Nghịch lý thị trường hàng tiêu dùng

VĨNH LỘC 11/08/2022 10:58

(QNO) – Từ tháng 6 đến nay dù xăng dầu đã 4 lần giảm giá, nhưng hàng hóa tiêu dùng trên địa bàn tỉnh hầu như không giảm tương xứng, thậm chí một số mặt hàng thực phẩm như thịt heo, bò… tăng cao hơn so với những tuần gần đây.

Thịt heo tăng giá. Ảnh: V.L
Thịt heo tăng giá. Ảnh: V.L

Thịt heo tăng giá

Sáng 10.8, khảo sát tại chợ Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn) giá thịt heo mông 90 nghìn đồng/kg, vai 90 nghìn đồng/kg, ba chỉ 120 nghìn đồng/kg, sườn 150 nghìn đồng/kg… Thậm chí, thịt vai và sườn non tăng lần lượt 5 – 10 nghìn đồng/ký so với tuần trước.

Bà Lê Thị Phương, tiểu thương bán thịt tại chợ Thanh Quýt cho hay, dù xăng, dầu giảm giá nhưng các chi phí đầu vào  như vận chuyển, nhân công… vẫn chưa giảm nên thịt heo khó có thể giảm giá được. “Mấy khi trước xăng tăng giá các lò mổ chưa có lãi, bây xăng giảm mới có lãi chút ít nên không thể giảm được” - bà Phương nói.

Một số chợ khác như Vĩnh Điện, Hội An, Tam Kỳ… giá thịt heo cũng không dao động nhiều so với mặt bằng chung. 

Bà Nguyễn Thị Hường, công nhân Công ty Giày Riker Việt Nam (khu KCN Điện Nam - Điện Ngọc) cho biết: "Giá cả tăng cao khiến những người lao động rất cân nhắc khi đi chợ. Trước đây nói xăng tăng giá thịt cá tăng theo mình thông cảm được, nhưng bây giờ xăng đã giảm hơn 7 nghìn đồng rồi mà giá vẫn đứng yên thì vô lý quá".

Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ gia đình nghèo. Ảnh: V.L
Giá cả tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều hộ gia đình nghèo. Ảnh: V.L

Tính đến sáng 10.8, heo hơi tại Quảng Nam có giá bình quân 67 nghìn đồng/kg, không đổi so với ngày 9.8 và ngang giá với một số địa phương lân cận như Thừa Thiên Huế (67 nghìn đồng /kg) hay Quảng Ngãi (68 nghìn đồng/kg). Tại một số siêu thị, mức giá cũng không có nhiều biến động, hầu hết mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng như bột giặt, gạo, thịt, sữa, đường…, giá giữ nguyên hoặc giảm nhẹ không đáng kể.

Phụ thuộc nhà cung cấp

Theo tính toán, có nhiều yếu tố cấu thành vào giá một mặt hàng như nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, mùa vụ... chứ không đơn thuần là tác động của xăng dầu, mặc dù đây là yếu tố đóng vai trò tiên quyết, chi phối giá thành nhiều sản phẩm.

Theo ông Huỳnh Duy Chương – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Khôi Hưng, đơn vị quản lý hệ thống siêu thị mini Giadamart Đà Nẵng, khó có thể giảm giá hàng hóa trong thời gian ngắn hạn vì phụ thuộc vào các yếu tố tác động như lạm phát, vận chuyển, chi phí lưu kho bãi, tồn kho… “Chúng tôi cũng rất muốn giảm giá để thu hút người tiêu dùng đến mua hàng nhưng nhà cung cấp chưa chịu giảm giá nên cũng chịu” - ông Chương phân trần.

Giá hàng hóa phụ thuộc vào nhà cung cấp nên khó thể giảm trong thời gian ngắn hạn. Ảnh: V.L
Giá hàng hóa phụ thuộc vào nhà cung cấp nên khó thể giảm trong thời gian ngắn hạn. Ảnh: V.L

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoàng Vỹ - Giám đốc Siêu thị Pikamart Điện Bàn cho rằng, việc giảm giá hàng hóa phải có lộ trình và phụ thuộc nhà cung ứng, bởi lúc xăng tăng giá hàng hóa cũng lên từ từ, nên bây giờ cũng không thể giảm đột ngột được. Chưa kể một số nguyên liệu nhập từ nước ngoài vào hiện nay vẫn còn cao do tác động từ lạm phát, xung đột Nga – Ukraine…

“Trước đây, khi xăng dầu tăng giá, nguyên liệu đầu vào cao nhưng nhiều nhà sản xuất, cung cấp hàng hóa vẫn cố chống chịu không tăng giá, thậm chí chịu lỗ để giữ khách hàng, bây giờ xăng dầu giảm lợi nhuận cũng chỉ đủ bù lỗ trước đó nên tôi nghĩ trong thời gian ngắn hàng hóa chưa thể giảm liền được, chí ít phải hết năm nay” - ông Vỹ phân tích.

Theo bà Trần Thị Như Lai – Giám đốc Siêu thị Co.opmart Tam Kỳ, phần lớn hàng hóa được siêu thị ký hợp đồng với nhà cung cấp theo thời gian và bán theo chương trình bình ổn giá, nên việc xăng dầu tăng hay giảm cũng không ảnh hưởng nhiều đến giá bán.

“Lúc xăng dầu tăng hàng hóa mình không tăng theo nên bây giờ xăng giảm cũng không thể giảm giá liền được mà phải có lộ trình, ít nhất phải có khoảng thời gian để siêu thị làm việc với nhà cung cấp sau đó mới có thể tính toán giảm giá được” -  bà Lai lý giải.

Cơ quan Quản lý thị trường khó thể can thiệp vào giá cả hàng hóa, ngoại trừ tăng giá bất hợp lý. Ảnh: V.L
Cơ quan quản lý thị trường khó thể can thiệp vào giá cả hàng hóa, ngoại trừ tăng giá bất hợp lý. Ảnh: V.L

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh trong các kỳ điều hành vừa qua. Ngày 1.8 vừa qua, UBND tỉnh cũng có công văn gửi Cục Quản lý thị trường tỉnh tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Ông Đoàn Ngọc Sơn – Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường khẳng định, cơ quan quản lý thị trường không thể can thiệp vào giá cả hàng hóa, chỉ trong một số trường hợp như lợi dụng thiên tai, bão lũ nâng giá bất hợp lý mới xử lý.

“Giá cả tuân theo quy luật thị trường thuận mua vừa bán, mình không thể yêu cầu họ bán theo giá này hay giá kia được, nhiệm vụ của quản lý thị trường chỉ kiểm tra, xử lý hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không niêm yết giá, hoặc có nâng giá bất hợp lý không…; còn giá cả là của từng doanh nghiệp tự công bố dựa vào đầu vào của sản phẩm” - ông Sơn nói.   

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nghịch lý thị trường hàng tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO