Thuê đất trồng dưa

LÊ QUÂN 14/05/2018 14:36

Chuyện giá dưa xuống đáy, thương lái không thu mua đã xảy ra và những người thuê đất trồng dưa thì “lỗ chồng lỗ”, khó khăn tứ bề…

Thu hoạch dưa trên đồng giữa trưa nắng gắt. Ảnh: LÊ QUÂN
Thu hoạch dưa trên đồng giữa trưa nắng gắt. Ảnh: LÊ QUÂN

Chúng tôi gặp một nhóm người từ Tam Phước (Phú Ninh) thuê đất để trồng dưa tại thôn Đồng Dương (xã Bình Định Bắc, Thăng Bình). Gương mặt bơ phờ sau nhiều đêm thức trắng canh dưa trên đồng, họ lắc đầu uể oải, “giá dưa rớt thê thảm quá!”. Với những người làm chủ ngay trên đồng đất của mình, giá dưa chỉ hơn 1 ngàn đồng/ký là lỗ quá nhiều. Với những người phải đi những cánh đồng khác, thuê đất và “du mục” trồng dưa, lại càng khốn đốn hơn.

“Canh bạc”… dưa

Hơn 10 hộ ở thôn Phú Xuân (xã Tam Phước) rủ nhau đi tìm đất trồng dưa, ngay sau Tết Nguyên đán. “Mùng 7 tháng Giêng mấy anh em trong thôn đã ra ngoài cánh Thăng Bình tìm đất để cải tạo rồi làm dưa vụ hè. Tới Rằm tháng Giêng là dựng trại rồi ăn ngủ ở đây tới bây giờ” - anh Nguyễn Văn Trình, thuê hơn 11 sào đất của người làng Đồng Dương, bắt đầu câu chuyện. Những ruộng dưa xanh tốt trải dài. Chen vào đó là những trại nhỏ để họ sống, giữ dưa. Từ tết đến nay, những người đàn ông “du mục” hiếm khi ở nhà. Họ nói, để chăm ra được một ruộng dưa như hiện tại, không biết bao nhiêu công sức, mồ hôi, tiền bạc đã đổ ra. Cúi xuống ngắt ngang những cây dưa đang bắt đầu thối cuống, anh Lê Văn Thuyền, gạt vội những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, chép miệng, làm dưa cực như chăm con mọn, từ đất tới nước tưới, bón phân... “Ở đây (tức Đồng Dương, Thăng Bình - PV) làm cực hơn Phú Ninh, vì nước thì phải chạy máy bơm về, chứ không sẵn nước kênh như ở Phú Ninh. Tới mùa hái dưa phải thuê, không nhờ được người nhà” - anh Thuyền thở dài. Tiếng thở hắt như để kìm nén rất nhiều nỗi âu lo, thất vọng mà những người làm dưa chịu đựng hơn nửa tháng trở lại đây.

Chị Trần Quỳnh Diễm, 35 tuổi, theo chồng từ Phú Xuân (Tam Phước) ra ở trại dưa đã nửa tháng nay. Chị Diễm kể: “Vợ chồng tôi thuê hơn 5 “cây bạt” trồng dưa - tương đương với 10 sào đất, giá mỗi sào 400 nghìn đồng/vụ. Tổng số tiền cho 10 sào dưa kể cả chi phí điện nước, nhân công, đã lên đến 60 triệu đồng. Ở quê nhà không có nhiều đất. Thấy anh em trong thôn rủ nhau ra đây thuê đất trồng dưa, hai vợ chồng cũng thử đi. Lần đầu tiên, ai ngờ mất trắng”.

Cũng như chị Diễm, những người vợ của anh Thuyền, anh Đông, anh Vương… đang chạy đôn chạy đáo khắp nơi, vin vào những mối quen biết mà họ có được, để… bán dưa. Khoảng 2 năm trước, dưa mua tại ruộng lên đến 6 nghìn đồng/ký, thương lái giành giật nhau đặt cọc các chủ ruộng khi dưa vẫn chưa tới hồi thu hoạch. Năm nay, Trung Quốc ngưng nhập, thương lái không gom nữa, chỉ còn những người bán nhỏ lẻ, với sức mua chỉ có vài tạ dưa. Chị Diễm nói nếu 2 ngày không cắt bán, đồng dưa của chị sẽ thi nhau nứt toác, cuống cũng sẽ thối, vàng mục. Hơn 20ha dưa được trồng tại Đồng Dương, cũng đang trong cảnh nứt nẻ dần, trước những gương mặt hốc hác, đen sạm của người trồng dưa.

Nông dân “du mục”

Chỉ riêng thôn Đồng Dương, đã có đến 7 hộ người Tam Phước tìm đến thuê đất trồng dưa. Hơn một nửa trong số này là những người đã đến làm ở vụ trước. Biết đất này tốt cho giống dưa hấu, họ rủ thêm anh em, bạn bè cùng đi làm. Nếu một sào dưa trồng ngay trên đất Tam Phước chi phí dao động từ 3 - 4 triệu đồng/sào thì tại Đồng Dương chi phí lên đến gần 11 triệu cho khoảng 2 sào. Máy móc, điện nước đều do họ tự lo liệu. Đã có nhiều người khá lên, thậm chí giàu từ nghề trồng dưa dù những khổ cực, rủi ro không ít. Và với vụ dưa này, họ trắng tay, không vớt vát chi được. Với ngay cả những ông chủ đất cho thuê, cũng là những người nông dân lam lũ, kiếm đồng tiền từ việc cho thuê đất, cũng phải đắn đo nhiều. Ông Lê Văn Tâm, người thôn Đồng Dương, cho thuê hơn 5 sào đất với giá 350 nghìn đồng/sào cho một mùa vụ, nói thường thì đất không làm được hoa màu, thiếu nước làm lúa họ mới cho thuê trồng dưa. “Kiếm được thêm ít đồng nhưng mùa màng không làm được thì cũng đâu có vui sướng chi” - ông Tâm nói thêm. Giá dưa vụ này rớt thê thảm, ông Tâm cũng chủ động hạ giá cho thuê đất. “Cũng phận nông dân với nhau, cực khổ mới đi thuê đất làm nông” - ông Tâm nói. Ông Trà Tấn Túc - Chủ tịch UBND xã Bình Định Bắc cho biết, những người tới thuê đất trồng dưa sống hiền lành với người dân địa phương. Không chỉ vậy, họ còn giúp giải quyết lao động nông nhàn bằng cách tạo thêm việc làm thời vụ cho nông dân của xã.

Cây dưa hấu chỉ sinh sôi trên những vùng đất mới. Và người trồng dưa phải chấp nhận nay đây mai đó. Ông Nguyễn Đình Hùng, 50 tuổi, bắt đầu cảnh trồng dưa “du mục” hơn 10 năm nay. “Giống xuống đất rồi thì phải ở trong trại để canh, tưới. Nắng gắt thì dưa mới đạt. Nên mùa mưa ở xứ mình phải kiếm chỗ khác để làm tiếp” - ông Hùng cho hay. “Chỗ khác” mà ông Hùng nói, cũng như rất nhiều người gắn với nghề trồng dưa chính là Tây Nguyên. Tháng 8 âm lịch, nông dân trồng dưa rủ nhau lên Đăk Lăk, Gia Lai thuê đất. Bắt đầu đi từ năm 2009, gần 10 năm, ông Hùng đủ thâm niên để biết chỗ đất nào trồng dưa sẽ đạt năng suất, đất nào đã canh tác vừa xong. Vụ dưa làm tại Tây Nguyên thường rơi vào Tết Âm lịch, nên chuyện dưa rớt giá xuống đáy như hiện nay rất ít xảy ra. “Gần 10 năm làm dưa ở Tây Nguyên, tôi chỉ lỗ 1 vụ. Trong khi tại đây, bắt đầu thuê đất trồng từ 2012, hơn 5 năm tôi đã mất trắng 2 vụ” - ông Hùng chia sẻ. Tuy nhiên, vẫn xác định tiếp tục làm nghề dưa, như bất cứ những người nông dân “du mục” trồng dưa chúng tôi gặp trên đồng đất của Đồng Dương, “dằm gai thì phải lấy gai lể”, họ nói, vụ này mất trắng thì phải gắng tiếp mùa sau để gỡ lại. Chuyện “du canh” lên Tây Nguyên, cũng để gỡ lại cho mùa vụ này. Và nó cũng đã là nghiệp…

 LÊ QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thuê đất trồng dưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO