Làng bánh Tân Thọ đỏ lửa ngày cuối năm

VĂN TÂY - THẢO NGUYÊN 21/01/2022 15:20

(QNO) - Vào dịp cuối năm, làng Tân Thọ (xã Duy Châu, Duy Xuyên) tất tả sản xuất, chế biến các loại bánh truyền thống để kịp thời phục vụ thị trường Tết Nguyên đán những sản phẩm tốt nhất.

Người dân làng Tân Thọ còn duy trì nghề sản xuất bánh in phục vụ dịp Tết nguyên đán.
Người dân làng Tân Thọ còn duy trì nghề sản xuất bánh nổ phục vụ dịp Tết nguyên đán.
 Vừa đến đầu làng đã nghe mùi thơm lừng bốc lên từ bếp lửa nhà ông Huỳnh An Thu (thôn Tân Thọ, Duy Châu). Gia đình ông Thu với hơn 20 năm làm bánh nổ, mỗi năm sử dụng hơn 1 tấn đường làm nguyên liệu chế biến bánh nổ. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 bùng phát nên năm nay sản lượng bánh giảm đi 30% so với mọi năm.

“Tôi không dám mạo hiểm cho ra số lượng bánh nhiều như các năm trước, vì trong thời điểm khó khăn này lượng khách đặt bánh trước tại gia đình giảm đi đáng kể”, ông Thu nói.

Tương tự, gia đình ông Đỗ Văn Tuấn cũng duy trì nghề làm bánh nổ truyền thống. “Giá nguyên liệu làm bánh năm nay tăng nhiều. Chi phí từ than đốt cho đến đường, nếp đều tăng hơn so với mọi năm. Dù vậy, giá thành bán ra năm nay vẫn không thay đổi vì nếu tăng thì khách sỉ sẽ không lấy, dẫn đến đầu ra hạn chế nên vẫn giữ nguyên giá cả, sản xuất bánh chủ yếu lấy công làm lời” – ông Tuấn bộc bạch.

Gia đình ông Đỗ Văn Tuấn bám nghề sản xuất bánh nổ truyền thống.
Gia đình ông Đỗ Văn Tuấn bám nghề sản xuất bánh nổ truyền thống.

Theo chính quyền xã Duy Châu, làng nghề Tân Thọ cung cấp các loại bánh truyền thống cho các chợ đầu mối hoặc nông hộ tự đi tìm kiếm đầu ra khắp nơi. Tại xã Duy Châu, đến nay vẫn chưa có một tổ hợp tác nào đứng ra liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm bánh cho các hộ dân.

Phó Chủ tịch UBND xã Duy Châu Lê Văn Hưng cho biết, địa phương đã đưa nghề sản xuất bánh thủ công truyền thống Tân Thọ vào chương trình “mỗi xã một sản phẩm” nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm bản địa đến tay người tiêu dùng xa hơn. Đồng thời, chính quyền cũng thống nhất với người dân về việc cho ra một tổ hợp tác có thương hiệu và thống nhất về quy trình sản xuất bánh.

Phần lớn người dân làng Tân Thọ đều biết quy trình, kỹ thuật làm bánh nổ truyền thống, đây cũng là nghề “cha truyền con nối” ở nhiều hộ gia đình. Và cũng như bao làng nghề thủ công khác, làng bánh Tân Thọ còn hạn chế trong khẩu tiếp thị, quảng bá sản phẩm. 

Với hơn 15 năm làm bánh, bà Kiều Oanh và thành viên trong gia đình làm khoảng  500 – 600kg nếp để cung cấp cho khách sỉ trong dịp Tết Nguyên đán. Hai  năm trở lại đây, dù nghề sản xuất bánh gặp khó trong đầu ra nhưng bà Oanh vấn quyết định gắn bó với nghề vì đây là nguồn thu nhập chính nuôi sống cả gia đình.

“Chúng tôi mong muốn địa phương thành lập tổ hợp tác, tạo điều kiện cho các nông hộ liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định và không bấp bênh như hiện tại” – bà Oanh nói.

Nhiều hộ gia đình sản xuất bánh ú tro.
Nhiều hộ gia đình sản xuất bánh ú tro.

Theo UBND xã Duy Châu, năm 2022, chính quyền địa phương sẽ lên kế hoạch xây dựng thương hiệu cho làng bánh Tân Thọ. Đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các hộ sản xuất gặp khó khăn và có nhu cầu phát triển quy mô lớn. Chỉ riêng thôn Tân Thọ có khoảng 30 hộ dân sản xuất, kinh doanh bánh các loại phục vụ thị trường, chủ yếu trong năm vào dịp Tết Nguyên đán và Tết Đoan Ngọ. Sản phẩm chủ yếu là bánh nổ, bánh in, bánh ú…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làng bánh Tân Thọ đỏ lửa ngày cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO