(QNO) - Nửa tháng cho ngày trở về, tôi nhận ra được nhiều điều từ các mối quan hệ ruột rà, đến tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê nhà. Chính sự trải nghiệm mà ba mẹ sắp xếp đã mang lại thức cảm mới cho chị em tôi - đó là thức cảm quê nhà.
Ba mẹ tôi rời Quảng Nam vào Sài Gòn lập nghiệp từ ngày mới cưới nhau. Chị em tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố năng động này, nên chưa từng ý thức sâu sắc về gốc gác của mình. Vài năm theo ba mẹ về quê một lần. Mỗi lần ở lại chưa tròn tuần lễ. Chứng kiến chú thím tôi lao động vất vả, các em con chú thì nhếch nhác, thú thật tôi cảm thấy mệt mỏi, chỉ muốn mau chóng quay trở vào Sài Gòn. Có lẽ điều mà chị em tôi khó chịu hơn cả là thỉnh thoảng chú gọi vào bảo: “ông tộc trưởng chết rồi, anh có đi đám không?”, “Nhà thờ tộc chuẩn bị sữa chữa, anh chuẩn bị đóng góp”, “Cây cầu trong xóm bị sập, sắp làm mới, anh ủng hộ quê nhà nhé”, “Con bà H. bị bệnh nặng, sắp đưa vào Sài Gòn chữa trị, anh nhớ tới thăm họ”... Một thời, mỗi lần nghe thế, chị em tôi phàn nàn “ba đâu còn sinh sống ngoài đó, mà chú cứ kêu gọi ba đóng góp hoài”.
Ba mẹ tôi ở Sài Gòn từng lăn lộn nhiều nghề. Cuộc mưu sinh dù vất vả, nhưng cũng đem lại nguồn thu nhập ổn định. Vì thế dù còn nhỏ, chúng tôi đã biết trân trọng đồng tiền ba mẹ khó nhọc kiếm được, nên hễ chú thím đề cập chuyện tiền bạc, chúng tôi luôn... dị ứng. Thế là chị em tôi bị ba mẹ la. Ba tôi nói rằng chú thông báo cho ba là để ba mẹ có dịp thể hiện tấm lòng với tổ tiên, dòng tộc, với bà con quê hương. Đành rằng ba ở xa, có thể “trốn” những lễ mễ, “phải không”, nhưng người ở quê còn vất vả hơn ba mẹ nhiều, mà tấm lòng của họ chẳng hẹp hòi với những chuyện ấy. Ba bảo, không phải cứ ở xa là mất gốc, mà gốc gác phải được duy trì từ đời này sang đời khác... Dù được đất và người Sài thành cưu mang, nhưng quê hương Quảng Nam luôn đau đáu trong nỗi niềm ba mẹ. Hơn 30 năm xa quê, nhưng ba mẹ tôi cứ ăn Quảng, uống Quảng, nói Quảng, tất tần tật đều Quảng.
Nhớ mùa mưa năm ngoái, khi nghe dự báo thời tiết Quảng Nam mưa kéo dài, ba tôi bảo thể nào cũng lụt. Ba gọi điện thoại cho chú, bảo chú ứng tiền mua giúp ba mấy chục thùng mì gói, rồi đến từng nhà trong xóm phân phát, gọi là chút tình của ba mẹ tôi gửi bà con. Tôi bảo chú ấy có tiền cho ba “ứng”, là chú ấy không còn nghèo nữa, sau này ba đừng lăn tăn về chú nhiều. Ba tôi bảo với mẹ “con bé ni lớn lên... chua lắm, chắc vợ chồng mình chẳng nhờ vả gì nó được đâu!”
Hè này, gia đình tôi về quê chơi dài ngày. Ba cố tình đưa chị em tôi về nhân mùa thu hoạch ớt, để chúng tôi có dịp trải nghiệm cuộc sống của chú thím và các em. Biết chú thím xưa nay vất vả, nay chứng kiến cảnh vào vụ, mới thấu cảm hết nhọc nhằn. Chúng tôi ăn trưa ngoài đồng nắng như đổ lửa, với thịt gà kho mà em Hằng bảo là “vào vụ mới được ăn sướng thế này đó chị!”. Chợt nhớ, chú thím thỉnh thoảng cho mấy con gà làm sẵn vào thùng xốp, vài búp chuối, thêm mấy con cá tươi Hội An gửi cho chúng tôi. Chú bảo khi nào thèm ăn gà vườn nhắn chú gửi vào. Nhưng từ lúc nghe Hằng nói vậy, tôi thấy thương chú thím và các em nhiều hơn. Tôi ra vườn sau bứt nắm lá nghệ, mang vào Sài Gòn kho cá đồng cho ba. Vòng ra trước sân, mấy nong ớt đang phơi, đỏ rực và hắt mùi cay nồng. Mai này thể nào chú cũng gửi vào cho ba mẹ tôi vài lon ớt bột nguyên chất, để dành kho cá, chợt thấy sống mũi cay xè. Tôi hiểu ra rằng, vì sao những ngày ở quê, ba mẹ tôi được hết nhà này tới nhà kia mời cơm, đon đả đón chào. Là vì ba mẹ sống có tình. Dù ở xa nhưng thông tin về làng quê luôn được “cập nhật” từ chú.
Về lại Sài Gòn, tôi cùng mẹ chọn mua mấy quyển sách hay, một số dụng cụ học tập gửi về quê cho các em nhân năm học mới. Hôm trước khi lên đường, mẹ tôi xoa đầu nhỏ Hằng và thằng Vinh “nhớ học giỏi, vào Sài Gòn học đại học, rồi ở với bác nhé”. Tôi thấy ánh mắt chú thím và hai em rạng ngời hẳn lên.
Nửa tháng cho ngày trở về, tôi nhận ra được nhiều điều từ các mối quan hệ ruột rà, đến tình làng nghĩa xóm, tình cảm quê nhà. Chính sự trải nghiệm mà ba mẹ sắp xếp đã mang lại thức cảm mới cho chị em tôi - đó là thức cảm quê nhà.
KHÁNH THI