra. Cũng từ đó, việc cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ được tổ chức kịp thời, đúng chỗ, hiệu quả.

Không có gì bằng con người cùng phương tiện tại chỗ (với thiết bị công nghệ thông minh) đã góp nguồn tin phong phú và nhanh nhạy hơn bao giờ hết. Những cánh tay nối dài của báo chí công dân đã làm cho thông tin trở thành dòng thác có sức mạnh hiệu triệu đông đảo nhà hảo tâm nhanh chóng vào cuộc giúp đỡ đồng bào ở các vùng bị thiệt hại nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thông tin trong dòng chảy bất định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO