Trong khi nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang loay hoay với bài toán về việc thu gom và xử lý rác thải thì thời gian qua ở huyện Duy Xuyên công tác này được thực hiện rất hiệu quả nhờ triển khai sâu rộng phong trào thi đua Dân vận khéo...
Đẩy mạnh tuyên truyền
Ông Phan Xuân Cảnh – Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngày 23.3.2010, Ban Dân vận Huyện ủy Duy Xuyên chính thức phát động phong trào thi đua Dân vận khéo trong việc thu gom và xử lý rác thải. Ông Cảnh nói: “Ngay sau khi có chủ trương trên, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên - môi trường khẩn trương xây dựng mô hình và hướng dẫn các địa phương triển khai đăng ký, tổ chức thực hiện. Từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện chủ động xây dựng kế hoạch, thành lập ban quản lý thu gom rác thải. Đồng thời, huyện xuất nguồn ngân sách hỗ trợ mua sắm những phương tiện chuyên dụng”.
Đưa rác sinh hoạt về những điểm tập kết để chở đi xử lý. Ảnh: V.S |
Theo ông Phạm Văn Hậu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Duy Xuyên, thời gian qua Mặt trận các cấp cùng một số ngành liên quan tích cực phối hợp vận động nhân dân tham gia mô hình này bằng nhiều hình thức, như lồng ghép tuyên truyền trong những đợt học tập, sinh hoạt của các đoàn thể, tổ chức tập huấn kiến thức về bảo vệ môi trường, phát động nhiều đợt ra quân làm sạch đường làng ngõ xóm, hưởng ứng Tuần lễ quốc gia nước sạch – vệ sinh môi trường nông thôn và ngày Môi trường thế giới 5.6, thậm chí trực tiếp đến tận hộ để vận động. Ông Hậu cho biết: “Xác định công tác tuyên truyền là khâu quan trọng nhất nên từ ngày phát động phong trào này đến nay, chính quyền, Mặt trận, hội đoàn thể cấp cơ sở trên địa bàn huyện thường xuyên vận động đội ngũ cán bộ, đảng viên làm gương, đi đầu trong việc thực hiện để nhân dân hưởng ứng”.
Điều đặc biệt, tại hầu hết các địa phương của huyện Duy Xuyên, nhân dân tự thảo luận đề án, thành lập tổ thu gom rác thải ở từng thôn, khối phố, tổ tự quản và thống nhất mức phí hỗ trợ người trực tiếp thực hiện. Đồng thời, thành lập ban điều hành với sự tham gia của các ngành liên quan ở xã và ban nhân dân thôn, ban công tác mặt trận thôn, hội đoàn thể, tổ trưởng tổ đoàn kết. Ban điều hành có nhiệm vụ theo dõi, nhắc nhở người dân bỏ rác đúng nơi quy định, chấm điểm thi đua, kịp thời biểu dương, động viên các tập thể, cá nhân làm tốt công tác bảo vệ môi trường...
Hiệu quả thiết thực
Xã Duy Tân là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện mô hình thu gom rác thải, xử lý chai lọ, bao bì đựng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng. Bà Hồ Thị Mỵ - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Duy Tân cho biết, để việc thu gom, xử lý rác thải đem lại hiệu quả, địa phương chọn thôn Thu Bồn Đông làm điểm bởi nơi đây thường xuyên xảy ra tình trạng vứt bừa bãi các loại rác thải. Theo đó, lãnh đạo thôn này tổ chức quán triệt sâu rộng trong nhân dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, kết hợp với việc phát động người dân ra quân thu gom chai lọ, bao bì đựng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trên khắp đồng ruộng. Đồng thời, vận động nhân dân đóng góp kinh phí đúc 28 cái hố bi bằng bê tông đặt trên các tuyến giao thông nội đồng, kênh mương để đựng bao bì, chai lọ thuốc trừ sâu. Định kỳ vào ngày thứ Bảy hằng tuần tổ thu gom rác thải của thôn đến đưa về nơi tập kết để xử lý. Ông Thái Văn Thiên – một người dân thôn Thu Bồn Đông bày tỏ: “Tôi thấy mô hình thu gom và xử lý rác thải mang lại hiệu quả hết sức thiết thực. Những cánh đồng lúa, hoa màu sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, ý thức người dân về vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng nâng cao. Bây giờ, hễ ai ra đồng thấy bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật cũng đều tự giác nhặt bỏ vào đúng nơi quy định”.
Theo lãnh đạo huyện Duy Xuyên, sau 3 năm triển khai mô hình dân vận về thu gom, xử lý rác thải, đến nay đã có 12/14 xã, thị trấn và 10 điểm chợ thực hiện, 2 xã còn lại là Duy Nghĩa và Duy Thành đang gấp rút tiến hành. Các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, trường học nằm trên tuyến đường Nam Phước – Mỹ Sơn và Nam Phước - Bàn Thạch có xe thu gom rác đi qua nên đã giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường. Ngoài 2 xã điểm Duy Tân và Duy Trinh tổ chức thực hiện rất thành công, nhiều địa phương khác cũng có 100% khu dân cư xây dựng mô hình thu gom, xử lý rác thải tốt như xã Duy Phước, Duy Sơn, thị trấn Nam Phước. Trong năm đầu tiên triển khai, toàn huyện thu gom, xử lý hơn 7 nghìn tấn rác thải thì đến nay đã tăng lên 12 nghìn tấn.
Mô hình thu gom, xử lý rác thải ở Duy Xuyên đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, từng bước đưa công tác bảo vệ môi trường trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng. Việc nhân rộng mô hình này ra các địa phương khác là hết sức cần thiết đối với Quảng Nam trên tiến trình xây dựng nông thôn mới.
VĂN SỰ - PHI THÀNH