Đà Nẵng được nhiều trang mạng, tổ chức du lịch quốc tế bình chọn vào “Top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015”. Để trở thành một điểm đến du lịch quốc tế, ngành du lịch Đà Nẵng đã xây dựng và phát triển thương hiệu riêng của mình với những sản phẩm du lịch độc đáo và bảo đảm chất lượng.
Sông Hàn - Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Ngành kinh tế mũi nhọn
“Lần đầu tiên tôi đến thành phố xinh đẹp Đà Nẵng là cách đây 24 năm, vào năm 1992” - ông Peter Ryder - Giám đốc điều hành của Tập đoàn Indochina nhớ lại. Ông kể, lúc ấy khi đang mơ màng trên chuyến bay Tokyo - Băng Cốc, ông chợt tỉnh giấc khi phi hành đoàn thông báo vừa bay qua không phận Việt Nam và nói rằng “Nếu bạn nhìn thẳng xuống, bạn sẽ thấy một bãi biển với bãi cát trắng tuyệt đẹp bao quanh TP.Đà Nẵng”. May mắn thay, Peter Ryder ngồi tại vị trí giáp cửa sổ, có thể nhìn thẳng xuống và thấy một vòng cung màu trắng ánh sáng lung linh, trải dài 40km cùng với một màu xanh nhiệt đới kéo dài từ bờ biển lên đến các ngọn núi... Nhận thấy rằng Đà Nẵng là một thành phố biển đáng để kinh doanh, được thu hút bởi sự hỗ trợ của chính quyền Đà Nẵng, gồm đội ngũ cán bộ công nhân viên chức đầy tâm huyết, ông Peter Ryder và Rich Mayo-Smith là 2 sáng lập viên Tập đoàn Indochina (Mỹ) đã chọn bãi biển Bắc Mỹ An xây dựng khu nghỉ dưỡng cao cấp Furama. Đây là khu nghỉ mát tiêu chuẩn quốc tế 5 sao đầu tiên tại Việt Nam, mở cửa đi vào hoạt động vào năm 1997, từ đó Tập đoàn Indochina đã trở thành một trong những nhà đầu tư quốc tế lớn nhất vùng Đà Nẵng - Hội An.
Trong hai thập kỷ qua, Đà Nẵng không ngừng nỗ lực xây dựng hình ảnh của một “bờ biển vàng”. Con đường du lịch ven biển Nam Ô - Sơn Trà - Non Nước - Hội An cho phép du khách tiếp cận các khu nghỉ dưỡng dọc biển tuyệt đẹp và kết nối chúng đến sân bay quốc tế, cảng Đà Nẵng, cả hệ thống quốc lộ 1, 14B... đã làm tăng giá trị cả vùng đất lên gấp bội lần. Cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển mạnh, các sản phẩm du lịch tăng cả lượng và chất, đa dạng về loại hình. Từ chỗ chỉ có một thương hiệu quốc tế, đến nay Đà Nẵng đã có các thương hiệu lớn như Accor, Hyaft, Melia, Crown, Intercontinental, Mercure và Novotel. Ngoài ra, các thương hiệu nội địa cũng sốt sắng tham gia cuộc chơi đầy ngẫu hứng như Vinpearl, Sun Resort, Fusion, Mường Thanh...
Đến cuối năm 2015, toàn thành phố có gần 200 đơn vị kinh doanh lữ hành, 478 khách sạn với 17.671 phòng, trong đó có 88 khách sạn 3 - 5 sao với 9.066 phòng. Nhiều khu, điểm du lịch, vui chơi giải trí, tuyến điểm tham quan được đầu tư, xây mới như Bà Nà Hills, công viên châu Á, khu văn hóa tâm linh Ngũ Hành Sơn... cùng với nhiều sự kiện mang tầm quốc tế. Đặc biệt là những cuộc thi pháo hoa quốc tế Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm nghìn lượt khách. Nhiều hãng hàng không đã nhận ra giá trị của điểm đến du lịch này nên nhiều đường bay quốc tế trực tiếp đến Đà Nẵng đã được mở. Đến nay, thành phố có 23 đường bay, trong đó có 9 đường bay trực tiếp thường kỳ và 14 đường bay trực tiếp thuê chuyến.
Điểm đến du lịch của vùng
Với những bước đột phá mạnh mẽ về du lịch, Đà Nẵng đã từng bước định vị tên mình trên bản đồ du lịch của Việt Nam và thế giới. Nhiều trang mạng, tạp chí uy tín và các tổ chức du lịch quốc tế bình chọn Đà Nẵng vào “Top 10 điểm đến hàng đầu châu Á” trong 2 năm 2013 - 2014 (Tạp chí Du lịch trực tuyến Smart Travel Asia); “Top 10 điểm đến mới nổi hấp dẫn nhất thế giới năm 2015” do khách du lịch trang Trip Advisor bình chọn… Rõ ràng, Đà Nẵng không chỉ là thành phố mà còn là một điểm đến du lịch của toàn vùng, gồm các khu du lịch văn hóa - lịch sử như cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn; bao gồm cả du lịch khám phá hang động như Phong Nha, Sơn Đoòng (Quảng Bình), du lịch chiến trường xưa (Quảng Trị) hay du lịch sinh thái (5 tỉnh Tây nguyên). Do vậy, Đà Nẵng không chỉ kích hoạt “Con đường di sản văn hóa thế giới” ở 3 địa phương (Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế) mà còn đóng vai trò trung tâm của một điểm đến du lịch quy mô lớn hơn, thu hút các vùng phụ cận.
Du lịch Đà Nẵng còn nhiều việc phải làm nhưng du khách bốn phương đã tìm được hai điều đáng quý nhất: được tận hưởng sự trải nghiệm và tăng cường tiếp cận hoạt động du lịch bền vững cùng cộng đồng xã hội, địa phương (như thi pháo hoa quốc tế, chung tay giữ gìn biển sạch, bảo vệ môi trường đô thị...). Theo ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, toàn ngành sẽ tiếp tục triển khai “Đề án phát triển dịch vụ thành phố Đà Nẵng năm 2020 và tầm nhìn đến 2030”. Trong đó, triển khai xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm đón tiếp và phân phối khách du lịch miền Trung - Tây Nguyên, thu hút và mở thêm các đường bay đến Đà Nẵng, phối hợp với các địa phương khu vực miền Trung trong việc xây dựng các chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, phối hợp công tác xúc tiến, quảng bá điểm đến du lịch Đà Nẵng và đa dạng hóa thị trường mục tiêu; tập trung phát triển nguồn nhân lực đáp ứng lượng khách quốc tế hơn 200.000 lượt người trong vòng 5 năm tới. Trước mắt, mục tiêu đón 8,9 triệu lượt khách năm 2020, trong đó có 2,4 triệu khách quốc tế như chương trình phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2016 - 2020 đề ra.
QUẾ LÂM