Mới đây một vài thành phố lớn ở nước ta đã có những đề án về việc xây dựng những “đô thị thông minh” mà ở đó khung vấn đề cốt yếu là: “chính quyền điện tử”, các lĩnh vực quy hoạch, giao thông, y tế, dịch vụ phục vụ dân sinh, an ninh công cộng, nước sinh hoạt, nước thải, xây dựng, môi trường sống, năng lượng, giáo dục đào tạo, thanh toán - tài chính, nông nghiệp, truyền thông… tất cả đều thông minh, hoàn hảo, ích dụng tối đa.
Ảnh minh họa. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Có người cho rằng đó là những ý tưởng “đột phá”, “táo bạo” nhưng cũng có ý cho rằng hơi “ảo tưởng” trong một nền cảnh thực tế như ở các đô thị hiện tại với bao vấn đề còn “bất cập”… Có thể khi khoa học và công nghệ phát triển đến một mức nào đó, thị dân sẽ dễ dàng có những điều kiện vật chất, máy móc, thiết bị, vật tư để hiện đại hóa đời sống đô thị, thế nhưng vấn đề cốt tử vẫn là - mượn ý của một triết gia - tinh thần “minh mẫn” của cư dân đô thị trong một “kết cấu hạ tầng” (cơ thể) đô thị cường tráng.
Cư dân các đô thị văn minh luôn có ý thức thượng tôn pháp luật (điều mà ở ta thường “thiếu vắng”), thứ đến là ý thức trọng thị người khác với tinh thần nhân văn trong sáng, vô tư. Không thiếu những câu chuyện “lạ” với người xứ ta như các món đồ bỏ quên trong quán xá, trong công viên, hai ba ngày sau vẫn còn nguyên, nếu món đồ quý sẽ có người đem giao cho các cơ quan hữu trách để có cơ hội hoàn lại cho chính chủ. Một biểu hiện đáng nể của thị dân văn minh là ý thức giúp đỡ đồng loại khi đồng loại rơi vào tình thế khó khăn, nguy hiểm. Anh tài xế xe tải Phan Văn Bắc ở Lâm Đồng qua hành động dùng xe làm “lá chắn” cho chiếc xe khách mất phanh trên đèo Bảo Lộc xứng đáng là một thị dân văn minh. Điều mà cư dân đô thị ở xứ ta thấy “quá lạ”(!).
Trở lại với thị dân ở ta thì ngoài việc “suy dinh dưỡng” về ý thức thượng tôn pháp luật, ý thức trọng thị, giúp đỡ người khác… còn là những căn bệnh trầm kha của thời @. Người viết bài này xin mạo muội “chẩn” vài căn bệnh.
Đầu tiên là căn bệnh thích bêu riếu, chê bai mọi sự rồi “bàn ra” mọi sự. Thấy người khác giỏi về chuyên môn thì chê người ta yếu về quản lý và ngược lại. Nhiều khi việc chê tất tần tật mọi sự là biểu hiện của bệnh “ghen ăn tức ở” của người bất tài, bất lực. Căn bệnh này gần với căn bệnh đa nhân cách của người bệnh tâm thần thể hoang tưởng mà báo giới hay cư dân mạng hay “gán” cho những cái tên như “anh hùng bàn phím” hay hạng “mục hạ vô nhân” (thấy ngoài mình chẳng có ai…). Những người như vậy, khi căn bệnh “tự kỷ” đã ủ bệnh sẽ dễ phát tán thành những căn bệnh khác khó chữa hơn
Thứ đến là căn bệnh “sĩ hão”- căn bệnh mà thời kỳ đổi mới nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã đề cập với vở kịch cùng tên (vở “Bệnh sĩ”). Nhiều người do hoàn cảnh chiến tranh, nghèo khó không được học hành đến nơi đến chốn nhưng lại thăng tiến trong công việc vì nhờ cố chạy cho được một “học vị” tương xứng bằng cấp giả. Mới đây khi hầu tòa, ông Phạm Công Danh - chủ tịch tập đoàn Thiên Thanh - không lý giải được việc học ở trường nào để từ một người dở dang từ bậc trung học lại có bằng thạc sĩ nước ngoài về kinh tế. Lại có một lãnh đạo tỉnh nọ đi học tiến sĩ nước ngoài lại dẫn theo người phiên dịch tiếng Anh. Một nghịch lý là ở xứ ta chưa có một giáo dục đại học tổng quát (trước khi người học chọn chuyên ngành), vì thế nhiều người chọn học hai, ba bằng đại học, chỉ để cho “oai” chứ chẳng dùng vào việc chi cả. Đã có không ít người có bằng đại học do “học đại” (vì có đến lớp nhưng bài nhờ người khác làm, người khác thi)… Những thị dân “bệnh sĩ” sẽ lây nhiễm “vi rút dối trá” - một ca khó cho văn minh đô thị.
Từ bệnh sĩ đến căn bệnh sính ngoại, sùng ngoại. Bệnh này phổ biến ở hầu hết lĩnh vực của đời sống như câu lục bát vỉa hè “trai thời tóc nhuộm đỏ, xanh/ gái thời phơi ngực phơi mông ngoài đường”. Lối sống sùng ngoại, bắt chước tất tần tật hay dở của người nước ngoài chắc chắn sẽ làm mất bản sắc văn hóa địa phương, dân tộc trong văn hóa đô thị. Liệu có xây dựng được một đô thị thông minh mà “không bản sắc”(?).
Căn bệnh “chơi trội” mới thật là lãng phí. Nhiều đại gia mua đất cất nhà chỉ “để chơi” (vì chỉ đến đôi, ba ngày để nghỉ, để “nhậu” với bạn bè, người thân), nhiều dự án, sự kiện chỉ hướng đến “ghi danh vào sách kỷ lục ghi-nét” bởi sự “hoành tráng” nhất, to nhất, lớn nhất, nhiều người nhất… bất chấp hệ lụy tiền nong, công sức của cộng đồng phung phí. Nhìn vào các buổi tiệc tùng xa hoa, lãng phí của các đại gia rồi nghĩ đến những bữa ăn thiếu thịt, cá của các học trò nhỏ tuổi vùng cao mà chạnh lòng. Liệu có một đô thị thông minh mà thiếu vắng tình người(?).
Tâm lý “chơi trội” này đã được Thomas More viết trong tác phẩm “Utopia” cách đây 500 năm, rằng “chính lòng ngạo mạn đã khiến ta xét đoán sự thịnh vượng không phải bằng những gì ta có mà bằng những gì người khác không có. Ngạo mạn sẽ không chịu đặt chân vào thiên đàng nếu nó nghĩ rằng ở đó không có những giai cấp kém đặc quyền đặc lợi hơn để nó có thể vênh vang, sai phái, không có ai khốn khó để tô điểm cho hạnh phúc riêng của nó được lộng lẫy hơn”.
Liệu có một đô thị thông minh khi thị dân toàn là người thích “chơi trội” kiểu trọc phú(?).
PHÙNG TẤN ĐÔNG