Đại Lộc nỗ lực phát triển OCOP

HOÀNG LIÊN 02/06/2021 09:01

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại Đại Lộc giai đoạn 2018 - 2020 đạt được nhiều kết quả nổi bật, là tiền đề để địa phương đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm đặc trưng vùng miền trong giai đoạn tới.

Chè BanCha - An Bằng là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020. Ảnh: H.L
Chè BanCha - An Bằng là sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2020. Ảnh: H.L

Phát huy thế mạnh

Qua 3 năm (2018 - 2020) triển khai, Chương trình OCOP tại Đại Lộc đã có 11/13 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao và 4 sao.

Trong 3 năm 2018 - 2020, huyện Đại Lộc đã cấp phát 4.000 tờ rơi, 500 sổ tay tuyên truyền về Chương trình OCOP đến cơ sở, các đơn vị, địa phương, thủ thể nghiên cứu, thực hiện. Huyện tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm thực hiện OCOP tại Tiên Phước; cử cán bộ và mời chủ thể tham gia đầy đủ các lớp tập huấn, hội nghị của tỉnh. Đồng thời mời các đối tác tư vấn thiết kế bao bì nhãn mác, dịch vụ hỗ trợ đăng ký/công bố sản phẩm, thiết kế website, mã số, mã vạch, tem truy xuất; tư vấn chứng nhận VietGAP, chứng nhận an toàn thực phẩm (HACCP).

Ông Nguyễn Văn Quang - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho hay, năm 2018 sản phẩm bánh tráng Đại Lộc được công nhận đạt chuẩn 4 sao; năm 2019 các sản phẩm gạo an toàn Ái Nghĩa, hương trầm không tăm cao cấp Kỳ Nam, nấm sò Đại Hiệp cùng đạt chuẩn 3 sao.

Tiếp đến, năm 2020 các sản phẩm dầu phụng Đại Hồng, dầu phụng Đại Thắng, bột ngũ cốc Hồng An, nấm bào ngư tím, chè BanCha - An Bằng, khổ qua rừng sấy khô Đại Lộc Phát, ổi an toàn Hồ Lộc được công nhận đạt 3 sao. 

Thành quả tăng dần hằng năm là động lực để Đại Lộc tiếp tục xây dựng sản phẩm đặc trưng tham gia Chương trình OCOP. Trên địa bàn cũng đã xuất hiện những điển hình chủ thể tham gia OCOP xuất sắc như: Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Ái Nghĩa, HTX Nông nghiệp Đại Hồng, HTX Nông nghiệp Đại Thắng, Cơ sở sản xuất Hồng An, Công ty TNHH DAILANHFARM, Tổ hợp tác Hương trầm Kỳ Nam…

Chè BanCha - An Bằng của HTX Đại Thạnh Phát là một trong số sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao năm 2020. Đây là kết quả từ nỗ lực rất lớn của tập thể và cá nhân Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX -  Ngô Văn Chi.

Từ trên đất khó, HTX và ông Chi đã nỗ lực khôi phục, phát triển vùng nguyên liệu chè xanh An Bằng, chủ động phục hồi nghề làm chè khô - chè bancha từ cây chè xanh. HTX còn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trung bình mỗi tháng HTX cung cấp ra thị trường hơn 100kg chè khô, tương đương 1.000 gói chè BanCha - An Bằng, thu về 60 triệu đồng.

Hay như sản phẩm OCOP 3 sao bột ngũ cốc Hồng An của Cơ sở sản xuất Hồng An (Đại Hồng) có sự đầu tư công phu, tỉ mỉ về chất lượng lẫn hình thức. Chị Trần Thị Thúy Kiều - chủ cơ sở sản xuất chia sẻ, đã dành khá nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu thành phần dinh dưỡng và hoàn thiện các công thức, quy trình sơ chế, chế biến, phối trộn.

Những dòng sản phẩm bột ngũ cốc Hồng An được sản xuất từ 11 loại đậu và 7 loại hạt dinh dưỡng được thị trường ưa chuộng. Cơ sở Hồng An được hỗ trợ đầu tư sắm máy móc, thiết bị phục vụ các khâu sàng lọc, rang sấy, nghiền, hút ẩm, đóng gói. Sản phẩm được thiết kế bao bì đẹp mắt, dán tem vạch truy xuất nguồn gốc…

“Cùng với mở rộng sản xuất kinh doanh, chúng tôi muốn xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu, liên kết, bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân Đại Hồng, đưa sản phẩm đặc hữu của địa phương vươn xa trên thị trường” - chị Kiều chia sẻ.

Gia tăng giá trị

Giai đoạn 2018 - 2020 Đại Lộc huy động hơn 22 tỷ đồng triển khai Chương trình OCOP. Trong đó nguồn của chủ thể đầu tư thực hiện phương án sản xuất kinh doanh là 19,2 tỷ đồng; kinh phí Nhà nước hỗ trợ thực hiện chương trình gần 3 tỷ đồng (hỗ trợ các hoạt động triển khai chương trình OCOP thường niên hơn 350 triệu đồng, hỗ trợ chủ thể hơn 2,5 tỷ đồng).

Giai đoạn 2021-2025, tổng nhu cầu kinh phí triển khai chương trình hơn 23,4 tỷ đồng. Trong đó, nguồn lực triển khai Chương trình OCOP, quản lý, điều hành là 750 triệu đồng, nguồn trực tiếp hỗ trợ chủ thể 10 tỷ đồng, thực hiện các dự án liên quan là 5 tỷ đồng, phát triển các trung tâm, điểm bán hàng OCOP 650 triệu đồng và nội dung khác 5 tỷ đồng.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nhìn nhận, Chương trình OCOP đã tạo động lực rất lớn, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như đẩy mạnh việc ứng dụng, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, đồng thời giúp một số chủ thể có điều kiện đầu tư phát triển sản phẩm.

Thời gian đến huyện sẽ tập trung khắc phục một số hạn chế còn tồn tại, như bộ máy giúp việc thực hiện chương trình chủ yếu kiêm nhiệm; nhận thức về chương trình ở các cấp, các ngành, địa phương chưa đầy đủ; các chủ thể sản phẩm năng lực sản xuất còn nhỏ lẻ, trình độ, kiến thức quản trị còn nhiều hạn chế; sản phẩm tham gia chủ yếu thuộc nhóm tươi sống, sản phẩm thô, chưa được chế biến sâu...

Trong giai đoạn 2021 - 2025 Đại Lộc phấn đấu đưa 25 sản phẩm đặc hữu tham gia Chương trình OCOP cấp tỉnh. Có thể kể tới sản phẩm trà linh chi túi lọc (Đại Chánh), đũa gỗ Nam Dương (Đại Đồng), rượu sim Hồng Lộc tửu (Đại Minh), trà bí đao Phương Vân (Đại Đồng), trà ngũ cốc thảo mộc Hồng An (Đại Hồng), rượu nếp Trà Đức (Đại Tân), mít thái da xanh Phương Trung (Đại Quang)…

Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025 có ít nhất 25 sản phẩm đạt 3 sao trở lên, trong đó hàng năm có 5 sản phẩm mới được công nhận và nâng cấp hạng sao cho 2 sản phẩm; xây dựng được trung tâm OCOP cấp huyện và 3 điểm bán hàng OCOP...

“Giai đoạn 2021 - 2025 huyện chú trọng phát triển sản phẩm theo hướng nâng cao chất lượng và gia tăng giá trị, có nhiều sản phẩm tốt và bán hàng thật tốt đó là mục tiêu cao nhất mà OCOP hướng đến” - ông Hồ Ngọc Mẫn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc nỗ lực phát triển OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO