Qua 3 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” - OCOP, huyện Quế Sơn đã đạt được một số thành quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, những rào cản vẫn không ít.
Nỗ lực
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, tháng 12.2018 UBND huyện Quế Sơn ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về thực hiện chương trình OCOP trên địa bàn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, huyện đề ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể và xác lập bài bản nguồn vốn hỗ trợ, biện pháp tổ chức triển khai. Phòng NN&PTNT tham mưu UBND huyện quán triệt sâu rộng nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình cho UBND các xã, thị trấn. Từ đó, tập trung tổ chức tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác và những cơ sở sản xuất - kinh doanh ở địa phương tích cực tham gia.
UBND huyện Quế Sơn không thành lập ban chỉ đạo OCOP cấp huyện mà sử dụng bộ máy của Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia huyện chỉ đạo thực hiện chương trình OCOP. Phòng NN&PTNT là cơ quan thường trực của chương trình phân công 1 lãnh đạo và 1 chuyên viên theo dõi. Trong khi đó, ở 13 xã, thị trấn sử dụng Ban chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia cấp xã và phân công cán bộ ban nông nghiệp xã hoặc công chức địa chính - xây dựng - nông nghiệp - môi trường của xã theo dõi...
Từ nguồn kinh phí sự nghiệp do ngân sách tỉnh phân bổ, năm 2019 Quế Sơn giải ngân gần 746 triệu đồng hỗ trợ các chủ thể mua sắm máy móc, trang thiết bị và hoàn tất việc xây dựng nhãn mác hàng hóa và đăng ký thương hiệu, kết nối thị trường tiêu thụ...
Ông Nguyễn Kim Vân - chuyên viên Phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, năm 2019 Quế Sơn có 4 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm phở sắn của Công ty TNHH Caromi (Đông Phú), kẹo đậu phụng Ngọc Hải của cơ sở sản xuất - kinh doanh Đặng Ngọc Hải (Quế An), nếp đắng Lộc Đại của HTX Nông nghiệp Quế Hiệp, khoai chà của HTX Nông nghiệp An Xuân Sơn (Quế Mỹ). Năm 2020 này Quế Sơn có 5 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, gồm gà tre Đèo Le của HTX Nông Nghiệp Quế Long, rau cải cầu vồng đỏ của HTX Công nghệ cao Phước Thành (Quế Thuận), bánh dừa nướng Quý Thu của hộ kinh doanh Lương Văn Quý (Quế Xuân 2), bánh quế dừa của cơ sở sản xuất bánh kẹo Phù Sa (Quế Xuân 1), phở gạo của cơ sở sản xuất Ánh Dương (Quế Phú). Trong năm nay, tỉnh phân bổ cho Quế Sơn hơn 654 triệu đồng để hỗ trợ sau đầu tư cho các chủ thể.
“Ngày 3.9 vừa qua, các ngành liên quan của huyện đã tiến hành chấm chọn những sản phẩm nêu trên. Theo đó, bánh dừa nướng Quý Thu, bánh quế dừa Phù Sa, phở gạo Ánh Dương đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp huyện, còn lại 2 sản phẩm là gà tre Đèo Le và rau cải cầu vồng đỏ đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để tham gia chấm chọn” - ông Vân nói thêm.
Nhiều rào cản
Theo đánh giá của UBND huyện Quế Sơn, thời gian qua công tác chỉ đạo, điều hành việc triển khai chương trình OCOP chưa có sự tập trung quyết liệt ở các cấp từ huyện đến cơ sở. Việc thực hiện chương trình chủ yếu khoán trắng cho cơ quan thường trực là Phòng NN&PTNT, chưa có sự vào cuộc của các ban ngành liên quan ở huyện. Trong khi đó, OCOP là chương trình mới, sản phẩm tham gia chủ yếu trong cộng đồng nên việc triển khai thực hiện bước đầu còn lúng túng, bị động. Cán bộ quản lý và chuyên trách OCOP của cấp huyện, cấp xã phần lớn là kiêm nhiệm nên chưa nghiên cứu sâu về chương trình, kinh nghiệm thực hiện chưa có.
Ông Trần Vũ Tánh - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn nhìn nhận, thời gian qua UBND các xã, thị trấn chưa tiến hành xây dựng phương án thực hiện chương trình OCOP ở địa phương mình nên việc triển khai kế hoạch hằng năm còn nhiều lúng túng. Cạnh đó, do cấp xã chưa tập trung khảo sát, thống kê các sản phẩm đã có trên địa bàn dẫn đến khâu lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình hằng năm còn quá bị động. Các ngành, các cấp chưa tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về hiệu quả của sản phẩm khi tham gia chương trình.
Bên cạnh đó, số lượng chủ thể tham gia ở các xã, thị trấn chưa đầy đủ, một số nơi có tiềm năng nhưng các chủ thể tham gia chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 còn hạn chế; chưa có nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, thảo dược tham gia chương trình. Việc lồng ghép các kênh vốn để thực hiện chương trình chưa được quan tâm, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách tỉnh phân bổ. Các chủ thể đăng ký xây dựng sản phẩm OCOP là những hộ sản xuất - kinh doanh nhỏ nên chưa thực sự hiểu biết về chương trình và việc thiết lập phương án sản xuất cũng như hoạch định chiến lược kinh doanh gặp nhiều khó khăn, chưa sát với thực tế.
“Đáng chú ý, sau khi các sản phẩm tham gia chương trình được hội đồng thẩm định cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng và tham mưu UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, hầu hết chủ thể không nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng cũng như chưa phát triển sản lượng sản phẩm, chưa mở rộng thị trường tiêu thụ để tăng doanh thu...” - ông Tánh chia sẻ thêm.