Thừa vốn, thiếu người vay

TRỊNH DŨNG 24/07/2013 09:11

Ngân hàng (NH) thừa vốn nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn khát vốn là nghịch lý chưa thể giải quyết. Nhiều cuộc gặp gỡ, họp bàn giữa chính quyền, DN và giới NH vẫn chưa tìm được lối ra.

Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại một ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Ngân hàng thừa vốn

Không khí tại các quầy giao dịch có vẻ “ảm đạm”, vắng vẻ hơn nhiều tháng trước diễn ra ở hầu hết NH. Đường cong lãi suất bắt đầu theo xu hướng huy động dài hạn sẽ cao hơn. Nhưng thực tế mức huy động đã giảm đến 5% khiến người gửi mất thêm nguồn lợi nên họ cân nhắc đầu tư vào đâu để sinh lãi hơn là gửi NH, còn DN thờ ơ đến NH vì khó tiếp cận vốn hoặc có DN dù chưa đến mức “không thể hấp thụ vốn” vẫn không muốn vay vì lãi suất vẫn còn khá cao so với lãi suất huy động của các NH. Kết quả là NH đang thừa vốn, tìm cách cho vay để đạt được tăng trưởng tín dụng 12%/năm nhưng vẫn không thể nào giải ngân theo đúng ý muốn. Tại nhiều NH, không chỉ nhân viên kinh doanh, ngay cả lãnh đạo cũng đi tiếp thị DN cho vay vốn nhưng đầu ra vẫn bế tắc. Câu hỏi vì sao NH thừa vốn, tìm nhiều cách để giải ngân nhằm đạt tăng trưởng tín dụng trong khi DN khát vốn vẫn khó tiếp cận… được đặt ra nhưng khó có câu trả lời cụ thể, cho dù theo NH Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam thì lãi suất cho vay cũng đã được các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm với quan điểm chia sẻ với DN và nền kinh tế.

Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định nhân tố quyết định sự biến động của lãi suất thời gian qua phụ thuộc vào phần lớn năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế gắn với tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức hợp lý. Nhưng, hơn 6 tháng qua, tốc độ giải ngân của hệ thống NH tại Quảng Nam vẫn ở mức thấp, bất chấp các hàng rào kiểm soát đã được dỡ bỏ phần lớn, kể cả việc không giới hạn tỷ trọng cho vay lĩnh vực không khuyến khích. Sự ế vốn của các NH thường được lý giải là nền kinh tế, DN đã kiệt quệ, không còn khả năng hấp thụ vốn. Theo nhiều nhà kinh tế, lý giải này đúng nhưng chưa đủ để tường minh. Lãi suất huy động trên thị trường thấp nhất hiện đã xuống dưới 6%, nhưng lãi suất vay thực tế vẫn còn cao. Theo công bố của NH Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam, tổng dư nợ nền kinh tế 6 tháng qua chỉ hơn 22.383 tỷ đồng và huy động chỉ đáp ứng khoảng 68,14% nhu cầu sử dụng vốn, nhưng lãi suất cho vay dưới 10% rất khiêm tốn. Hiện mức lãi suất của các NH đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, DN ứng dụng công nghệ cao) ở mức 9 - 10%/năm đối với vay ngắn hạn và 11 - 13%/năm đối với trung và dài hạn. Còn tất cả lãi suất cho vay kinh doanh đều ở mức từ 11 - 13% trở lên. Lãi suất cho vay thỏa thuận từ 14 - 15%/năm đối với vay ngắn hạn và từ 15 - 16%/năm đối vay trung và dài hạn áp dụng cho các khoản vay thấu chi, tiêu dùng. Con số này cho thấy lãi suất huy động thấp chỉ khiến người gửi tiền mất thêm nguồn lợi, ngoài ra không có tác động gì đến lãi suất đầu ra và độ chênh lệch giữa lãi vay và huy động vẫn còn quá lớn.
Lãi suất một lần nữa lại đi đường luẩn quẩn. NH ế vốn nhưng không thể hạ lãi suất. DN cần vốn nhưng không dám vay. Kết quả là sự trì trệ của cả nền kinh tế. Nếu như hiện tại tiếp diễn thì khả năng đạt tăng trưởng tín dụng 12% cho cả năm 2013 của các NH dường như là điều không thể.

Khó “san bằng” nghịch lý

Các NH khẳng định bí đầu ra và tìm mọi cách để cho vay, nhưng lại không chịu giảm lãi vay để đạt tăng trưởng tín dụng. Ông Nguyễn Quang Việt - Giám đốc NH Ngoại thương Quảng Nam cho rằng huy động vốn mà không cho vay thì NH chỉ có nước phá sản, nhưng DN không tiếp cận được vốn vay bởi NH cũng đã chặt chẽ hơn trong điều kiện cho vay. DN hội đủ các điều kiện thì sẽ được giải ngân. Tuy nhiên, vì lãi suất huy động trung bình của một số NH vẫn ở mức cao do vượt trần trước đó, dù muốn hay không cũng không thể hạ lãi suất đầu ra. Có NH lại vướng nợ xấu, có NH thì lại sợ nợ xấu nên nâng chuẩn cao hơn…

Ngân hàng ế vốn vẫn không tìm được đầu ra. (ảnh chỉ có tính minh họa)
Ngân hàng ế vốn vẫn không tìm được đầu ra. (ảnh chỉ có tính minh họa)

Giới DN đã từng kỳ vọng rất nhiều vào sự điều tiết của cơ quan quản lý sau nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền, DN và NH, nhưng kết quả vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Con số 5.500 DN trên địa bàn tỉnh đăng ký nhưng chỉ khoảng 2.700 DN đóng thuế theo danh sách của ngành thuế mới đây chứng tỏ số DN đã rơi rụng quá nhiều. Chính quyền thì khẳng định không thể để cho DN “chết”, yêu cầu NH cho các DN có dự án tốt, hiệu quả trong tương lai có cơ hội tiếp cận vốn. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang đề nghị các NH hãy nhìn thấy dự án tốt để có thể cho vay, cho họ tiếp cận và lãi suất vay cần hạ tương ứng với huy động. Nếu không cho vay nữa thì sản xuất sẽ đình đốn và số DN “chết” sẽ tiếp tục tăng lên. Nhưng tiếp cận vốn là phải có điều kiện. DN không còn khả năng thì không thể cho vay được.

Ngược với mong mỏi của DN, NH nói thừa tiền vẫn không thể hạ lãi suất cho vay thấp. Lý do NH luôn đưa ra rằng họ rất muốn cho vay mà vẫn không thể tìm đâu ra DN tốt để cho vay, bởi khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay rất kém. Ông Phạm Văn Quang - Giám đốc Công ty TNHH Đông Phương nói, hầu hết các NH đều ưu tiên vốn cho sản xuất, xuất khẩu, nhưng với mức lãi suất như hiện nay, chủ yếu là DN có tính toán được lợi nhuận để có đủ tiền trả lãi suất hay không thôi! Vì thế, nghịch lý NH thừa tiền, muốn đẩy mạnh tăng trưởng cuối năm, nhưng DN vẫn khát vốn vẫn là căn bệnh lưu cữu chưa thể tháo gỡ.

 Không biết có bao giờ NH nghĩ đến chuyện hy sinh lợi nhuận, giảm nhanh lãi suất cho vay, giúp DN tiêu thụ được sản phẩm và trụ lại được? Sự hỗ trợ thiết thực này sẽ giúp DN phục hồi, sống được và sẽ “nuôi” lại NH, bù đắp bằng lợi nhuận dài hạn ở tương lai. Còn nếu vẫn cứ điệp khúc gặp gỡ để “thanh minh”, giãi bày thì không thể giải quyết được vấn đề gì cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng chỉ có ý nghĩa thật sự khi DN với tay đến được đồng vốn lãi suất thấp và không hoặc tạm thời không còn ám ảnh bởi khoản nợ đang tồn tại. Nói thế không có nghĩa là để tạo cho DN có một bảng cân đối tài chính đẹp để đi vay mà thiết thực hơn là đồng cam cộng khổ cùng DN trong bối cảnh “thử lửa” khó khăn này để DN phục hồi tiếp tục sản xuất kinh doanh, làm ra lợi nhuận nộp ngân sách cũng như trả lãi NH. Vì vậy, tại sao không thể đặt ra vấn đề rằng các NH nên và phải mạnh dạn xóa, khoanh, dãn một phần nợ, đồng thời cho những DN có hàng tồn kho cao như xi măng, gạch ngói, sắt thép, dệt vải… vay lãi suất thấp để giúp họ tiêu thụ?

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thừa vốn, thiếu người vay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO