Khu homestay An Bàng với khung cảnh hoang sơ thơ mộng đã trở thành điểm dừng chân ưa thích của nhiều du khách nước ngoài khi đến Hội An trong vài năm trở lại đây.
Bãi biển An Bàng trở thành điểm nhấn thu hút du khách lưu trú tại các homestay nơi đây. |
Làng bình yên
Chỉ cách phố cổ Hội An khoảng chừng 4km, làng An Bàng nằm bình yên bên chân sóng. Hằng bao đời nay cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với biển như không hề biết có một ngày quê mình sẽ trở thành làng du lịch. Một trong những người đi tiên phong khai phá tiềm năng du lịch An Bàng chính là chàng trai trẻ Lê Ngọc Thuận. Năm 2012 khu homestay đầu tiên với tên gọi An Bang Seaside Village ra đời từ sự gợi ý của những người bạn nước ngoài, mở ra một không gian mới cho du lịch Hội An cũng như người dân nơi đây. Trên diện tích 700m2 anh Thuận đã cải tạo xây lại ngôi nhà theo kiến trúc dân dã, mái lá dừa tranh ẩn mình dưới vườn cây xanh um. Từ khi khai trương hoạt động đến nay, dường như ngày nào cũng có khách lưu trú với thời gian kéo dài bình quân 10 ngày, riêng mùa hè homestay luôn kín lịch khách đăng ký dù giá phòng 40 – 60USD/ngày là không hề rẻ. Du khách lưu trú homestay không chỉ được nghỉ ngơi tắm biển giữa một không gian hoang sơ bình yên mà còn được trải nghiệm những sinh hoạt đời thường với người dân thông qua các công việc hằng ngày như chài lưới, đánh cá hoặc tham gia dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ trong làng… “Lý do quan trọng nhất khách thích đến An Bàng là vị trí gần biển và không gian thanh bình còn những người dân quê thì thân thiện gần gũi” - anh Thuận tâm sự. Đến nay, An Bang Seaside Village đã phát triển thêm 2 khu với 10 phòng lưu trú nhưng vẫn không thể đáp ứng hết nhu cầu của khách.
Cách đó không xa Homestay Dưới bóng dừa (Under the coconut tree Homestay) cũng là một địa chỉ hấp dẫn với du khách quốc tế. Ấn tượng mạnh mẽ nhất chính là không gian kiến trúc ngôi nhà mang đậm nét quê mùa được thể hiện qua những hình ảnh quen thuộc như cây chuối, vạt rau đến hàng dừa cao phủ bóng. “Tuyệt vời” là cảm nhận của đa số du khách khi lưu trú tại Homestay Dưới bóng dừa. Anh Suvaj Gupta (du khách Ấn Độ) không dấu được cảm xúc: “Tôi đã di du lịch nhiều nơi nhưng đến An Bàng thì bị mê hoặc hoàn toàn, đây chính là lý do tôi không chọn khách sạn trên phố mà xuống đây lưu trú”. Thời gian mỗi ngày của anh Suvaj Gupta bắt đầu bằng tắm biển buổi sáng, tham gia gỡ lưới cùng ngư dân địa phương sau đó đi dạo thăm thú quanh làng, thỉnh thoảng nhờ nhân viên homestay dẫn đi chợ mua đồ về học nấu ăn… “Ban đầu tôi chỉ định ở đây vài ngày nhưng bây giờ chắc tôi phải suy nghĩ lại vì tôi rất thích nơi này” - anh Suvaj Gupta nói.
Những ngày này về An Bàng dù biển không xanh đẹp như ngày hè nhưng vẫn dễ dàng bắt gặp cảnh du khách nô đùa trên sóng hoặc lang thang chụp ảnh quanh làng.
Tạo sinh kế người dân
Có thể nhận thấy, trong khi ở vài nơi không ít mô hình homestay đã bị biến dạng sai mục đích trở thành nhà nghỉ hoặc khách sạn mini thì tại An Bàng mô hình lưu trú này đã phần nào đáp ứng được những yêu cầu của du lịch cộng đồng là giúp khách trải nghiệm các giá trị văn hóa bản địa trên nền tảng những tài nguyên du lịch tại chỗ. Trong đó, lợi thế về biển đã trở thành yếu tố then chốt giúp các homestay An Bàng khác biệt so với những nơi khác. “Ngoài việc nghỉ ngơi, tắm biển, tắm nắng du khách còn có thể tham gia những hoạt động lao động chài lưới cùng ngư dân, còn nếu khách nào muốn theo thuyền ra biển đánh cá thì chúng tôi thu 10USD/giờ xem như giúp người dân có thêm thu nhập”, ông Lê Ngọc Thuận - Chủ nhân Homestay An Bang Seaside Village cho biết. Đến nay, rất nhiều người dân trong làng đã hưởng lợi từ mô hình du lịch này, chủ yếu tham gia những công việc như phục vụ, dọn dẹp vệ sinh, buồng phòng, bảo vệ, nấu ăn cho khách… Đặc biệt, thông qua hoạt động lưu trú, nhiều trẻ em trong làng đã được học các lớp tiếng Anh miễn phí từ du khách. Ngoài ra, các homestay cũng tổ chức quyên góp tiền, sách vở từ khách để giúp trẻ em nghèo trong làng mỗi khi vào năm học mới. Cũng từ hoạt động này, một du khách người Úc đã nhận đỡ đầu hỗ trợ cho một học sinh lớp 6 trong làng học đến đại học.
Theo bà Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng Thương mại và du lịch Hội An, hiện nay loại hình lưu trú homestay rất được du khách quan tâm vì nó mang lại sự mới mẻ và dân dã. Ở đó, du khách sẽ cùng ăn, ở, sinh hoạt với người dân nên có cái nhìn thực tế, gần gũi, giúp khách hiểu thêm về giá trị văn hóa lịch sử địa phương. Tính đến tháng 6.2014 Hội An đã cấp phép cho khoảng 136 cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ homestay, trong đó 81 hộ đã đi vào hoạt động. “Có thể nói mô hình này mang lại hiệu quả khá cao góp phần thay đổi sinh kế, tạo thu nhập cho người dân. Nổi bật nhất là các homestay tại làng ven biển An Bàng, Thanh Nam (Cẩm Châu). Trong đó, các homestay tại An Bàng dù số lượng không nhiều nhưng đều cơ bản đáp ứng những yêu cầu về hoạt động đón khách, nhất là giúp khách trải nghiệm các hoạt động văn hóa, đời sống thường nhật với người dân. Nhiều hoạt động ý nghĩa đã được tổ chức từ đây như vận động khách lưu trú hỗ trợ và cùng tham gia giúp người dân khắc phục hậu quả bão Nari, hoạt động dọn vệ sinh bãi biển, dạy tiếng Anh, câu cá cùng ngư dân… nên rất được người dân và địa phương đồng thuận” - bà Thủy nói.
Chiều An Bàng, nhìn du khách thơ thẩn quanh xóm, trò chuyện cùng người dân hay nằm thả mình bên bờ biển mới thấy được sự đổi thay của làng chài cũng như những hiệu quả mà mô hình homestay mang lại. Một diện mạo mới đã xuất hiện nơi đây, hứa hẹn sự chuyển biến tích cực trong đời sống các thế hệ ngư dân An Bàng.
VĨNH LỘC