Hội thảo “Thúc đẩy lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong cán bộ, công chức, viên chức” do Sở KH-CN phối hợp với Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức mới đây thực sự là diễn đàn để nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về tư duy sáng tạo trong quản lý, nghiên cứu và ứng dụng.
Chưa gắn với thực tế
Chú trọng đầu tư KH-CN là một trong những chủ trương quan trọng của tỉnh nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nắm bắt chủ trương đó, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh đã phát động Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh nhằm thúc đẩy phong trào lao động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật và áp dụng hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua 4 lần tổ chức hội thi, Quảng Nam có 176 giải pháp tham gia, trong đó có nhiều giải pháp có giá trị thực tiễn cao. Nhiều cá nhân đạt thành tích cao như tác giả Đào Bội Thuyên (Hiệp Đức) với sáng chế máy liên hợp bón phân viên nén và sạ lúa, đang chuẩn bị sản xuất đại trà; Nguyễn Lê Toàn (Điện lực Quảng Nam) với mạch báo động chống trộm khi có xảy ra cắt trộm cáp điện tại các trạm biến áp phân phối - giải nhất hội thi lần IV. Phía địa phương, huyện Hiệp Đức, TP.Hội An là những đơn vị có thành tích cao trong nghiên cứu, sáng tạo. Tuy nhiên, theo đánh giá chung phong trào sáng tạo tại nhiều địa phương vẫn còn yếu, chưa được quan tâm đúng mức.
Môi trường doanh nghiệp là nơi có phong trào sáng tạo mạnh mẽ (ảnh minh họa). Ảnh: Hoàng Liên |
Ông Phạm Ngọc Sinh - Phó Giám đốc Sở KH-CN nhấn mạnh: “DN là nơi có môi trường sáng tạo khá tốt nhưng lại không mặn mà với các cuộc thi sáng tạo của tỉnh bởi sự tôn vinh, phạm vi giải thưởng chưa xứng tầm; vật chất, tiền thưởng từ các cuộc thi sáng tạo quá thấp, không tương xứng với trí tuệ, quỹ thời gian bỏ ra. Bên cạnh đó, khâu xét duyệt, thẩm định, xây dựng hồ sơ dự thi cũng là trở lực không nhỏ”.
Thực tế, nhiều cá nhân, tập thể đã tạo ra những sáng chế hữu ích cho đời sống nhưng để được gửi dự thi hay được công nhận sáng chế, họ phải loay hoay với hồ sơ, biểu mẫu, thuyết minh. Trong khi nhiều nhà sáng tạo “chân đất” thường có những công trình gắn với thực tiễn lao động sản xuất nhưng lại không mạnh về việc viết lách hay thuyết trình trước hội đồng thẩm định. Vì vậy, nếu thiếu sự quan tâm, hỗ trợ của ngành chức năng, những sáng chế đó khó đủ điều kiện tham dự cuộc thi hay được cấp bằng độc quyền. Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Sở KH-CN cần quy định cơ chế, chính sách bắt buộc trong việc hỗ trợ cá nhân, tập thể thực hiện đăng ký bảo hộ đối với sản phẩm do chính cá nhân, tập thể tạo ra, tránh tình trạng bị “ăn cắp” thương hiệu, bản quyền.
Sẻ chia kinh nghiệm
Chủ đề thúc đẩy phong trào sáng tạo thu hút nhiều sự chia sẻ của DN. Ông Cao Quang Nguyên - phụ trách phong trào sáng kiến cải tiến (SKCT) Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải cho biết, từ năm 2010, Hội đồng SKCT của khu phức hợp đã thành lập. Thành viên nòng cốt là lãnh đạo các đơn vị, các chuyên gia đầu ngành, bộ phận quản lý SKCT của các công ty, phòng KH-CN, công đoàn… tham gia khâu xét duyệt, đánh giá kết quả SKCT. Giai đoạn 2011-2013, những SKCT của cán bộ công nhân viên đã giúp tiết kiệm khoảng 25 tỷ đồng. Đem lại giá trị cao là những sáng kiến: thiết kế, chế tạo máy uốn thép dây công nghệ cao giúp tiết kiệm hơn 200 triệu đồng/năm; sáng kiến thiết kế, chế tạo máy cán và cắt thép cán nguội 1.0-2.5mm giúp tiết kiệm hơn 700 triệu đồng/năm… Ông Nguyên đánh giá: “Công ty luôn có những hình thức phù hợp để động viên, khuyến khích sự sáng tạo trong đội ngũ cán bộ, công nhân viên. Định kỳ 6 tháng một lần, công đoàn tổ chức tặng quà cho cá nhân, tập thể tiêu biểu trong phong trào SKCT. Ngoài ra, các buổi tọa đàm giữa lãnh đạo và nhân viên về tinh thần lao động, sáng tạo trong hoạt động SKCT được tổ chức là dịp tạo sự gắn kết, hợp tác giữa các thành viên. Câu lạc bộ SKCT vừa thành lập sẽ là sân chơi cho cá nhân đam mê nghiên cứu khoa học”.
Công ty Điện lực Quảng Nam cũng là một đơn vị có phong trào SKCT mạnh mẽ. Điện lực Quảng Nam đã thành lập Hội đồng sáng kiến cấp công ty, tổ chức xét duyệt đề tài nghiên cứu hằng quý. Để khơi dậy sức sáng tạo trong lực lượng cán bộ công nhân viên, công ty trao tặng mức tiền thưởng có giá trị ít nhất bằng 5% giá trị làm lợi mà sáng kiến, giải pháp đem lại. Cá nhân hay tập thể đó còn được công nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở hay cấp tổng công ty. Chuyển biến rõ nét nhất là số lượt cán bộ có sáng kiến của công ty không ngừng tăng, riêng năm 2012 có 52 cá nhân tham gia với 38 sáng kiến được áp dụng thực tế. Ước tính, giá trị mà những sáng kiến đem lại cho công ty là hàng chục tỷ đồng.
Những kinh nghiệm khuyến khích sáng tạo, cải tiến kỹ thuật của Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải hay Điện lực Quảng Nam là những điển hình về sáng tạo, sáng kiến, rất đáng để nhiều đơn vị học tập. Để tạo sự gắn kết với DN, các cá nhân có công trình khoa học, Sở KH-CN cần xây dựng chương trình làm việc một cách hệ thống, qua đó tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ đối với những sáng chế, sáng kiến đem lại hiệu quả cho xã hội.
Hoàng Liên