Thu gom chất thải rắn ở Điện Bàn: Cần tháo gỡ những tồn tại

CÔNG TÚ 18/01/2017 12:36

Triển khai đề án thu gom và xử lý chất thải rắn giai đoạn 2016 - 2020, Điện Bàn đạt được một số kết quả quan trọng song thực tế cũng cho thấy những hạn chế mà chính quyền địa phương và doanh nghiệp (DN) cần tập trung tháo gỡ.

Một trạm trung chuyển đặt tại xã Điện Quang. Ảnh: C.TÚ
Một trạm trung chuyển đặt tại xã Điện Quang. Ảnh: C.TÚ

Nhận diện hạn chế

Cuối năm 2016, toàn bộ 20 xã, phường ở thị xã Điện Bàn đã triển khai thực hiện thu gom rác thải tại 182/182 thôn, khối phố với 40.993/51.201 hộ tham gia. Theo báo cáo, có 8 địa phương thu - chi đạt kết quả. Lãnh đạo Phòng TN-MT thị xã cho hay, Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn cũng đã nhận bàn giao và triển khai trên một số tuyến giao thông thuận lợi với 1.353 hộ dân thuộc các xã Điện Quang, Điện Hồng, Điện Thắng Bắc và phường Điện Nam Đông tham gia. Cạnh đó, công ty còn thực hiện tua quét đường trên địa bàn 6 phường vùng đông. Như vậy, hiện có tới 80,06% số hộ dân cùng chung tay thực hiện đề án thu gom với hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn - ông Phan Minh Dũng cho rằng, tuy mới khởi đầu guồng quay, đề án đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhận thức, ý thức từ phía người dân, người đứng đầu tổ chức được nâng lên rõ rệt. Con số nóc nhà thu gom ngày càng tăng đã minh chứng cho điều đó.

Tuy nhiên, lãnh đạo thị xã Điện Bàn cũng nhìn nhận thực tế có nhiều tồn tại hạn chế qua quá trình triển khai thực hiện đề án. Rõ nhất là công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành và đơn vị liên quan chưa nhịp nhàng, khâu nhận bàn giao thu gom trực tiếp chưa đạt kế hoạch đề ra. Điều đáng nói, hợp đồng giữa Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn với địa phương bộc lộ nhiều bất cập, không giám sát được khối lượng rác thải, chất lượng thu gom không đảm bảo. Chưa kể, một số địa phương phải chịu áp lực cao về phí thu gom, có nơi gây mất cân đối tài chính. Ngược lại, năng lực và trang thiết bị chuyên dụng của DN hạn chế nên chưa đáp ứng nhu cầu hạn chế, vì vậy chưa phối hợp nhận bàn giao tuyến đường thuận lợi đã khảo sát với các xã, phường làm ảnh hưởng tiến độ đề án. Theo Phòng TN-MT thị xã Điện Bàn, một số địa phương thiếu chế tài đối với hộ dân không tham gia hoặc không đóng phí; việc phát hiện, kiểm tra và xử lý hành vi vứt rác sai nơi quy định theo kiểu “giơ cao đánh khẽ”.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn - bà Từ Thị Bích Hường cho rằng, DN kinh doanh ngành đặc thù này cần phải trang bị những xe thu gom có kích thước nhỏ phù hợp với hiện trạng nhiều tuyến đường, kể cả khu vực đô thị. Đồng thời các cấp, các  ngành, hội đoàn thể phải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Trước mắt, họ cần thấy được lợi ích, ý nghĩa của việc thực hiện không rải vàng mã trên đường đi đưa tang và không rải gạo muối, bánh ngũ sắc mỗi khi có cúng kính.

Phó Chủ tịch HĐND thị xã - ông Huỳnh Quang Trung nói: “Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam - chi nhánh Điện Bàn là đơn vị kinh doanh, do đó tuân thủ tôn chỉ “vì sự hài lòng của khách hàng” để có sự phục vụ tốt nhất. Ở địa bàn vùng cát, dân cư đông đúc nhưng một tuần chỉ thu gom rác thải một lần là không ổn. Trên tuyến ĐT608, có một trạm trung chuyển đặt vị trí giáp ranh giữa phường Vĩnh Điện và xã Điện Minh hiện đã không còn sử dụng. Người có trách nhiệm phải khẩn trương “xóa” điểm trên, chứ để vậy người dân qua lại cứ thế tấp đại rác vào”. Chính quyền và các hội đoàn thể cần xem lại việc xác nhận tỷ lệ “gia đình văn hóa” hàng năm đạt trên 90%, trong khi đó số hộ tham gia đề án mới đạt hơn 80% là không thể chấp nhận. Nếu hộ đó không thực hiện thì họ sẽ bỏ rác ở đâu, hoặc nếu bỏ rác thì gia đình ấy có nộp phí hay chưa, việc đó phải giám sát cho chặt chẽ.  

Theo ông Phan Minh Dũng, các địa phương thời gian tới phải tích cực vào cuộc thực hiện đề án thu gom rác thải. Tiêu chí liên quan đến môi trường này rất quan trọng, bởi nó phản ánh nông thôn mới đổi thay như thế nào. Thời gian qua, nhờ làm tốt hơn công tác trên mà môi trường trong lành, dịch bệnh trên gia súc gia cầm tại thị xã ít xuất hiện, nếu phát ra thì ngay lập tức bị dập tắt. Tiện ích và hiệu quả mà chương trình mang lại là không thể bàn cãi. Lãnh đạo chính quyền thị xã yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện, ban ngành và hội đoàn thể hỗ trợ tích cực, còn DN phối hợp chặt chẽ với xã, phường. Đặc biệt, địa phương và công ty dịch vụ phải tuân thủ hợp đồng đã ký kết, người có trách nhiệm ở cơ sở giám sát chặt chẽ để tránh trường hợp DN làm không hết trách nhiệm. Cạnh đó, khâu thu - chi nhất thiết rõ ràng, không lặp lại chuyện thủ quỹ “ém” tiền cả tháng mà không chuyển tiền trả cho DN. Ngoài ra, xã hay phường chú trọng phân bổ nguồn tài chính thực hiện nhằm đảm bảo cân đối nguồn thu - chi. “Mặt trận các cấp và các tổ chức hội đoàn thể tiếp tục kết hợp lồng ghép hoạt động trọng tâm với nội dung bảo vệ môi trường. Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên tích cực hưởng ứng đề án; khuyến khích phân loại rác thải ngay tại hộ gia đình, bỏ rác đúng nơi quy định. Cần thiết phải đưa công tác bảo vệ môi trường và tỷ lệ hộ tham gia đề án vào một trong những tiêu chí xét thi đua hàng năm” - ông Phan Minh Dũng đề nghị.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu gom chất thải rắn ở Điện Bàn: Cần tháo gỡ những tồn tại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO