Thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở

THIÊN NGÂN - HỒNG CƯỜNG 25/10/2016 09:01

Khắc phục khó khăn, những thủ lĩnh thanh niên vẫn bám cơ sở để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, sở thích,… của đoàn viên - thanh niên (ĐVTN). Từ đó có nhiều cách làm hiệu quả, sát thực, xứng đáng là thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở.

Chị Trần Thị Minh Tuyền (thứ 2 bên trái )được tuyên dương phụ nữ “2 giỏi” cấp tỉnh. Ảnh: H.C
Chị Trần Thị Minh Tuyền (thứ 2 bên trái) được tuyên dương phụ nữ “2 giỏi” cấp tỉnh. Ảnh: H.C

1.  Nữ thủ lĩnh Trần Thị Minh Tuyền - Bí thư Đoàn xã Tam Anh Bắc, Núi Thành luôn cố gắng hài hòa công việc được giao để đảm bảo vẹn toàn chăm lo gia đình. Tuyền chia sẻ: “Làm cán bộ đoàn cơ sở phải tìm tòi sáng tạo xây dựng nhiều mô hình thiết thực, quan tâm đến đời sống, nhu cầu của ĐVTN mới biết họ cần gì để giúp đỡ. Điều quan trọng của người cán bộ đoàn là sự nhiệt tình, năng nổ, biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình và công tác xã hội, gương mẫu trong cuộc sống thì ĐVTN mới tin tưởng hăng hái tham gia phong trào do đoàn phát động”.

So với nam giới, cán bộ nữ chuyên trách công tác đoàn thường gặp nhiều khó khăn khi bước vào độ tuổi xây dựng gia đình. Với Tuyền, thời kỳ mang thai và nuôi con nhỏ là khoảng thời gian thật sự khó khăn, bởi đặc thù công việc luôn đi sớm về muộn. Tuyền chia sẻ: “Những tháng thứ 7, thứ 8 của thai kỳ việc đi lại đã rất khó khăn, nhưng thời gian đó trùng với dịp kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn. Nhiều buổi tối, tôi vẫn xuống tham gia hoạt động cùng anh em. Sự thành công của các chương trình khiến bản thân quên đi cảm giác mệt mỏi, đồng thời đó là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu, theo đuổi đam mê hoạt động đoàn”. Cũng theo chia sẻ của chị Tuyền, khi mới tham gia công tác đoàn chị gặp rất nhiều khó khăn khi đi làm một công việc mà người ta vẫn thường hay nói là “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”. Nhưng với sự nhiệt tình và tận tâm của mình chị đã dần thuyết phục được chồng để tham gia phong trào ở địa phương. Anh Trần Đức - chồng chị Tuyền nói: “Chung sống với nhau, hiểu và cảm thông với công việc của vợ, bản thân tôi bây giờ luôn chia sẻ, động viên vợ khi công việc có nhiều áp lực. Đồng thời giúp đỡ nhau trong công việc gia đình, tạo điều kiện để vợ yên tâm làm tốt nhiệm vụ của mình”.

Những năm gần đây, chị Tuyền đã cùng tập thể Ban Chấp hành Đoàn xã đưa công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của địa phương từng bước đi lên. Chị luôn chú trọng công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên trên địa bàn, đặc biệt là việc quan tâm giúp đỡ, cảm hóa và “đón nhận” những thanh niên chậm tiến, lầm lỗi, đưa họ trở về cộng đồng, xã hội. Bằng hình thức duy trì tổ chức sinh hoạt thường xuyên các câu lạc bộ, đội nhóm như câu lạc bộ kỹ năng và công tác xã hội, nhóm tuyên truyền ca khúc cách mạng,… đã gắn kết, đưa thanh niên đến với tổ chức đoàn ngày càng nhiều. Phó Bí thư Huyện đoàn Núi Thành - Bùi Như Diệu nhận xét: “Bí thư Đoàn xã Tam Anh Bắc - Trần Thị Minh Tuyền là điển hình trong công tác đoàn với nhiều sáng kiến đã thổi luồng gió mới cho hoạt động đoàn của địa phương nói riêng và toàn huyện nói chung. Từ những mô hình này, nhiều cơ sở đoàn đã học tập làm theo và thực sự phát huy hiệu quả”.

2. Mới đây chúng tôi có chuyến công tác về huyện biên giới Nam Giang. Từ con đường Hồ Chí Minh, đến thị trấn Thạnh Mỹ đi theo quốc lộ 14D thêm một quãng rồi rẽ vào đường đất, đi 27km nữa là đến Chơ Chun. Từ đó tiếp tục vượt hơn 20km đường núi hiểm trở mới đến được thôn Côn Zốt, nơi ĐVTN đang tập trung thực hiện công trình làm đường cho dân bản. Con đường này thường xuyên bị sạt lở nên trước mùa mưa lũ hàng năm Đoàn xã đều huy động thanh niên địa phương ra quân sửa chữa. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để đến tận cơ sở tham gia các hoạt động tình nguyện xã hội vì cộng đồng cũng không phải chuyện đơn giản. Anh Lang Thái Hậu, cán bộ thường trực Huyện đoàn Nam Giang, chia sẻ: “Từ trung tâm huyện đi về cơ sở nơi xa nhất cách cả trăm cây số, đường nhiều đèo dốc nguy hiểm. Vì thế khi đi công tác, tụi mình luôn mang theo các dụng cụ như xích, bơm, miếng vá, dụng cụ sửa xe để đề phòng sự cố giữa đường”.

Anh Pơloong Sư trong một đợt tình nguyện về cơ sở.Ảnh: T.N
Anh Pơloong Sư trong một đợt tình nguyện về cơ sở.Ảnh: T.N

Cán bộ đoàn vùng cao phải thường xuyên vượt qua đường sá xa xôi, hiểm trở để đến các bản làng tiếp xúc, tìm hiểu nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của thanh niên. Chặng đường về bản vô cùng khó khăn, nhưng với họ, mỗi lần đến với đồng bào là một cuộc trải nghiệm. Anh Pơloong Sư - Phó Bí thư Đoàn xã Chơ Chun tâm sự: “Vào mùa mưa, đường sá đi lại khó khăn nhưng khi có việc là chúng tôi sẵn sàng lên đường. Rồi khi có các đoàn tình nguyện dưới xuôi lên vùng cao chia sẻ khó khăn, chúng tôi đều tiếp đón, hỗ trợ hết sức chu đáo”.

Do địa hình dàn trải, dân cư phân bố thưa thớt, nên ở miền núi từ làng này sang làng khác có khi phải mất cả buổi đi đường. “Có lần đi công tác tại thôn A Sò, thời điểm mùa đông mưa dài ngày, anh em phải chống gậy, lội bộ hơn 4 giờ mới đến thôn. Làm việc xong, còn phải cùng anh em đến tận nhà thanh niên nghèo, nắm bắt tâm tư, tình cảm và nguyện vọng để định hướng tư tưởng. Nhiều lần phải ngủ lại đêm vì đi từ thôn này qua thôn kia là quãng đường rất xa. Có đợt phải ngủ lại ở nhà dân một hai tối” - anh Pơloong Sư kể. Đi đường vất vả là thế, nhưng việc tuyên truyền các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho thanh niên hiểu còn khó hơn. “Trình độ nhận thức của thanh niên trên này còn hạn chế. Nếu cứ làm như ở dưới xuôi thì họ không tiếp thu được đâu” - anh Lang Thái Hậu nói. Anh Pơloong Sư góp thêm: “Phải lựa chọn những gì dễ nhất, cụ thể nhất và hợp với cách nghĩ, lối sống thì thanh niên mới hiểu và tiếp thu được”.

THIÊN NGÂN - HỒNG CƯỜNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủ lĩnh thanh niên ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO