Nhộn nhịp làng bánh An Lạc

NHÃ PHƯƠNG - PHI THÀNH 04/02/2021 07:11

Những ngày qua, người dân làm nghề sản xuất bánh truyền thống ở làng An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên) chạy đua với thời gian để cho ra lò nhiều sản phẩm kịp cung ứng thị trường tết.

Những ngày cận tết, các cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở làng An Lạc hoạt động hết công suất. Ảnh: T.P
Những ngày cận tết, các cơ sở sản xuất bánh truyền thống ở làng An Lạc hoạt động hết công suất. Ảnh: T.P

Tạm dừng công việc trong chốc lát, ông Huỳnh Quang Trung (thôn An Lạc, xã Duy Thành) cho biết, những ngày cận tết, sức mua trên thị trường tăng cao, nhiều bạn hàng ở một số khu vực lân cận tìm đến đặt mua bánh. Vì vậy, các thành viên trong gia đình được huy động để cho ra lò thật nhiều sản phẩm.

“Trước đây, tôi làm thủ công nên việc đảm bảo hình thức mẫu mã có phần hạn chế dẫn đến thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp. Còn bây giờ, tôi đầu tư mua sắm máy sấy bánh bằng điện thay củi, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm vừa tăng sản lượng lên gấp 3 - 4 lần so với trước” – ông Trung nói.

Không chỉ ông Trung, hiện nay làng bánh truyền thống An Lạc có hơn 10 hộ chuyên sản xuất đủ các loại bánh truyền thống, chủ yếu vẫn là bánh in để bán trong dịp tết. Nhiều cơ sở sản xuất đăng ký nhãn hiệu, đảm bảo độ tin cậy về truy xuất nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó phải kể đến bảnh dẻo Lợi Phổ của ông Huỳnh Tấn Ánh.

Ban đầu, gia đình ông Ánh chuyên sản xuất các loại bánh in bột nếp, bánh bắp, kẹo ú để bán trong vùng. “Ăn nên làm ra” nên 10 năm gần đây, ông đầu tư gần 1 tỷ đồng để trang bị thêm các loại máy móc như máy xay bột, máy ép bánh, lò sấy điện, máy đóng gói sản phẩm… nhờ đó nâng cao năng lực sản xuất, mẫu mã, chất lượng đảm bảo.

Ông Ánh chia sẻ: “Nguyên liệu chính làm nên các loại bánh truyền thống ở An Lạc là các loại nếp, đậu xanh, đường, mè. Để có được những mẻ bánh in thơm ngon, cơ sở phải lựa chọn nếp chất lượng, đậu xanh được rang và bóc sạch vỏ. Đặc biệt là kỹ thuật thắng đường phải đảm bảo không quá non mà cũng không quá già lửa”.

Cũng theo ông Ánh, trung bình mỗi ngày cận tết, cơ sở của ông sản xuất khoảng 800 – 1.000 sản phẩm bánh in, bánh dừa, bánh lăn, bánh dẻo… doanh thu đạt hơn 10 triệu đồng/ngày.

Ông Lê Tấn Bảo – Phó Chủ tịch UBND xã Duy Thành cho biết, lúc trước, chỉ có người dân An Lạc bám víu với nghề sản xuất bánh truyền thống nhưng giờ lan tỏa ra các thôn khác. Theo số liệu thống kê, địa phương hiện có 24 hộ tham gia sản xuất bánh, tập trung ở các thôn An Lạc và Vân Quật, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 150 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân từ 4 – 6 triệu đồng/người/tháng.

Sản phẩm được tiêu thụ mạnh ở các huyện lân cận và một số tỉnh, thành phố như Đà Nẵng, Huế, Tam Kỳ, Hội An, Quảng Ngãi… Qua đó, giúp nhiều hộ dân vươn lên làm giàu, lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn và tiếp tục lưu giữ nghề gia truyền mà cha ông để lại.

Thời gian đến, xã mong muốn cấp trên có những chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy mạnh quảng bá sản phẩm bánh An Lạc trên thị trường để vừa duy trì nghề sản xuất bánh truyền thống vừa kết hợp phát triển du lịch sinh thái làng quê, làng nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nhộn nhịp làng bánh An Lạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO