“May áo” cho sản phẩm OCOP

CHÂU NỮ 11/01/2022 05:55

Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm thì logo, bao bì, mẫu mã, thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã số mã vạch… là yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho người tiêu dùng, góp phần làm nên thành công của sản phẩm OCOP.

Quả ngon từ vỏ

Hằng năm các địa phương và chủ thể tham gia OCOP (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ hộ sản xuất...) ở Quảng Nam đều được tập huấn về phát triển sản phẩm OCOP, tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng thương hiệu, ghi nhãn hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, bảo vệ môi trường...

Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hoa tham gia với các đơn vị triển khai sản phẩm OCOP và truy xuất nguồn gốc Vcheck. Ảnh: T.Đ
Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hoa tham gia với các đơn vị triển khai sản phẩm OCOP và truy xuất nguồn gốc Vcheck. Ảnh: T.Đ

Tuy nhiên nhiều chủ thể vẫn không khỏi bỡ ngỡ và gặp khó khăn khi bắt tay vào thực hiện, nhất là trong lần đầu tham gia chương trình OCOP. Bởi lẽ, để đạt được các tiêu chí, gắn sao OCOP, ngoài chất lượng sản phẩm, còn phải kèm theo nhiều hồ sơ, trong đó có mã số mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu sản phẩm... Điều này rất khó khăn đối với các chủ thể, nhất là hộ cá thể, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ.

Một số chủ thể OCOP cho rằng, việc nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chí của OCOP xem ra dễ hơn việc lên ý tưởng thiết kế logo, nâng cấp, cải tiến bao bì, nhãn mác, trong khi đây là một trong những tiêu chí của sản phẩm OCOP và điều này cũng ảnh hưởng đến việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Sản phẩm của doanh nghiệp đạt chất lượng nhưng bao bì, nhãn mác không bắt mắt, không ấn tượng hoặc thiếu sáng tạo cũng khó gây sự chú ý cho người tiêu dùng.

Bà Lê Thị Hương (Vĩnh Điện, Điện Bàn) - chủ cơ sở sản xuất Hương Bột, có sản phẩm đạt sao OCOP cấp tỉnh từng chia sẻ: “Lúc mới bắt tay vào sản xuất, tôi chỉ chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Sau này, khi tham gia chương trình OCOP, tôi biết rằng cả chất lượng và bao bì, nhãn mác cùng nhiều yếu tố liên quan khác cần được quan tâm và sản phẩm mình hoàn thiện hơn là nhờ tham gia chương trình này”.

“May áo” cho sản phẩm OCOP

Để thực hiện có hiệu quả chương trình OCOP, nhiều cơ sở, địa phương đã hợp tác với các đơn vị chuyên tư vấn, hỗ trợ cách thực hiện từng bước cụ thể trong trình triển khai chương trình.

Bộ Nhận diện thương hiệu của Đèn lồng Hội An-dé LANTANA-Hội An do Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hoa thiết kế. Ảnh: T.Đ
Bộ Nhận diện thương hiệu của Đèn lồng Hội An-dé LANTANA-Hội An do Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hoa thiết kế. Ảnh: T.Đ

Nhiều năm qua, Công ty TNHH MTV Vạn Phúc Hoa (Công ty Vạn Phúc Hoa) ở TP.Tam Kỳ luôn đồng hành với doanh nghiệp, địa phương trong thực hiện chương trình OCOP, ngay từ khi xây dựng đề án đến tiêu thụ sản phẩm, từ tư vấn, xây dựng chiến lược thương hiệu, sáng tạo thông điệp, thiết kế hệ thống nhận diện thương hiệu đến xác lập giải pháp truyền thông thương hiệu, giám sát, truy xuất nguồn gốc chất lượng sản phẩm.

Công ty Vạn Phúc Hoa đã thực hiện nhiều dự án cho hàng trăm doanh nghiệp. Năm 2020, doanh nghiệp ký kết hợp đồng với Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh về xây dựng bộ nhận dạng thương hiệu cho 18 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh công nhận 4 sao năm 2018, 2019.

Nhiều sản phẩm Công ty Vạn Phúc Hoa thiết kế bao bì, nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc... đã khá quen thuộc với người tiêu dùng, như nước mắm Cửa Khe Hai Hiền, đèn lồng Hội An-dé LANTANA, cam giấy sấy dẻo Tiên Hà, trầm hương Tiên Phước, sữa bắp Thu Bồn, sâm dây Phước Sơn Thu Thủy...

Bà Đặng Thị Thùy Trang - Trưởng phòng Kinh doanh công ty cho biết, cùng với chất lượng, để hoàn thành một sản phẩm tham gia OCOP, phải cần bao bì đẹp, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm nghiệm đầy đủ trước khi ra thị trường... Trên bao bì sản phẩm phải có đầy đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch để người mua hàng có thể kiểm tra thông tin của người bán hàng.

Công ty Vạn Phúc Hoa sẽ tư vấn những nội dung này, giúp chủ thể hoàn thiện hồ sơ… Để hoàn thiện logo, bao bì sản phẩm, trước hết công ty khảo sát ý kiến khách hàng và chỉnh sửa và góp ý, mới có được thiết kế hoàn thiện. Công ty còn hỗ trợ khách hàng xây dựng trang thông tin điện tử quảng bá sản phẩm, app truyền thông, đăng ký bảo hộ thương hiệu...

Công ty TNNHH MTV Vạn Phúc Hoa thiết kế một số mẫu bao bì, nhãn mác cho sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền (xã Bình Dương, Thăng Bình).
Công ty TNNHH MTV Vạn Phúc Hoa thiết kế một số mẫu bao bì, nhãn mác cho sản phẩm nước mắm Cửa Khe Hai Hiền (xã Bình Dương, Thăng Bình).

Bà Nguyễn Thị Hiền (Bình Dương, Thăng Bình) - HTX sản xuất nước mắm Cửa Khe Hai Hiền (xếp hạng 4 sao OCOP cấp tỉnh) cho biết, từ ý tưởng ban đầu của chị, Công ty Vạn Phúc Hoa đã có những góp ý hay và thiết kế bao bì, nhãn mác cho sản phẩm của HTX. Những mẫu thiết kế ấn tượng và phù hợp nên rất được khách hàng ưa thích và bà tham dự sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2021 với mẫu thiết kế đó.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan - cơ sở sản xuất cam giấy sấy dẻo Tiên Hà (Tiên Phước) chia sẻ, bà may mắn có được sự đồng hành của địa phương và đơn vị tư vấn.

“Nếu không có đơn vị tư vấn hồ sơ, thủ tục, thiết kế mẫu mã, bao bì như Công ty Vạn Phúc Hoa, tôi cũng như nhiều chủ thể khác sẽ lúng túng trong lần đầu tham gia chương trình OCOP.

Và cũng từ sự tư vấn, hướng dẫn ban đầu này đã cho tôi nhiều kinh nghiệm trong năm thứ hai tham gia chương trình OCOP, để rồi tôi có thể tự làm hồ sơ, thiết kế, cải tiến bao bì cho sản phẩm của mình” - bà Lan nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“May áo” cho sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO