UBND tỉnh đã phát đi công văn yêu cầu các sở, ban, ngành địa phương rà soát việc thực thi các đề án Nghị quyết HĐND tỉnh ban hành. Những đề án nào hiệu quả sẽ tiếp tục thực hiện, còn không sẽ phải bãi bỏ vì ngân sách thiếu nguồn lực đầu tư.
Thiếu nguồn đầu tư
Theo báo cáo sơ bộ của Sở KH&ĐT về 7 Nghị quyết HĐND tỉnh có hỗ trợ từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản cho thấy sự thực thi đạt nhiều hiệu quả. Cụ thể, tổng vốn ngân sách tỉnh bố trí cho chương trình phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi hóa đất màu và kiên cố hóa kênh mương (2011 - 2015) đạt 57% so với nhu cầu (258/440 tỷ đồng). Nguồn ngân sách tỉnh đầu tư hạn chế nhưng kết quả lồng ghép các nguồn vốn đầu tư (chương trình 134, 135, 30A, 30B, nông thôn mới, ODA, ngân sách huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác) đã đưa kinh phí cho chương trình này lên khoảng 674 tỷ đồng. Nhờ đó, 184/162 công trình thủy lợi nhỏ, 101/110 công trình thủy lợi hóa đất màu, 52,15/119km kênh loại II và 316/300km kênh loại III (vượt kế hoạch so với bình quân mỗi năm cần kiên cố là 60km) đã được xây dựng, nâng diện tích tưới tiêu, ổn định nước tưới cho nông nghiệp. Kinh phí phát triển giao thông nông thôn khoảng 923 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 379,5 tỷ đồng) đã bê tông hóa trên 1.477km, đạt 100% khối lượng và xây 2.037 cống các loại, nâng tổng chiều dài đường giao thông nông thôn đã kiên cố hóa từ 2.766km lên 4.266/6.411km (66% đường được kiên cố hóa). Việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung đã gia tăng 23 cơ sở với nguồn vốn đã phân bổ trong 3 năm (2013 - 2015) khoảng 9,8/25,1 tỷ đồng. Ngân sách chương trình mục tiêu quốc gia dành cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khoảng 64,4/80,1 tỷ đồng. Ngân sách tỉnh cũng đã tạm ứng hơn 10,5 tỷ đồng để thực hiện giải phóng mặt bằng cho chương trình phát triển nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Riêng việc kiên cố hóa mặt đường các tuyến đường huyện chỉ mới triển khai năm 2015 nên ngân sách chỉ bố trí 45/775 tỷ đồng.
Nghị quyết về bê tông hóa giao thông nông thôn được thực thi hiệu quả. Ảnh: T.DŨNG |
Theo HĐND tỉnh, trong 5 năm qua, nguồn lực đầu tư cho việc thực hiện các đề án đã được HĐND tỉnh thông qua quá ít. Nhất là các đề án phát triển nông nghiệp, nông thôn, các đề án xây dựng thiết chế văn hóa. Một vài lý do cho việc nguồn vốn không được phân bổ đầy đủ có thể kể đến như các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia ban đầu chủ yếu cân đối từ nguồn ngân sách quốc gia, trong khi nguồn ngân sách địa phương chưa được bố trí đối ứng và vốn trung ương cho chương trình năm 2015 giảm so với dự kiến ban đầu nên một số công trình chưa được bố trí đủ vốn. Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính thừa nhận nguồn thu còn hạn chế và thiếu bền vững nhưng nhu cầu chi để phát triển, nhất là nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án trọng điểm, sửa chữa các tuyến giao thông… rất lớn, đang là áp lực không nhỏ trong cân đối ngân sách. Ngoài ra, trong lúc ngân sách trung ương chưa hỗ trợ kinh phí nhưng gia đình chính sách đã triển khai thực hiện chương trình cải thiện nhà ở cho người có công nên gặp nhiều khó khăn trong cân đối nguồn.
Bãi bỏ nghị quyết thiếu hiệu quả
Các cơ quan quản lý cho hay hiện có hơn 35 đề án đang triển khai theo Nghị quyết HĐND tỉnh, mỗi năm phải phân bổ vài chục tỷ đồng. Chính quyền đang quyết liệt triển khai đầu tư bằng nhiều cơ chế, chính sách nhưng nguồn lực không đủ. Quan điểm một nghị quyết ban hành phải bảo đảm nguồn lực để thực thi. Vì thế, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chỉ có thể tạm ứng ngân sách. Lũy kế đến nay khoảng 2.632/3.537 tỷ đồng ngân sách được phân bổ cho các đề án này. Theo thống kê của Sở KH&ĐT, hiện có rất nhiều đề án cần tiếp tục thực hiện. Nhất là nhu cầu đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi với gần 2.000km kênh mương, hơn 100 công trình thủy lợi nhỏ, 30 công trình thủy lợi đất màu và tỷ lệ mặt đường bê tông hóa chỉ trên mức trung bình, cần được đầu tư, nhưng chưa biết tìm đâu ra nguồn thực hiện. Ông Phan Văn Chín nhận định ngân sách đang dựa vào những yếu tố mang tính ngắn hạn. Nguồn thu chủ yếu vẫn chỉ dựa vào sự tăng trưởng của một vài doanh nghiệp trọng điểm, chưa thể tìm ra nguồn thu thay thế nhưng nguồn chi trả nợ ngày càng gia tăng. Khá nhiều địa phương hiện không biết tìm đâu ra kinh phí để chi cho đầu tư phát triển. Nếu chi đúng như đề án sẽ rất khó khăn, mà không có nguồn để chi thì ảnh hưởng đến xấu uy tín của cơ quan nhà nước.
Nguồn lực ngân sách không đủ mạnh để thực thi nghị quyết một cách hiệu quả, khi thời hạn của nhiều nghị quyết sắp kết thúc vào cuối năm 2015. Không chỉ UBND tỉnh mà cả HĐND tỉnh cũng đi đến thống nhất là tiến hành rà soát tất cả đề án đã và đang thực hiện để đi đến quyết định cuối cùng phù hợp với thực tế phát triển của Quảng Nam. Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang cho hay cơ quan quản lý cần cập nhật cơ chế, chính sách trung ương, tính toán ngân sách để ưu tiên nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách. Năm 2015 không phát sinh một nghị quyết nào mới. Nghị quyết, đề án nào có hiệu quả thì tiếp tục bố trí nguồn, còn thiếu hợp lý sẽ phải được bãi bỏ, không thể để kéo dài.
Chưa có con số chính thức, nhưng ngày 21.8.2015, UBND tỉnh đã phát đi văn bản, yêu cầu từng ngành, địa phương rà soát việc thực thi nghị quyết, báo cáo UBND tỉnh tổng hợp trình HĐND. Nghị quyết nào thực hiện tốt thì tiếp tục, thiếu hiệu quả sẽ phải được bãi bỏ vì không đủ nguồn lực để tính toán, phân bổ. Chấm dứt việc địa phương nào cũng kêu thiếu hụt, nhưng khả năng cân đối ngân sách có hạn!
TRỊNH DŨNG