Liên kết đưa nông sản ra thị trường

LÊ QUÂN 12/11/2019 10:42

Phát triển chuỗi liên kết, mở rộng kết nối giữa doanh nghiệp và nông dân thông qua các hợp tác xã (HTX) đang được xem như xu hướng để mở ra thị trường tiêu thụ ổn định cho nông sản.

Nông sản vào siêu thị thông qua đầu mối liên kết giữa các HTX - doanh nghiệp. Ảnh: X.H
Nông sản vào siêu thị thông qua đầu mối liên kết giữa các HTX - doanh nghiệp. Ảnh: X.H

Hiệu quả liên kết

Ông Huỳnh Đức Tường - Giám đốc HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, thương hiệu “HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh” đã tiếp cận người tiêu dùng từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng. Việc liên kết chuỗi giá trị, với sự tham gia của rất nhiều thành phần đã thúc đẩy sản xuất phát triển, giúp nông dân làm giàu trên chính mảnh đất của mình. “Tính đến nay so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra ban đầu thì HTX đã có bước phát triển vượt bậc, ngày càng phát triển đa dạng các thực phẩm sạch, ký kết được nhiều hợp đồng cung cấp với các đối tác có uy tín lớn như: HTX Kỳ Anh, HTX Cẩm Khê, KTX Phú Thịnh, HTX Nam Phước, Tổ hợp tác sản xuất rau Tam Thăng, HTX Sunfood, HTX Bảo Tâm, HTX Nông nghiệp xanh Tiên Phước, HTX Nông nghiệp Ái nghĩa, HTX Cù Lao Chàm... Chúng tôi cũng đã tăng cường việc phát triển các chuỗi liên kết và xúc tiến thương mại với các đơn vị cung cấp lớn” - ông Tường cho biết.

Hiện nay, HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh có các loại rau được chứng nhận VietGAP, đồng thời sản phẩm heo thảo mộc theo tiêu chuẩn VietGAP được người tiêu dùng đón nhận. Năm 2019, doanh thu HTX tăng mạnh, đạt 1,2 - 2 tỷ đồng/tháng. Chuỗi cung cấp rau, thịt của HTX ngày càng được mở rộng và phát triển. Hiện nay HTX đã cung cấp rau theo chuỗi cho Co.op Mart, BigC, An Phú Farm, trên 50 cửa hàng bán lẻ và các trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh… Ông Huỳnh Đức Tường chia sẻ, việc xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, có kiểm soát truy xuất nguồn gốc một cách minh bạch và thực chất là con đường tất yếu để phát triển một nền nông nghiệp sạch bền vững, đem lại thu nhập cao cho người nông dân. HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh cũng là một trong những điển hình về câu chuyện liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp và nông dân để đưa sản phẩm tốt nhất ra thị trường.

Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 329 HTX và 1 Liên hiệp HTX, trong đó có 243 HTX nông nghiệp. “Những năm gần đây, gắn với chương trình Nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình OCOP, nhiều HTX đã xây dựng đề án, có giải pháp cụ thể và triển khai thành công, hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu sản phẩm” - ông Võ Bảy nói.

Phát triển bền vững

Với rất nhiều thành công có được trong quá trình phát triển, ông Trương Cảm - Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho rằng, xu hướng liên doanh, liên kết kinh tế giữa các HTX với HTX và giữa HTX với các thành phần kinh tế khác chính là chìa khóa để thị trường nông sản phát triển. Hiện tại, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa đã tổ chức và đẩy mạnh liên kết với Công ty sản xuất giống cây trồng, Công ty cung ứng vật tư nông nghiệp… Tuy nhiên, ngoài việc liên kết cùng các HTX hoặc các công ty, nhà sản xuất trên địa bàn, thì việc tìm kênh phân phối rộng lớn hơn cho nông sản vẫn là câu chuyện khá khó khăn đối với HTX. Quảng Nam đang liên kết cùng tổ chức Agriterra - Hà Lan về xây dựng và phát triển HTX gắn với chuỗi sản phẩm, bao gồm hỗ trợ sản phẩm gạo sạch, cây keo, lúa giống và heo sạch.

Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã làm một nghiên cứu về thị trường nông sản tại một số thành phố lớn, trong đó đặc biệt quan tâm đến khâu đưa nông sản vào siêu thị. Theo đó, giới chuyên gia cho rằng doanh nghiệp sản xuất muốn bán hàng thì phải có kênh phân phối. Tuy nhiên, tùy năng lực, khả năng tài chính và nhân lực mà doanh nghiệp chọn kênh phân phối phù hợp. Hiện nay, Thái Lan đã có quy định trong phân phối nông sản, 70% lợi nhuận là của người trồng; tuy nhiên tại Việt Nam, nông dân vẫn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi. Bên cạnh đó, muốn khơi thông dòng chảy thương mại hàng hóa, cần tổ chức lại sản xuất lớn theo quy hoạch của từng địa phương và từng vùng có lợi thế cho sự phát triển từng loại nông sản, đồng thời mở rộng chính sách hạn điền, tạo điều kiện tốt, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm quản lý được chất lượng hàng hóa cũng như hạ giá thành sản phẩm.

Thực tế cho thấy, hầu hết HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mới chỉ dừng lại ở việc liên kết sản xuất, tiêu thụ một số nông sản chủ yếu hoặc một số mặt hàng đặc trưng, trong khi những sản phẩm nông nghiệp mang tính sản xuất đại trà như ớt, dưa hấu, rau đậu các loại, gia súc, gia cầm... thì nông dân vẫn phải “tự bơi”. Thị trường mặt hàng nông sản ngày càng mở cửa và cạnh tranh quyết liệt, đòi hỏi cần nhanh nhạy nắm bắt thông tin thị trường. Do vậy, mô hình liên kết giữa doanh nghiệp - HTX - hộ nông dân cần được phát huy, nhằm phát huy hiệu quả kinh tế trong quá trình sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây cũng chính là quá trình để thị trường nông sản dần được minh bạch, mang đến lợi ích cho người tiêu dùng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên kết đưa nông sản ra thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO