(QNO) - Sáng 28.9, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng nêu rõ định hướng xây dựng tỉnh Quảng Nam thành một mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ.
Thủ tướng biểu dương Quảng Nam từ một tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách Trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Vượt khó vươn lên
Báo cáo kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho biết, 9 tháng qua, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 12%. Thu ngân sách đạt 100% kế hoạch, với gần 12.460 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ và đã đạt 90% dự toán. Hoạt động du lịch tăng khá, tổng lượt khách tham quan và lưu trú đạt 3,4 triệu lượt, tăng gần 17% so với cùng kỳ. Theo ông Đinh Văn Thu, trong thời kỳ ổn định ngân sách năm 2011 - 2016, Quảng Nam là địa phương nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương, riêng năm 2016 được nhận trợ cấp 2.230 tỷ đồng. Năm 2017, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới 2017 - 2020, theo số kiểm tra của Bộ Tài chính và thu - chi ngân sách thì Quảng Nam sẽ vào nhóm các tỉnh có thể điều tiết, đóng góp cho ngân sách trung ương.
Quảng Nam có nguồn thu từ Nhà máy ô tô Chu Lai - Trường Hải, chiếm trên 60% thu nội địa. Năm 2017, xu hướng số lượng xe tiêu thụ tăng lên nhưng chủ yếu là nhập khẩu, trong khi địa bàn Quảng Nam rộng và phân tán (toàn tỉnh có 9 huyện miền núi, 6 huyện đang hưởng chính sách 30a, 30b), cơ sở hạ tầng kinh tế, an sinh xã hội còn yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, đối tượng chính sách, người có công với cách mạng rất nhiều, do đó nhu cầu về nguồn lực đầu tư và chi trả các lĩnh vực trên rất lớn nên tỉnh sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc điều hành cân đối ngân sách không chỉ năm 2017 mà cả những năm tiếp theo.
Lãnh đạo tỉnh cũng cho biết, do hậu quả của biến đổi khí hậu, khu vực bờ biển Cửa Đại (Hội An) đã bị sạt lở nghiêm trọng, biển xâm thực sâu vào đất liền gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và thiệt hại đến du lịch. Sông Cổ Cò đang bị bồi lấp, làm giảm khả năng thoát lũ, gây ra các biến động thủy động lực cực đoan, ảnh hưởng đến cả vùng đông TP.Hội An, đặt các công trình di sản văn hóa đối diện nguy cơ xuống cấp, sập đổ khi có lũ quét, ngập lụt kéo dài. Tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ trong việc nạo vét thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò, bảo vệ Đô thị cổ Hội An, chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An, kè chống sạt lở, nạo vét thoát lũ thích ứng biến đổi khí hậu hệ thống sông Bàn Thạch, sông Tam Kỳ, kè chống sạt lở bờ tây sông Vu Gia…
Thủ tướng làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cần “những quả đấm thép”
Thủ tướng cho rằng thời gian qua, Quảng Nam có sự phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại. Nhiều lĩnh vực mũi nhọn được tập trung chỉ đạo, đạt kết quả tốt, đặc biệt là du lịch, cơ khí, phát triển hạ tầng. Đời sống nhân dân được nâng cao, nhất là đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Thủ tướng biểu dương Quảng Nam từ một tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương đến 75% thì nay đã tự cân đối và từ năm 2017, bắt đầu điều tiết, đóng góp cho ngân sách trung ương. “Thay mặt Chính phủ, tôi biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu một số bất cập như tỷ lệ hộ nghèo của Quảng Nam còn cao, số lượng doanh nghiệp hoạt động còn thấp, bình quân 280 người dân mới có 1 doanh nghiệp. Tỷ lệ lao động trong nông nghiệp còn lớn. Cho rằng dự án đầu tư lớn là “quả đấm thép” tạo đột phá cho sự phát triển, Thủ tướng nêu rõ, số lượng dự án lớn của Quảng Nam còn ít và tỉnh cần có thêm “những quả đấm thép”. Công tác xúc tiến, quảng bá còn nhiều vấn đề đặt ra mà kém nhất là xúc tiến quảng bá du lịch trong bối cảnh Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch như có 2 di sản văn hóa thế giới, có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh…
Thủ tướng và các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Nam. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: xây dựng tỉnh Quảng Nam thành một mô hình phát triển nhanh, bền vững, toàn diện, cùng với Đà Nẵng, Quảng Ngãi trở thành trung tâm kinh tế của vùng Trung Trung Bộ. Muốn như vậy, tỉnh phải có nhiều nguồn lực, phải xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, đi trước đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tỉnh cần sáng tạo, chủ động trong phát triển. Quảng Nam phải tái cơ cấu nền kinh tế để lan tỏa sự phát triển toàn diện, tận dụng, khai thác mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Tập trung phát triển kinh tế biển, nhất là đánh bắt xa bờ.
Loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm
“Phát triển công nghiệp thì là công nghiệp gì? Công nghiệp mà ảnh hưởng đến môi trường thì chúng ta phải từ chối thôi, mà trước đây chúng ta đã từ chối một số dự án, rất đáng hoan nghênh. Nếu muốn phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì vấn đề bảo vệ môi trường càng cần phải đặt ra” - Thủ tướng nói. Nhất trí với nhận định du lịch là lĩnh vực mũi nhọn đối với sự phát triển của Quảng Nam, Thủ tướng nêu rõ “không thể để tình trạng du lịch là mũi nhọn mà chỉ đóng góp có 7 - 8% vào GDP mà phải đẩy lên hơn 10% GDP mới gọi là mũi nhọn”.
Gợi mở các giải pháp cụ thể, Thủ tướng nhấn mạnh, bộ máy lãnh đạo các cấp, nhất là cấp tỉnh, thành phố phải trách nhiệm, quyết liệt, dám nghĩ dám làm và làm việc ngày đêm vì nhân dân, vì tỉnh nhà. “Phải loại bỏ cán bộ làm việc cầm chừng, vô trách nhiệm” - Thủ tướng quán triệt tinh thần này đối với tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực. Định hướng quy hoạch, bảo vệ quy hoạch để không xung đột nhau, nhất là sản xuất công nghiệp và du lịch, bảo vệ môi trường. Phải có chương trình phát triển doanh nghiệp mạnh mẽ, gấp 2 - 3 lần số doanh nghiệp hiện nay. Tỉnh phải lấp đầy các khu kinh tế, cụm, khu công nghiệp. Yêu cầu tỉnh tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng quan trọng như cảng, sân bay, tuyến đường bộ, Thủ tướng giao Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và một số bộ, ngành liên quan tổ chức hội nghị chuyên đề để bàn về hệ thống hạ tầng này, coi đây là một nút thắt đối với sự phát triển của Quảng Nam. “Các đồng chí phải thấy rằng đóng góp cho ngân sách trung ương là niềm tự hào đối với Quảng Nam. Tôi từng nói với nhiều tỉnh rằng không thể để ngân sách trung ương trợ cấp mãi được. Cả nước chỉ có 13 tỉnh, thành phố đóng góp cho ngân sách trung ương thì làm sao ngân sách chịu nổi” - Thủ tướng bày tỏ và mong muốn các tỉnh, trong đó có Quảng Nam phải nỗ lực hơn nữa trong lĩnh vực này.
Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải tính toán, xây dựng quy trình vận hành hồ chứa để phục vụ chống hạn, nhiễm mặn, lũ lụt một cách chặt chẽ hơn; tiếp tục quan tâm chăm lo công tác an sinh xã hội, thực hiện tốt chính sách đối với người có công cách mạng. Về một số kiến nghị cụ thể của tỉnh, Thủ tướng nhất trí về chủ trương, giao các bộ, ngành chức năng xem xét, giải quyết.
Theo chinhphu.vn