Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề

VIỆT NGUYỄN 22/08/2019 12:40

Tiếp sức phát triển những sản phẩm du lịch từ các làng nghề truyền thống để đem đến những trải nghiệm đầy cảm xúc cho du khách là thành quả lớn trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP.Hội An thời gian qua.

Du khách tham quan, khám phá làng rau Trà Quế. Ảnh: V.N
Du khách tham quan, khám phá làng rau Trà Quế. Ảnh: V.N

Sức hút, ấn tượng

Nép mình bên dòng sông Thu Bồn, làng gốm Thanh Hà (TP.Hội An) với hơn 500 năm hình thành và phát triển luôn thu hút khám phá, trải nghiệm của du khách.

Từ đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Thanh Hà chân chất, nhiều sản phẩm du lịch đã được nhào nặn khéo léo, biến đất sét thành tò he 12 con giáp, đèn trang trí, đèn sân vườn, bình cắm hoa. Những món ăn tạo nên thương hiệu ẩm thực của TP.Hội An như cao lầu, mỳ Quảng, cơm gà, tôm hữu, bánh vạc, hoành thánh... cũng là nguồn cảm hứng để các nghệ nhân làng gốm tạo tác thành bộ sản phẩm “Dấu ấn Hội An” đem đến sự trải nghiệm tinh tế cho du khách. Đi thăm làng rồi mua sắm nhiều sản phẩm gốm, anh Nguyễn Tất Tiến đến từ tỉnh Bắc Ninh trầm trồ: “Quê tôi có một làng gốm rất nổi tiếng là Phù Lãng với nét đặc trưng là màu men tự nhiên hay gọi là men da lươn chứa đựng vẻ đẹp nguyên sơ hòa quyện của đất và lửa. Còn các món gốm của các bạn qua bàn xoay đã cho thấy sự công phu và cầu kỳ”.

Chỉ 10 phút đi đường bộ hoặc chừng 15 phút đi đường sông, du khách từ Thanh Hà có thể thong thả sang làng mộc Kim Bồng (Cẩm Kim, TP.Hội An) để tận hưởng nhiều trải nghiệm thú vị khác. Nhìn đôi tay thoăn thoắt, điêu luyện tạo tác các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gỗ của nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, nhiều du khách trầm trồ thán phục. Từ những hình ảnh quen thuộc, gần gũi với cuộc sống đến các tác phẩm điêu khắc về người nông dân, cây tre, con đò, bến nước, cánh đồng, Chùa Cầu, các hội quán, du khách được trải nghiệm, hiểu hơn về đời sống tinh thần giản dị, mộc mạc, giàu cảm xúc của con người Kim Bồng nói riêng, Hội An nói chung. Ông Huỳnh Sướng - nghệ nhân ưu tú của làng mộc Kim Bồng chia sẻ: “Giữ gìn, phát triển làng nghề để tạo nên các sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách là niềm trăn trở, tâm huyết của chúng tôi. Mong UBND TP.Hội An có giải pháp để các tour du lịch đưa khách đến tham quan, tìm hiểu, mua sắm sản phẩm của làng nghề nhiều hơn”.

Tiếp sức làng nghề

Xã hội hóa các hoạt động quảng bá, bảo tồn, nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch làng nghề đã được triển khai thường xuyên trên địa bàn TP.Hội An. Hàng năm, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An đã phối hợp với Phòng Văn hóa - thông tin TP.Hội An tổ chức 15 lễ hội lớn, trong đó có 7 lễ hội dành cho các làng nghề truyền thống gồm lễ tế tổ làng mộc Kim Bồng, lễ tế tổ nghề gốm Thanh Hà, lễ cầu bông làng rau Trà Quế (xã Cẩm Hà), lễ cầu ngư tại xã đảo Tân Hiệp và phường Cửa Đại, lễ giỗ tổ nghề yến, ngày hội bắp nếp Cẩm Nam, ngày hội quật cảnh Cẩm Hà. Qua các lễ hội, công chúng, du khách trong và ngoài nước càng được dịp gắn bó sâu sắc hơn với các sản phẩm du lịch làng nghề cũng như các phẩm chất, giá trị cốt lõi chi phối đời sống tinh thần, chiều sâu văn hóa của đất và người Hội An. “Trong năm qua, khách mua vé tham quan, mua sắm tại các làng nghề truyền thống tăng cao; ở xã đảo Tân Hiệp là 395 nghìn lượt, gốm Thanh Hà là 539 nghìn lượt, rừng dừa Cẩm Thanh là 615 nghìn lượt...

Những con số ấn tượng là kết quả lớn trong triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP.Hội An” - ông Lê Hồng Lợi - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An nói.

TP.Hội An đã đầu tư, nâng cấp bài bản các cơ sở hạ tầng phục vụ du khách ở các làng nghề truyền thống trong nhiều năm trở lại đây. Giữ chân du khách lưu trú, khám phá dài ngày qua đầu tư các mô hình homestay ở các làng nghề đi đôi với bảo vệ môi trường đã được thực hiện thiết thực. Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, địa phương đang hoàn thiện đề án về phát triển các sản phẩm du lịch ở các làng nghề mộc Kim Bồng và rau Trà Quế với kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn, tiếp sức các làng nghề phát triển mạnh, bền vững trong thời gian đến. “Chúng tôi luôn đề cao các yếu tố văn hóa và sinh thái để tạo điểm nhấn phát triển du lịch. Đề án tập trung vào các nội dung chính là xây dựng chương trình tham quan kích thích tìm hiểu, khám phá của du khách; tạo sản phẩm đặc sắc để du khách trải nghiệm thời gian dài; các dịch vụ tiện ích, phục vụ tối đa nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách và dĩ nhiên công tác quảng bá sẽ đi đầu” - ông Sơn nói.

Ông Trần Tấn Dũng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Hội An kỳ vọng, các kết quả về phát triển các sản phẩm du lịch của các làng nghề truyền thống trên địa bàn sẽ còn nhiều hơn trong thời gian đến. “Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan chức năng, các địa phương, các doanh nghiệp để nâng cao thương hiệu, vị thế, chất lượng các sản phẩm du lịch của các làng nghề truyền thống làm nền tảng để triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”” - ông Dũng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển sản phẩm du lịch làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO