Thu hút phát triển công nghiệp nông thôn

TRUNG LỘ 10/09/2014 12:38

Thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư về nông thôn là “chìa khóa” để tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn nhằm giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, để thu hút DN về khu vực này, chính quyền địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là việc triển khai kịp thời, có hiệu quả những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư cho DN. 

Giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành - Quảng Nam giải quyết việc làm cho 700 lao động địa phương.
Giai đoạn 1 nhà máy xi măng Xuân Thành - Quảng Nam giải quyết việc làm cho 700 lao động địa phương.

Nhiều DN tiên phong

Những năm gần đây, Quảng Nam có chủ trương vận động các DN đầu tư về nông thôn để tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động ở địa phương. Đi tiên phong trong cuộc vận động này phải kể đến Công ty Dệt may Tấn Minh (trụ sở ở TP.Hồ Chí Minh). Ông Lê Trung Hoan - Chủ tịch HĐTV Công ty Dệt may Tấn Minh là người con quê hương Quảng Nam, từ lâu ấp ủ trở về quê dựng nghiệp. Ông Hoan cho biết, trước đây công ty có 2 nhà máy may đặt ở quận Tân Bình và huyện Hóc Môn (TP.Hồ Chí Minh) với gần 1.000 lao động, chủ yếu là lao động người Quảng. Hằng năm, mỗi độ tết đến xuân về, công ty phải thuê 8 - 10 xe khách chở công nhân về quê ăn tết và sau đó phải thuê xe đón công nhân vào làm việc, gây tốn chi phí và vất vả cho người lao động. Trong những chuyến trở về quê, ông Hoan luôn tiện tìm hiểu, khảo sát địa điểm để lập dự án đầu tư; đặc biệt được chính quyền địa phương hết sức ủng hộ. Từ năm 2007, Công ty Dệt may Tấn Minh đầu tư xây dựng nhà máy may xuất khẩu đầu tiên đặt tên Xí nghiệp May Ánh Sáng 1 tại Cụm công nghiệp (CCN) Lang Châu Nam (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên), bước đầu giải quyết việc làm cho 200 lao động địa phương. Đến nay, sau gần 7 năm hoạt động tại Quảng Nam, công ty đã đầu tư đến 7 nhà máy may xuất khẩu rải khắp các huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình..., giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động địa phương.   

Cải thiện môi trường đầu tư để thu hút DN về nông thôn

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, để được hỗ trợ đầu tư và hưởng ưu đãi khi đầu tư về nông thôn, DN phải xây dựng vùng nguyên liệu, có hợp đồng liên kết sản xuất nguyên liệu ổn định với người dân sẽ được ưu tiên xem xét ưu đãi, hỗ trợ đầu tư. Trong cùng một thời gian, nếu DN có dự án đầu tư được hưởng nhiều mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư khác nhau thì được lựa chọn áp dụng mức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư có lợi nhất.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết thêm, trong những năm đến, Quảng Nam sẽ tiếp tục tăng cường ưu đãi, cải thiện môi trường thông thoáng để thu hút nhiều DN đầu tư về nông thôn; từng bước hoàn thiện các chính sách và tháo gỡ những rào cản hiện nay mà DN đang gặp phải... để tạo môi trường đầu tư cạnh tranh lành mạnh cho DN yên tâm đầu tư và phát triển.

Gần đây nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh đã tiến hành quy hoạch và tập trung đầu tư rừng trồng, hình thành các vùng nguyên liệu để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Nhiều làng quê nghèo thuộc Hiệp Đức, Nam Giang, Tây Giang, Nông Sơn, Núi Thành, Tiên Phước... dần đổi thay bởi rừng cây cao su, keo lai đang cho giá trị kinh tế cao. Việc hình thành các vùng rừng nguyên liệu tập trung đã tạo động lực cho nhiều công ty ươm giống, các nhà máy chế biến mủ, lâm sản ra đời, giải quyết nhiều lao động địa phương. Cùng với nhà máy chế biến mủ cao su Sông Trà do Tập đoàn Cao su Việt Nam đầu tư với công suất 1.000 tấn/năm, nhà máy xi măng Xuân Thành - Quảng Nam do Tập đoàn Xuân Thành vừa đầu tư ở Nam Giang với công suất 2 triệu tấn/năm (giai đoạn 1) đã giải quyết việc làm cho 700 lao động địa phương. Gần đây đã có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến gỗ có quy mô lớn đầu tư ở nhiều huyện miền núi, tạo đột phá trong phát triển kinh tế rừng. Riêng sản xuất chế biến băm dăm gỗ và sản xuất ván ép đã lên đến 20 nhà máy, được đầu tư quy mô lớn, bước đầu đã giải quyết nhiều lao động và tạo đà cho sự phát triển công nghiệp chế biến lâm sản ở địa phương.

Tạo nguồn lực cho nông thôn

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu, đưa DN về nông thôn là một trong những cách tốt nhất để huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới. Do vậy, để thu hút và khuyến khích các DN đầu tư về nông thôn, thời gian qua các cấp, ngành từ tỉnh đến huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư, trong đó ưu tiên các chính sách về đất đai, hỗ trợ sau đầu tư. Chỉ tính trong vòng 10 năm (2003 - 2013), Quảng Nam đã đầu tư hơn 125 tỷ đồng để triển khai quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các CCN. Toàn tỉnh hiện có 51/108 CCN được đầu tư kết cấu hạ tầng và thu hút 150 dự án đầu tư sản xuất ở vùng nông thôn, với tổng vốn đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 40.000 lao động địa phương. Sự ra đời của nhiều DN ở vùng nông thôn đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế ở địa phương. Nhờ đó, kinh tế nông thôn phát triển theo hướng đa dạng hóa ngành nghề, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm sản xuất thuần nông. Theo đó, cơ cấu kinh tế nông thôn có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm từ 22,4% (năm 2010) xuống còn 17,2% (năm 2013); tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ từ 78,6% (năm 2010) tăng lên 82,8% (năm 2013). Bình quân giá trị sản xuất công nghiệp trong 3 năm (2010 - 2013) tăng 20%.

Tuy nhiên, các DN sản xuất ở nông thôn đang gặp không ít khó khăn bởi chủ yếu là quy mô nhỏ, công nghệ và thiết bị chưa đáp ứng yêu cầu, những sản phẩm sản xuất chủ yếu dưới dạng thô, đơn giản, chưa có sức cạnh tranh trên thị trường. Tại các CCN, thời gian qua chính quyền địa phương đã tìm nhiều giải pháp thu hút DN, nhưng thu hút xong lại thiếu sự kết nối giữa chính các DN trong cụm với nhau, vì vậy sự hỗ trợ giữa các DN chưa được phát huy, chưa tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Còn một khó khăn khác mà hầu hết DN khi hoạt động sản xuất trong các CCN gặp phải là cơ sở hạ tầng của các CCN chưa đồng bộ. Đây cũng là trở ngại lớn của các DN hiện nay khiến họ chưa mặn mà đầu tư sản xuất kinh doanh tại các CCN. Điều đó đòi hỏi chính quyền địa phương cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nhất là việc triển khai kịp thời, có hiệu quả những cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư.

TRUNG LỘ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thu hút phát triển công nghiệp nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO