(QNO) - Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, đây là yêu cầu cương quyết. Nhất là vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistic, vận tải biển…
Thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tạo sự minh bạch. |
Theo thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đưa ra tại họp báo Chính phủ ngày 3/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2017 diễn ra cùng ngày có chuyên đề giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, cả chi phí chính thức và không chính thức do Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo.
Trong đó có các giải pháp giảm chi phí đường bộ qua trạm BOT, giảm phí hạ tầng công cộng, khu vực cảng như báo cáo Bộ Tài chính đề xuất, giảm tỉ lệ lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành khi thông quan từ 30-35% xuống còn 15% khi xuất nhập khẩu.
Hiện nay còn 5.719 thủ tục, giấy phép của các bộ ngành. Như vậy, còn số lượng rất lớn thủ tục các bộ chuyên ngành kiểm tra tại cửa khẩu.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng sẽ rà soát lại toàn bộ thủ tục và giảm thủ tục. Có những bộ có tới 220 giấy phép, nhất là Bộ Công Thương. Bộ ít nhất cũng còn 106 giấy phép là Bộ Xây dựng. Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát toàn bộ phí, lệ phí thủ tục hải quan, thuế theo luật định. Bộ KH&ĐT rà soát lại toàn bộ thủ tục liên quan đến tiếp cận, giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, tiếp cận đất đai, tiếp cận thông tin, chí phí phát sinh để làm các thủ tục”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Chinhphu.vn. |
Cùng đó, Thủ tướng cũng chỉ đạo cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán qua ngân hàng, đây là yêu cầu cương quyết. Nhất là vấn đề cải cách trong đăng ký thành lập doanh nghiệp, chi phí logistic, vận tải biển, đặc biệt là chi phí, hiện tượng chênh lệch giá hãng tàu.
Đối với những chi phí không chính thức, cần nhiều biện pháp, đặc biệt là công khai, minh bạch, chỉ đạo tập trung ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu và các cơ quan đơn vị được giao. Đối với tiếp cận dịch vụ công như đăng ký kinh doanh, đăng ký thương hiệu, khai báo thuế hải quan, những chi phí này đang có xu hướng giảm nhưng giảm rất chậm và yêu cầu của doanh nghiệp là phải giảm nhiều hơn nữa.
“Vấn đề thẩm quyền giảm chi phí cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Tài chính và các bộ, trách nhiệm của hội đồng nhân dân các cấp, cần phải quyết liệt giảm chi phí đầu vào cả chính thức và không chính thức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Theo ictnews.vn