Thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân nhằm đạt tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang tính sẻ chia cộng đồng. Mục tiêu ấy đang được thực hiện bằng mọi sự cố gắng.
Thực hiện BHYT toàn dân là một chính sách có ý nghĩa an sinh quan trọng, nhằm đạt được sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Sự công bằng ở đây nằm ở tính sẻ chia giữa người mạnh khỏe và người hay ốm đau, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với trẻ em và người cao tuổi. Chính sách này trong thời gian qua thực hiện trong tỉnh thể hiện rõ nét ở con số hơn 90% dân số toàn tỉnh tham gia BHYT. Và điều quan trọng hơn là số người tham gia BHYT của tỉnh phần đông thuộc các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo, cận nghèo, người dân vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, sau đó là người lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị, người dân tự nguyện tham gia BHYT, học sinh, sinh viên. Đối với nhóm người thuộc diện chính sách, Nhà nước bảo trợ cho họ tham gia BHYT bằng ngân sách nhà nước. BHYT đã cung cấp nguồn tài chính quan trọng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đồng thời BHYT tạo điều kiện giúp các cơ sở y tế có khám chữa bệnh BHYT cải thiện chất lượng khám chữa bệnh, giúp người có dân tiếp cận được các dịch vụ y tế thuận lợi hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Chính sách bảo hiểm y tế toàn dân nhằm giúp mọi người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.Ảnh: D.L |
Xác định mục tiêu trên, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế tỉnh xây dựng riêng một đề án về thực hiện lộ trình BHYT toàn dân giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ tăng dần tỷ lệ tham gia BHYT toàn dân theo lộ trình qua các năm 2016 hơn 90%, 2017 hơn 90,5%, 2018 hơn 91%, 2019 hơn 93% và 2020 hơn 95%. Bên cạnh đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT sẽ không ngừng được nâng cao, đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh của người có thẻ BHYT theo quy định. Tỉnh sẽ phấn đấu tiếp tục duy trì nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt 100%; tăng tỷ lệ các nhóm đối tượng chưa đạt 100% gồm nhóm người lao động và người sử dụng lao động, hộ gia đình, học sinh sinh viên, nhóm được ngân sách hỗ trợ như hộ gia đình nông, ngư, diêm nghiệp. Theo ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thực hiện lộ trình này sẽ gặp không ít trở ngại nhưng phải thực hiện cho đạt vì đây là mục tiêu an sinh xã hội.
Những trở ngại mà ông Hai nhắc đến chủ yếu do đặc trưng của tỉnh là đối tượng chính sách tham gia BHYT do ngân sách nhà nước đảm bảo khá đông. Vì thế, khi những đối tượng như người nghèo, cận nghèo thoát khỏi ngưỡng nghèo hay người dân vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển, hải đảo đến năm 2017 sẽ thay đổi thì ngân sách nhà nước không còn bao cấp kinh phí mua thẻ BHYT, như vậy người dân phải mua thẻ BHYT tự nguyện. Khi đó, việc tuyên truyền phải được thực hiện như thế nào cho hiệu quả để người dân vẫn tham gia BHYT, không làm ảnh hưởng đến lộ trình tiến đến nền BHYT toàn dân. Ngoài ra, ông Hai còn băn khoăn một điều khác: “Đối với người nhiễm HIV, trong giai đoạn này thì ngân sách nên cấp thẻ BHYT để họ được điều trị, khám chữa bệnh như những người bình thường khác. Nếu cấp thì thông tin về họ phải được giữ kín. Như vậy trên thẻ BHYT phải ghi ra sao để đảm bảo không có tính phân biệt đối xử đối với nhóm người này, nhưng cơ sở y tế vẫn biết để có hướng khám chữa bệnh đảm bảo cho họ, giảm lây nhiễm HIV cho xã hội”.
Ông Phạm Ngọc Hà - Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng, hiện nay cần tập trung tuyên truyền ở các nhóm chưa tham gia BHYT gồm người lao động thuộc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ, hộ kinh doanh cá thể và nhóm người lao động hợp đồng lao động dưới 3 tháng là hơn 27 nghìn người; nhóm người dân tham gia BHYT tự nguyện trong cộng đồng dân cư; nhóm học sinh sinh viên đã được Nhà nước hỗ trợ 30% kinh phí đóng vẫn còn hơn 17 nghìn người. Và vào năm 2017 có khoảng 20 nghìn người sống tại các xã khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, cùng với khoảng từ 2 - 5 nghìn người thoát nghèo mỗi năm tiếp theo sẽ chuyển qua nhóm tự nguyện tham gia BHYT. Vì thế, việc tuyên truyền chính sách đến với các nhóm đối tượng trên ngay từ đầu giai đoạn thực hiện đề án là việc làm vô cùng cần thiết, nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu theo lộ trình đã đề ra.
Tại cuộc họp với các sở ngành vào cuối tuần qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh yêu cầu các giải pháp thực hiện đề án phải được thực hiện đồng bộ, thực hiện ngay từ bây giờ nhằm đảm bảo cho việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, tiến tới nền BHYT toàn dân. Tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nhóm người thuộc hộ cận nghèo 30% mức đóng (trung ương đã hỗ trợ 70%) để mua thẻ BHYT. Nhóm học sinh sinh viên ngoài 30% mức hỗ trợ của trung ương, tỉnh sẽ hỗ trợ thêm 20% mức đóng để khuyến khích tham gia BHYT. Hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp được hỗ trợ 20% mức đóng; người nhiễm HIV được hỗ trợ 100% mức đóng. Đối với nhóm tự nguyện tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được hỗ trợ theo hình thức giảm dần số tiền mua thẻ BHYT theo số người, cho mua theo thời gian ngắn để giảm gánh nặng tài chính. Ngoài sự hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng như trên, việc truyền thông chính sách BHYT đến với nhân dân cũng được xem là một giải pháp rất hữu hiệu nhằm thực hiện hiệu quả lộ trình BHYT toàn dân. Tuyên truyền sẽ giúp đưa chính sách đến với người dân sâu rộng hơn, đảm bảo cho người dân tiếp cận được chính sách và tham gia tích cực vào chính sách.
LÊ DIỄM