Đa dạng sản phẩm nông nghiệp cao cấp

NGUYỄN SỰ 05/09/2021 05:35

Những năm gần đây, cùng với việc tập trung mở rộng các loại hình dịch vụ, nhiều hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm. Đặc biệt, không ít HTX đã tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, được xét công nhận đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao cấp tỉnh...

Hiện nay, HTX dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ) đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là dầu phụng và dầu mè đen. Ảnh: N.S
Hiện nay, HTX dầu thực vật nguyên chất Bảo Tâm (Tam Kỳ) đã có 2 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh là dầu phụng và dầu mè đen. Ảnh: N.S

Liên kết trong sản xuất

Ông Trương Cảm – Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho hay, tháng 10.2013 HTX là đơn vị đầu tiên ở Quảng Nam thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX năm 2012. Từ khi chuyển đổi đến nay, bên cạnh việc tập trung mở rộng và nâng cao chất lượng 13 gói dịch vụ nông nghiệp thì đơn vị cũng nỗ lực phát triển mô hình liên kết sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị sản phẩm. 

Bắt đầu từ năm 2016, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa liên kết với một số HTX khác trên địa bàn huyện Đại Lộc tổ chức cho hàng nghìn hộ nông dân sản xuất giống lúa thơm TBR225 theo phương thức hữu cơ để tạo ra sản phẩm gạo sạch Ái Nghĩa.

Trong 6 năm qua, mỗi vụ HTX liên kết với nông dân canh tác khoảng 50ha lúa TBR225. Để tiếp sức cho nhà nông, HTX chịu trách nhiệm mở các lớp tập huấn chuyển giao những gói kỹ thuật sản xuất tiên tiến, cung ứng các loại vật tư thiết yếu đầu vào đảm bảo giá bán thấp hơn giá thị trường ít nhất 10% và bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm với giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 10% trở lên.

Với việc liên kết sản xuất này, bình quân hằng năm HTX chế biến và cung ứng ra thị trường 200 tấn gạo sạch mang thương hiệu Ái Nghĩa, đạt giá trị khoảng 2,8 tỷ đồng. Không chỉ vậy, từ sản phẩm gạo sạch, năm 2017 HTX tiếp tục đầu tư phát triển sản phẩm mới là bánh tráng nhúng Đại Lộc. Hơn 4 năm qua, trung bình mỗi năm HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn bánh tráng nhúng, thu về 450 triệu đồng.

Tại Thăng Bình, những năm gần đây HTX Nông nghiệp Bình Đào nổi lên như một điển hình của huyện và tỉnh trong việc phát triển sản phẩm mới theo liên kết sản xuất chuỗi giá trị.

Ông Võ Tấn Sanh – Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho biết, từ năm 2018 đến nay đơn vị đã nỗ lực thực hiện chủ trương tập trung, tích tụ ruộng đất. Ngoài việc thuê dài hạn 25ha đất của 167 hộ dân (phần lớn của các gia đình không có sức lao động), thời gian qua HTX còn “bắt tay” với 476 hộ dân khác trên địa bàn xã Bình Đào tổ chức sản xuất nông nghiệp hàng hóa với quy mô 60ha đất.

Với tổng cộng 85ha đất kể trên, HTX Nông nghiệp Bình Đào liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm với diện tích khoảng 70 - 75ha/vụ. Đồng thời hằng vụ HTX gieo trồng 5 - 10ha giống nếp đặc sản bản địa Hương Lân Trường Giang và 5ha mè đen.

“Trong 4 năm qua bình quân hằng năm HTX bán ra thị trường 3 - 3,5 tấn nếp Hương Lân Trường Giang thương phẩm và 420 - 450 lít dầu mè đen nguyên chất, thu về từ 175 - 210 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, còn lại lãi ròng khoảng 20 - 25%” - ông Sanh nói.

Tích cực tham gia chương trình OCOP

Ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho biết, năm 2018 sản phẩm bánh tráng nhúng Đại Lộc được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao và năm 2019 sản phẩm gạo sạch Ái Nghĩa đạt chuẩn OCOP 3 sao. Năm 2021 này, HTX tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến bao bì, nhãn mác... để đưa bánh tráng nhúng Đại Lộc đạt chuẩn OCOP 5 sao và gạo sạch Ái Nghĩa đạt chuẩn OCOP 4 sao.

Còn ông Võ Tấn Sanh – Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Đào cho hay, động lực lớn nhất đối với đơn vị là năm 2019 cả 2 sản phẩm nếp Hương Lân Trường Giang và dầu mè đen nguyên chất của HTX được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục đưa 2 sản phẩm này đạt hạng OCOP 4 sao cấp tỉnh vào năm 2022.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng với những sản phẩm OCOP của HTX cũng như của các đơn vị khác trên địa bàn tỉnh, đầu năm 2020 HTX Nông nghiệp Bình Đào đã đầu tư gần 200 triệu đồng xây dựng cửa hàng trưng bày và bán nhiều loại sản phẩm OCOP.

Theo khảo sát của Liên minh HTX tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2021 Quảng Nam thành lập mới 31 HTX, nâng tổng số HTX hiện có trên toàn tỉnh lên 459 đơn vị. Ông Lê Ngọc Trung - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhìn nhận, thời gian qua mặc dù gặp hàng loạt khó khăn nhưng rất nhiều HTX trên địa bàn Quảng Nam, nhất là các đơn vị hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp không ngừng nỗ lực đổi mới phương thức sản xuất để tạo ra những sản phẩm mới mang tính hàng hóa, đặc biệt là tích cực tham gia chương trình OCOP.

Ông Trần Văn Noa - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) thông tin, đến cuối năm 2020 toàn tỉnh có 206 sản phẩm các loại của 171 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP. Trong đó, có 179 sản phẩm 3 sao, 26 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao.

Đáng ghi nhận là từ năm 2018 - 2020 Quảng Nam có 69 HTX tham gia chương trình OCOP với 76 sản phẩm. Theo kế hoạch, năm 2021 toàn tỉnh có 102 sản phẩm của 93 chủ thể tham gia chương trình OCOP; trong đó có 34 sản phẩm của 34 HTX hoạt động trên nhiều lĩnh vực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đa dạng sản phẩm nông nghiệp cao cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO