(QNO) - Như một thói quen, tôi len lỏi tìm nơi góc khuất yên tĩnh ở quán café vườn nhỏ để thả hồn trong nắng sớm. Cơn gió chớm sáng tạt qua xào xạc cả một góc vườn yên tĩnh, bỗng đâu một vốc lá tre khô bay vòng vèo trong không trung rồi ghé xuống mặt bàn lọt đọt. Ồ! bây giờ ở cái làng quê mới lên phố này người ta trồng cả tre để làm cảnh cơ đấy.
Ngày ấy, tre làm gì được trồng ở quán café hay các nơi giải trí mà tự mọc theo rặng um tùm khắp làng trên xóm dưới. Tre mọc theo triền đê, mọc đầu cổng làng hay vòng tròn ôm lấy bờ ao, ngày đó tre là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Từ cái tăm, đôi đũa, cái cán cuốc, cán rựa hay cái quạt nan, chiếc chõng tre rồi cả mái nhà, tre luôn gắn bó, theo sát đời sống sinh hoạt của con người như hình với bóng. Rồi những trưa hè oi ả để mặc đàn bò gặm lá tre, đám trẻ con chúng tôi nằm dưới bóng rặng tre thả hồn theo con diều no gió.
Chợt giật mình nghĩ lại, những lũy tre theo tuổi thơ tôi ngày ấy đã bị đốn hạ mất rồi. Nhiều chỗ tre phải “bật gốc” vì nhường đất cho các dự án du lịch ven sông lại có những khóm tre bùi ngùi ngã xuống để mở đường dân sinh, đường tỉnh lộ đến đường cao tốc. Có chỗ, quỹ đất thổ cư đã cạn nên lấn dần những triền ruộng, bờ tre mà để tìm nơi xây dựng.
Con đường mòn ngày xưa đi học bây giờ đã vắng bóng dần những rặng tre, lưa thưa chỉ còn những khóm tre nhỏ mà vài gia đình trồng trước cổng nhà để tìm bóng mát và đón cơn gió. Những cột đèn đường bóng loáng, những ngôi nhà cao tầng mới xây đẹp mắt còn thơm mùi vữa mang một vẻ đẹp hiện đại nhưng trong tâm tưởng tôi vẫn thấy thiếu thiếu một chút gì đó, một chút nhớ, ngậm ngùi và man mác trong lòng cho một nét đẹp dần đi vào hoài niệm.
Rồi đây, những lũy tre sẽ còn tiếp tục dần biến mất theo quy luật phát triển tất yếu của xã hội. Dần dà con người không còn dùng tre cho các vật dụng sinh hoạt trong nhà nữa nữa nhưng tre vẫn mãi hiện hữu trong tâm khảm họ, tưới mát cho tâm hồn và vun vén cho những ngày tuổi thơ êm đềm gắn bó với làng mạc, lũy tre chỉ còn trong ký ức mà không bao giờ trở lại nữa.
QUỐC TUẤN