Phát triển kinh tế gia đình và bình đẳng giới là một trong những mục tiêu của dự án “Phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới ở Campuchia, Đông Timor và Việt Nam tại Quảng Nam” (gọi tắt là dự án), do Tổ chức Hòa bình và phát triển Tây Ban Nha - PyD tài trợ được triển khai thực hiện gần 4 năm nay.
Vươn lên thoát nghèo
Chị Võ Thị Phương, ở tổ Ao Vuông 1, thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú (Duy Xuyên) vừa xuất bán đàn gà khoảng 100 con do chị nuôi trong hai tháng rưỡi qua. Trừ các chi phí, chị lãi 2,5 triệu đồng. Đây là đàn gà thứ 3 sau một năm kể từ khi chị Phương tham gia nhóm tín dụng phụ nữ xã và được vay 5 triệu đồng từ dự án. Chị Phương tâm sự: “Hoàn cảnh đơn thân lại nuôi con nhỏ nên gia đình tôi rất khó khăn. Nhờ nguồn vốn vay và được tập huấn kỹ thuật nên tôi có điều kiện nuôi gà để kiếm thêm thu nhập, từng bước ổn định kinh tế”. Cùng hoàn cảnh và được hỗ trợ vay vốn dự án PyD là bà Nguyễn Thị Kháng ở thôn Nhì Tây, xã Bình Lâm (Hiệp Đức). Bà Kháng đã vay 2 đợt, đợt một là 5 triệu đồng, đợt hai là 10 triệu đồng đầu tư nuôi heo, mua xe đạp, thu mua phế liệu. Buôn bán và chăn nuôi hỗ trợ nhau nên bà Kháng vừa đảm bảo việc trả gốc và lãi hằng tháng, vừa có tiền dành dụm trang trải trong cuộc sống gia đình.
Một buổi sinh hoạt lồng ghép giới tại nhóm tín dụng phụ nữ xã Phước Đức, huyện Phước Sơn.Ảnh: LPLN |
Bà Trương Thị Lộc - Trưởng ban quản lý Quỹ phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, đến nay đã có 1.397 hộ phụ nữ nghèo, cận nghèo như chị Phương, bà Kháng ở 10 xã triển khai dự án do PyD tài trợ được vay vốn để làm ăn, vươn lên thoát nghèo với tổng số tiền gần 11 tỷ đồng. Cùng với việc hỗ trợ vốn vay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức 80 lớp tập huấn về sản xuất kinh doanh, lồng ghép giới trong kinh doanh cho 2.400 lượt thành viên. Nhờ nguồn vốn này, các gia đình thành viên các nhóm tín dụng phụ nữ đầu tư chăn nuôi, phát triển các nghề truyền thống địa phương, mô hình kinh tế hộ. Đặc biệt là đầu tư cho chuỗi giá trị cây cói, sắn, keo, chăn nuôi, mở dịch vụ kinh doanh... để thoát nghèo bền vững, tăng hộ khá trên địa bàn dự án.
Thúc đẩy bình đẳng giới
“Mục tiêu của dự án phát triển kinh tế - xã hội có lồng ghép giới tại Quảng Nam là xóa đói giảm nghèo, can thiệp hỗ trợ nâng cao năng lực và trao quyền cho phụ nữ. Điểm nhấn của dự án là lồng ghép nội dung bình đẳng giới trong tất cả hoạt động phát triển kinh tế. Có rất nhiều sự can thiệp nhằm thay đổi tập quán, thói quen, quan niệm liên quan đến định kiến giới và bất bình đẳng giữa nam giới và phụ nữ. Dự án đã đạt được những thành tựu nhất định, đặc biệt là có một số lượng lớn phụ nữ tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, ưu tiên nữ dân tộc thiểu số. Cả nam và nữ đều được tham gia các hoạt động nâng cao thu nhập, tạo việc làm. Các hoạt động này hướng đến gia đình của họ và cộng đồng” (Bà Elena - Giám đốc PyD tại Việt Nam) |
Cùng với hỗ trợ vốn vay, từ năm 2011 đến nay, Hội LHPN tỉnh đã lồng ghép giới trong sinh hoạt nhóm tín dụng phụ nữ, gồm các nội dung về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức vai trò phụ nữ và nam giới trong bình đẳng giới... Nhờ đó, các ông chồng đã tự giác chia sẻ trách nhiệm với vợ trong việc sản xuất cũng như việc gia đình, nuôi dạy con cái. Anh Đặng Văn Đình - chồng chị Hồ Thị Nhung, ở thôn 1, xã Phước Đức (Phước Sơn) chia sẻ: “Vợ chồng tôi có 3 con, đứa đầu đi làm công nhân, đứa út vào mẫu giáo. Nhà có 2 sào ruộng thì vợ chủ công, còn tôi ở nhà nấu rượu, nuôi heo và chăm lo con cái. Tôi thấy việc nhà đàn ông cũng làm được. Vợ chồng thông cảm và chia sẻ cho nhau, đồng tâm hiệp lực chăm lo thì gia đình hạnh phúc”. Anh Dũ Ngọc Công, chồng chị Võ Thị Ly ở thôn Ngọc Sơn, xã Bình Lâm (Hiệp Đức) cho biết: “Khi tham gia nhóm tín dụng, vợ chồng tôi được vay vốn và được tập huấn kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, lồng ghép bình đẳng giới, chăm sóc nuôi dạy con, chia sẻ trách nhiệm trong gia đình. Tôi có sức khỏe hơn thì giúp vợ một tay công việc nhà. Lâu nay cũng bình thường chứ không nghĩ việc chăm lo gia đình, con cái là riêng của phụ nữ”.
Gần 4 năm qua, các hoạt động nâng cao nhận thức, kỹ năng về giới và bình đẳng giới được lồng ghép xuyên suốt trong các hoạt động của dự án. Bà Trương Thị Lộc - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh đánh giá: “Do hoạt động của dự án mang tính cộng đồng cao nên các gia đình đoàn kết cùng nhau phát triển sản xuất, chăm lo công việc nhằm cải thiện đời sống nên bạo lực gia đình giảm nhiều. Các gia đình ý thức hơn trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Dự án thúc đẩy công bằng giới, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, đề cao vai trò phụ nữ, góp phần tác động tích cực đến tình hình văn hóa, kinh tế - xã hội địa phương”.
LÊ PHƯỚC LAN NHI