Nỗ lực phát triển nghề truyền thống

THÁI BÌNH 10/03/2020 14:37

Chủ trương đổi mới hình thức hoạt động của chi hội, tổ hội nghề nghiệp, đồng thời hỗ trợ hội viên nông dân yên tâm đầu tư vào các mô hình kinh tế đang được các cấp Hội Nông dân TP.Tam Kỳ triển khai hiệu quả trong thời gian qua.

HTX nước mắm Tam Thanh được địa phương quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt để phát triển thương hiệu. Ảnh: T.BÌNH
HTX nước mắm Tam Thanh được địa phương quan tâm, hỗ trợ nhiều mặt để phát triển thương hiệu. Ảnh: T.BÌNH

Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân TP.Tam Kỳ chú trọng hỗ trợ các làng nghề truyền thống tại xã Tam Thanh. Tại đây đã hình thành nhiều HTX, mô hình tổ hội nghề nghiệp thu hút nhiều hội viên nông dân tham gia. Qua đó, tạo ra chuỗi liên kết trong sản xuất, kinh doanh, vừa giúp hội viên nâng cao thu nhập và giữ nghề truyền thống có từ bao đời nay ở làng biển Tam Thanh.

Cơ sở sản xuất nước mắm của chị Kiều Thị Ngọc Loan, thôn Hòa Trung, xã Tam Thanh được người dân trong vùng biết đến khi xây dựng được thương hiệu nước mắm thơm ngon, uy tín với người dùng.

Chị Loan cũng là người đại diện Hợp tác xã (HTX) nước mắm Tam Thanh gồm 11 hội viên tham gia. Điều đặc biệt ở nước mắm Tam Thanh là tất cả công đoạn đều được làm thủ công để giữ được hương vị đậm đà, nguyên chất.

“HTX nước mắm Tam Thanh thu hút được 11 chị em cùng gắn bó bởi chúng tôi mong muốn tiếp tục phát triển mạnh đặc sản quê hương. Trước đây chúng tôi chỉ làm đóng chai truyền thống rồi bán lẻ, từ khi vào HTX và nhờ sự hỗ trợ của địa phương nên chúng tôi có được nhãn hiệu và đạt sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 3 sao. Vì có thương hiệu, nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ nên sản phẩm được nhiều người tiêu dùng lựa chọn” - chị Ngọc Loan nói.

 

Trong quá trình mở rộng thị trường, HTX nước mắm Tam Thanh đang cung cấp sản phẩm của mình cho các trường học trên địa bàn xã, thông qua cam kết của Hội Nông dân xã Tam Thanh. 

Ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tam Thanh cho hay: “HTX nước mắm Tam Thanh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Thời gian đến, để sản phẩm HTX nâng chuẩn lên 4 sao cần sự hỗ trợ từ cấp trên về nguồn vốn vay mua sắm thiết bị, xây dựng nhà xưởng...”.

Đến thôn Thanh Đông, xã Tam Thanh, bà con ngư dân vẫn lưu giữ nghề truyền thống chế biến, phơi cá khô và làm nước mắm. Nhiều năm gắn bó với nghề, chị Trần Thị Gái dành nhiều tâm huyết và mong muốn phát triển nghề truyền thống đã gắn bó bao đời ở làng biển Thanh Đông. Nguyện vọng đó được cụ thể hóa khi Hội Nông dân TP.Tam Kỳ thành lập Tổ hội nghề nghiệp chế biến, phơi cá khô thôn Thanh Đông. Tham gia tổ hội nghề nghiệp, hội viên được hỗ trợ vốn, hoạt động của tổ hội đi vào nền nếp và gắn kết thêm nhiều hội viên tham gia. Nhờ vậy, sản phẩm làm ra không bị ép giá, nguồn thu nhập của hội viên ổn định hơn trước. Bên cạnh đó các thành viên trong tổ thường xuyên hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, kỹ thuật để sản phẩm đạt chất lượng, an toàn.

Chị Trần Thị Gái - Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp thôn Thanh Đông, cho biết: “Tổ nghề nghiệp đã hoạt động được 4 năm nay, thu hút nhiều chị em tham gia. Bên cạnh công việc gia đình thì nghề phơi cá khô các loại cũng mang lại thu nhập tương đối cho các chị em ở đây. Thời gian sau tết chúng tôi phơi cá hố, khoảng tháng 4 trở đi thì có cá cơm, ruốc tôm về phơi để cung cấp ra thị trường”.

Ông Lê Minh Tuấn - cho biết thêm: thời gian tới, Hội Nông dân xã tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các HTX, tổ hội nghề nghiệp, trong đó có tổ hội nghề nghiệp đánh bắt trên biển và nuôi trồng thủy sản. Qua đó vừa thu hút hội viên nông dân có điều kiện phát triển nghề, tạo đầu ra cho các sản phẩm truyền thống địa phương. Tới đây, Hội Nông dân TP.Tam Kỳ, Hội Nông dân xã Tam Thanh, tiếp tục có những chính sách, nguồn vốn vay từ Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm hỗ trợ các HTX, tổ hội nghề nghiệp ở địa phương đầu tư và phát triển hơn. Từ đó tập hợp, thu hút đông đảo hội viên nông dân có cùng ngành nghề, cùng lĩnh vực lao động để nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở Hội Nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực phát triển nghề truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO