Áp dụng quản lý rủi ro: Giải pháp tối ưu trong quản lý thuế

VĂN DŨNG 29/06/2021 07:48

Thông tư 31 được Bộ Tài chính ban hành ngày 17.5.2021, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2.7 tới đây. Thông tư này quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế thay thế Thông tư 204, ngày 21.12.2015 để đảm bảo cơ sở pháp lý về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế nhằm phù hợp với tình hình thực tế, yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hệ thống thuế, và phù hợp với thông lệ thuế quốc tế. 

Cơ quan thuế tập trung được nguồn lực

Ông Vũ Chí Hùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, việc ban hành Thông tư 31 không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế mà còn là hiệu ứng tích cực lan tỏa tới cộng đồng người nộp thuế trong việc tuân thủ pháp luật về thuế.

Để đạt mục tiêu đó, Thông tư 31 quy định việc phân luồng người nộp thuế theo các hành vi để áp dụng các biện pháp kiểm soát phù hợp, nhằm giúp cơ quan thuế phân bổ nguồn lực hợp lý, tránh dàn trải, giảm bớt áp lực về khối lượng công việc, nguồn lực được tập trung chủ yếu cho những trường hợp người nộp thuế không tuân thủ, hoặc tuân thủ thấp, rủi ro cao về thuế để cơ quan thuế có giải pháp xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra, kiểm tra, đảm bảo đúng đối tượng, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Theo ông Hùng, Thông tư 31 xây dựng cụ thể 4 mức độ tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế, mức 1: tuân thủ cao; mức 2: tuân thủ trung bình; mức 3: tuân thủ thấp; mức 4: không tuân thủ.

Đây là cách để phù hợp theo cách tiếp cận của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECĐ) với 4 tầng của mô hình tuân thủ: “Tầng thứ nhất - người nộp thuế sẵn sàng tuân thủ, cơ quan thuế sẽ tạo điều kiện thuận lợi.

Tầng thứ hai - người nộp thuế cố gắng tuân thủ nhưng không phải lúc nào cũng thành công, sẽ được cơ quan thuế hỗ trợ để tuân thủ.

Tầng thứ ba - người nộp thuế không muốn tuân thủ nhưng sẽ tuân thủ nếu cơ quan thuế quan tâm, cơ quan thuế sẽ thực hiện ngăn ngừa thông qua các biện pháp phát hiện vi phạm.

Tầng thứ tư - người nộp thuế cố tình không tuân thủ, cơ quan thuế áp dụng toàn bộ quyền lực theo pháp luật” đã được cơ quan thuế của nhiều quốc gia áp dụng.

Về phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế (doanh nghiệp) Thông tư 31 chia thành 5 hạng, hạng 1: người nộp thuế rủi ro rất thấp; hạng 2: người nộp thuế rủi ro thấp; hạng 3: người nộp thuế rủi ro trung bình; hạng 4: người nộp thuế rủi ro cao; hạng 5: người nộp thuế rủi ro rất cao.

Để cơ quan thuế xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro, để có biện pháp thích ứng cho từng loại rủi ro, nhất là đối với người nộp thuế rủi ro rất cao, rủi ro cao thì cơ quan thuế áp dụng biện pháp quản lý kiểm soát, giám sát trọng điểm…

Người nộp thuế biết mình thuộc diện nào

Doanh nghiệp nói riêng và người nộp thuế nói chung có thể tham khảo các tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro được quy định tại Thông tư 31 (ở các phụ lục I, II, III) và các biện pháp quản lý thuế đối với từng loại mức độ đó để doanh nghiệp nắm bắt, tự đánh giá về mình và tự điều chỉnh, tránh sai sót, hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.

Từ đó, người nộp thuế sẽ được hưởng các quyền lợi, các biện pháp quản lý thuế của cơ quan thuế phù hợp, đúng với bản chất tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, như việc người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế cao sẽ được đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng.

Đối với trường hợp người nộp thuế cần nâng cao tuân thủ thì cơ quan sẽ sẵn sàng hợp tác tăng cường các biện pháp hỗ trợ, giúp người nộp thuế nâng cao mức độ tuân thủ, thực hiện dúng, đủ nghĩa vụ thuế, qua đó sẽ giảm thiểu việc thanh tra, kiểm tra thuế từ cơ quan thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp dụng quản lý rủi ro: Giải pháp tối ưu trong quản lý thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO