Mặc dù đạt được một số kết quả trong thời gian qua, tuy nhiên khó khăn còn nhiều nên huyện Thăng Bình cần áp dụng đồng bộ các giải pháp thiết thực để triển khai hiệu quả hơn nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong thời gian đến.
Được và chưa được
Trong 5 năm qua, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình đã giải ngân 48,39 tỷ đồng, giúp 10.672 lượt hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo vay vốn ưu đãi để xây nhà, chăn nuôi, sản xuất, buôn bán... Từ nguồn kinh phí hơn 6,3 tỷ đồng từ hỗ trợ của Trung ương và đóng góp của người dân, huyện đã hỗ trợ 702 con bò giống, heo giống, 4.921 con gia cầm, 14 máy bơm nước... đến 406 hộ nghèo, 125 hộ cận nghèo, 31 hộ mới thoát nghèo.
Điểm sáng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 ở huyện Thăng Bình là một số hộ sau khi thoát nghèo đã vươn lên trở thành hộ khá.
Tiêu biểu như anh Nguyễn Quang Thuyết (thôn Quý Xuân, xã Bình Quý) với mô hình nuôi cá cho thu nhập cao; chị Dương Thị Hiển (thôn An Lộc, xã Bình Định Nam) với mô hình nuôi bò, nuôi dê. Hay các anh Nguyễn Văn Hồng (thôn Trà Đóa 1, xã Bình Đào), Võ Minh (thôn An Thành 1, xã Bình An) mua máy cày, máy gặt phục vụ sản xuất nông nghiệp, đem lại thu nhập cao; chị Nguyễn Thị Phụng (thôn Xuân Thái, xã Bình Định Bắc) với công việc buôn bán mỗi tháng thu nhập 7 - 10 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Phụng kể, năm 2010 chồng chị qua đời do bệnh nặng, phải rất vất vả mưu sinh chị mới có thể nuôi dưỡng 3 con học hành đàng hoàng như bây giờ. Vượt qua giai đoạn khó khăn, không thể không nhắc đến sự tận tình giúp đỡ của các cán bộ ở UBND xã Bình Định Bắc, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thăng Bình đã tạo thuận lợi để chị vay 20 triệu đồng mua xe đạp, thiết bị chế biến bánh, kẹo, nước mía để bán dạo trên địa bàn.
Năm 2015, Hội LHPN xã Bình Định Bắc hỗ trợ 10 triệu đồng giúp chị đầu tư tủ bán sinh tố, máy ép nước trái cây để bán tại nhà. Năm 2016, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Thăng Bình hỗ trợ 30 triệu đồng giúp chị xây nhà mới. Có vốn liếng tích lũy, năm 2017 chị Phụng đăng ký thoát nghèo và từ đó đến nay chị luôn có nguồn thu nhập khá.
Đến nay, nhiều thôn trên địa bàn huyện Thăng Bình đã không còn hộ nghèo như thôn Kế Xuyên 1 (xã Bình Trung), Vân Tây (xã Bình Triều), Bình Trúc (xã Bình Sa), Trà Đóa 1 (xã Bình Đào), Liễu Thạnh (xã Bình Nguyên), Linh Lang (xã Bình Phú), Tú Nghĩa (xã Bình Tú), Hiệp Hưng (xã Bình Hải), Ngọc Sơn Đông (xã Bình Phục), Đồng Dương (xã Bình Định Bắc), Quý Phước (xã Bình Quý).
Tuy vậy, theo bà Võ Thị Ngọc Ánh - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, vẫn còn không ít hộ nghèo trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ, không muốn thoát nghèo; nguồn lực tham gia đối ứng thực hiện giảm nghèo bền vững của cộng đồng dân cư trên địa bàn còn thấp. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo ở một số địa phương còn hạn chế; đội ngũ cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo hầu hết kiêm nhiệm nên công việc chưa thật sự thông suốt. Trong khi đó, các cán bộ mới nhận nhiệm vụ về giảm nghèo chưa nắm bắt được công việc, chưa thực hiện tốt tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác giảm nghèo.
Đồng bộ giải pháp
Theo ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025 cơ bản không còn hộ nghèo, trừ hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội; tất cả hộ thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng mô hình kinh tế bền vững. Giải pháp địa phương đặt ra là chú trọng chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả như kinh tế vườn, kinh tế trang trại, kinh tế hộ để thu hút, giải quyết lao động tại chỗ và tăng thu nhập cho người dân. Huyện coi trọng hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động theo các chương trình, dự án trọng điểm, hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo gắn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và nhu cầu tự tổ chức sản xuất kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo.
“Chúng tôi cũng chú trọng tư vấn, giới thiệu để người lao động tham gia đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hỗ trợ tập huấn, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo” - ông Võ Văn Hùng nói.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho rằng, để thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Thăng Bình cần áp dụng đồng bộ các giải pháp, gồm tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền, vận động người dân; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách; triển khai đầy đủ dịch vụ xã hội cơ bản đảm bảo an sinh xã hội; điều tra, rà soát hộ nghèo, kiểm tra, giám sát chặt chẽ triển khai công tác giảm nghèo ở cơ sở... Theo đó, UBND huyện chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể rà soát, đánh giá lại thực trạng và nhu cầu của từng hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng phương án hỗ trợ; thực hiện giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Huyện Thăng Bình cần thực hiện chặt chẽ việc đánh giá chương trình giảm nghèo theo định kỳ và hằng năm. Chính quyền huyện đến cấp xã thường xuyên giám sát, theo dõi, cập nhật kết quả giảm nghèo vào cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý của tỉnh.