Trong số 30 phó chủ tịch xã thuộc thế hệ thứ 4 của Dự án 600 của tỉnh có 2 người được
Quê ở Bắc Trà My, Hồ Văn Tịnh (SN 1986, tốt nghiệp Đại học Kinh tế Huế), về công tác tại huyện Tây Giang năm 2010. Khi có thông tin về Dự án 600, Tịnh đăng ký ngay. Anh tâm sự: “Mình sinh ra ở gia đình làm nông, bố là người Ca Dong, mẹ là người Co. Nhà có sáu anh chị em quanh năm đầu tắt mặt tối nên mình thấu hiểu nỗi khổ cực của bà con miền núi và muốn giúp họ thoát nghèo”. Chính vì lý do đó mà Tịnh đã nộp hồ sơ cho Dự án 600 để được thử sức mình. Anh cùng với 29 tri thức trẻ khác của tỉnh được gửi đi học tại Đà Lạt và được phân công về làm Phó Chủ tịch UBND xã Dang từ tháng 3.2012.
Hồ Văn Tịnh nhận Kỷ niệm chương trong Lễ kỷ niệm 82 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Xã Dang là một trong những địa phương khó khăn của huyện Tây Giang, đời sống của người dân chủ yếu trông chờ vào rẫy bắp, lúa. Giao thông đi lại rất khó khăn, từ xã đến huyện có 23km nhưng phải đi mất hơn một tiếng, từ xã đến thôn có nơi phải đi mất hơn 3 – 4 tiếng, trời nắng có thể đi được, nhưng mưa thì thường xuyên tắc đường. Như hầu hết cán bộ trẻ được chọn tăng cường về làm phó chủ tịch xã, ban đầu Tịnh cũng gặp khó như bất đồng về ngôn ngữ, chưa nắm rõ tình hình của địa phương cũng như cách thức làm việc ở một vị trí mới. Lúc mới đảm nhận nhiệm vụ anh lại được phân công phụ trách mảng văn hóa-xã hội, trái với khối ngành kinh tế được học. Tuy nhiên, anh cho biết lợi thế của bản thân chính là nhờ đã có gần 3 năm công tác ở Phòng Nội vụ, đã đi thực tế ở xã Dang nên… nắm sơ qua tình hình của xã. Lợi thế nữa, theo Tịnh, vợ anh - chị Bríu Ny (giáo viên mầm non) là người Cơ Tu nên đã dạy anh biết một ít tiếng đồng bào Cơ Tu. Anh kể: “Lúc mới tới xã Dang, khi họp dân, mình có trình bày với bà con về hoàn cảnh xuất thân, mình nói bằng tiếng Cơ Tu cho bà con biết mình là rể của đồng bào Cơ Tu, mình rất muốn được về xã Dang giúp đỡ bà con làm ăn…”. Từ phút đầu “lấy lòng” ấy, tranh thủ những lúc rảnh rỗi, anh đến một số gia đình nắm thêm thông tin cuộc sống, hay tìm hiểu từ các cán bộ của xã để hiểu hơn về đời sống của bà con…
Nhiều cán bộ xã Dang, đặc biệt là cán bộ là người Cơ Tu chưa có điều kiện để tiếp cận internet, trong khi hiện nay hầu như công việc, thông tin đều truyền qua mail, thư điện tử… Trước tình hình đó, anh Tịnh liên hệ với Trung tâm Viettel để bắt sóng wi-fi cho UBND xã Dang. Đây là trung tâm hành chính cấp xã đầu tiên ở huyện Tây Giang có sóng wi-fi. Từ ngày lắp đặt wifi, anh tranh thủ lúc rảnh rỗi chỉ dạy thêm cho các cán bộ địa phương mở rộng tiếp cận mạng. Ngoài ra, Tịnh cho biết đang ấp ủ nhiều dự định giúp đồng bào cải thiện đời sống. Hiện anh cùng tập thể cán bộ xã quyết tâm mở rộng diện tích trồng cao su trên địa bàn để giúp người dân thoát nghèo... “Sau thời gian công tác ở xã Dang theo sự phân bổ của Dự án 600, tôi thấy mình trưởng thành lên rất nhiều. Tôi chỉ mong mình có thể đem những kiến thức đã học được để giúp bà con địa phương cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu” - anh tâm sự.
Thiên Xuân