Cơ hội tiêu dùng hàng nội địa

VĨNH LỘC 25/08/2021 06:21

Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, lưu thông hàng hóa khó khăn, nhất là các mặt hàng ngoại nhập dẫn đến cung cầu gặp hạn chế. Trong bối cảnh này, việc đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” càng có ý nghĩa quan trọng và cấp thiết.

Sản phẩm đặc trưng Quảng Nam được bày bán tại Co.opMart Tam Kỳ thu hút người tiêu dùng. Ảnh: L.V
Sản phẩm đặc trưng Quảng Nam được bày bán tại Co.opMart Tam Kỳ thu hút người tiêu dùng. Ảnh: L.V

Thay đổi thói quen tiêu dùng

Chị Nguyễn Thu Vy (phường Minh An, TP.Hội An) chia sẻ, trước đây khi mới sinh đứa con đầu lòng, nghe lời mách bảo của bạn bè, chị chủ yếu mua sữa ngoại cho con dùng. Nhưng khi đứa thứ hai ra đời, công việc bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nguồn thu nhập eo hẹp, chị Vy quyết định chuyển sang mua sữa các hãng trong nước.

“Ban đầu tôi cũng phân vân vì sợ sữa sản xuất ở Việt Nam không đủ dưỡng chất cho bé, nhưng qua dùng mới thấy chất lượng rất tốt, và giá cả rẻ hơn rất nhiều” - chị Vy chia sẻ.

Từ 10 năm trước, khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được phát động, hàng triệu người đã thay đổi thói quen dùng hàng ngoại sang sử dụng sản phẩm trong nước sản xuất. Đó không chỉ là các mặt hàng thiết yếu thông thường mà đã mở rộng đến tất cả ngành nghề tiêu dùng, điện tử, cơ khí, chế tạo…

Nhiều sản phẩm đi liền với thương hiệu nội địa đã trở thành biểu tượng ăn sâu vào tâm trí người Việt như Vinamilk, Trung Nguyên, TH True Milk, Vinacafe, Thaco, Vinfast…, qua đó khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ chinh phục niềm tin của người tiêu dùng.

Tại Quảng Nam, bên cạnh những chiếc xe mang thương hiệu Thaco Trường Hải đã trở nên quen thuộc trên đường, không ít sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp đang dần trở thành sự lựa chọn của người tiêu dùng. Chỉ riêng siêu thị Co.opMart Tam Kỳ, hơn 90% hàng hóa trong khoảng 30 nghìn mẫu hàng bày bán nơi đây có nguồn gốc nội địa (trừ một số thiết bị điện tử, mỹ phẩm). Đặc biệt, từ tháng 4.2020 siêu thị cũng đã bố trí riêng gian hàng OCOP Quảng Nam với 43 sản phẩm địa phương.

Bà Trần Thị Như Lai - Giám đốc Co.opMart Tam Kỳ chia sẻ, đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị là thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với địa phương. “Trong chiến lược kinh doanh của mình, Co.opMart Tam Kỳ luôn xác định phải hỗ trợ các sản phẩm địa phương. Điều này không chỉ giúp đưa hàng hóa tiếp cận người tiêu dùng dễ dàng mà còn đảm bảo nguồn cung ứng vào siêu thị ổn định, nhất là trong tình hình dịch bệnh khiến hàng hóa bên ngoài không về kịp như hiện nay” - bà Lai chia sẻ.

Sự vào cuộc của xã hội

Không phủ nhận, qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kết quả đạt được rất khả quan. Nhận thức, hành vi của người tiêu dùng và người sản xuất hàng hóa Việt ngày càng thay đổi. Không ít thương hiệu Việt đã chiếm ưu thế trên thị trường so với hàng nước ngoài. Dù vậy, ở một số sản phẩm, sự cạnh tranh với các thương hiệu ngoại vẫn còn hạn chế do chất lượng mẫu mã, giá cả chưa đa dạng, kém hấp dẫn…

Theo bà Trần Thị Như Lai, trong tình hình dịch bệnh, khó khăn hiện nay, yếu tố quyết định của một sản phẩm là giá cả, tiếp đến là chất lượng, mẫu mã… Nếu nắm bắt được tâm lý tiêu dùng này, hàng Việt sẽ có chỗ đứng.

Tại Co.opMart Tam Kỳ, tháng 9 hàng năm doanh nghiệp thường tổ chức chương trình Tháng hàng Việt với các hoạt động quảng bá, khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng hàng Việt. Thời điểm này, Co.opMart Tam Kỳ cũng kết nối với các chủ thể OCOP, khởi nghiệp chạy các chương trình khuyến mãi giúp đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương nhằm tạo thói quen tiêu dùng.

Hiện nay, trong tình hình nguồn cung ứng hàng hóa bị đứt gãy do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhất là sản phẩm ngoại nhập, vấn đề hàng nội địa càng trở nên cấp thiết. Đây cũng chính là cơ hội để thúc đẩy, thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng hàng nội địa.

Ông Đặng Bá Dự - Giám đốc Sở Công Thương nói, qua dịch bệnh mới thấy được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng tại chỗ. Thời gian qua, sở đã triển khai nhiều giải pháp như đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng cơ chế, phát triển thương mại điện tử, kết nối cung cầu, kể cả triển khai giải pháp hỗ trợ cho mô hình OCOP, khởi nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, tổ chức thương mại, online, offline để người tiêu dùng biết có hàng Việt trên thị trường…

“Phải đồng bộ nhiều giải pháp với sự tham gia của nhiều cấp ngành, doanh nghiệp như đổi mới chất lượng, mẫu mã, giá cả từ đó mới thu hút và thay đổi thói quen tiêu dùng của người dân… Vấn đề này một mình ngành công thương không thể làm được, chúng tôi chỉ tạo môi trường, nền tảng còn nhận thức là của cả xã hội” - ông Dự chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ hội tiêu dùng hàng nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO